Trong nhiều tư liệu tiếng Hán, hoa gạo còn gọi là mộc miên, người Tây Nguyên thì gọi là pơ-lang, còn với dân đồng bằng chỉ đơn giản: hoa gạo.
Nếu nhìn thực tế thì hoa gạo không để ăn, thân gỗ gạo không thể làm nhà, thể chất của gạo không làm nên giá trị gì. Nhưng nếu nói đến góc độ mỹ thuật hay tinh thần thì hoa gạo trở thành biểu tượng của làng quê, là hình ảnh của sự mộc mạc, chân chất của những người nông dân.
Cây gạo đầu làng, đầu bản, cây gạo bên đình chùa, đền miếu, cầu quán trở thành thân quen với con người làng quê như hạt gạo làng ta.
Cây gạo cũng như cây đa, chúng là một phần hồn Việt mà chẳng cần ai phải kêu gọi giữ gìn bản sắc. Đi đâu xa, chỉ một gốc đa đầu đình, một cây gạo trước cổng làng là đã đủ níu chặt tâm can mỗi người.
Bộ ảnh dưới đây được tác giả thực hiện với diễn viên đàm hằng cùng mc phí thùy linh trong trang phục áo dài trắng và trang phục thôn quê của thiếu nữ bên gốc gạo nhiều năm tuổi, tại Làng Đông Loan - Xã Lãng Sơn - Huyện Yên Dũng - Bắc Giang.
Tháng Ba, khi những vạt nắng vàng ươm cũng là lúc ở làng quê, những bông hoa gạo bắt đầu nở đỏ. Nếu đã từng trải qua những năm tháng học trò ở các vùng quê có hoa gạo nở đỏ, nữ sinh sẽ không khỏi bồi hồi khi nhớ về tà áo dài trắng tinh dưới những tán hoa. Hoa gạo có năm cánh đỏ tươi, nếu chỉ ngắm một bông hoa riêng lẻ thì có thể chưa cảm nhận được hết nét đẹp của nó như khi nhìn ngắm cả một tán sum xuê. Cũng bởi sắc đỏ của loài hoa này, mà dù đứng ở vị trí nào cũng khó mà lẫn được.