Danh sách 10 chiếc sportbike được sắp xếp theo thứ tự tăng dần mức độ phổ dụng mà nguyên cớ đến từ kiểu dáng, cỗ máy, khả năng vận hành và cả mức giá phải chi trả.
10. Suzuki GSX-R600 (2001 đến nay)
gsx-r600 là một trong những sự lựa chọn hợp lý nhất trong phân khúc 600. Chiếc supersport nhà Suzuki nhanh, vào cua ổn định, hệ thống phanh an toàn là đối thủ đáng gờm của những Honda CBR600RR, Yamaha R6 hay Kawasaki ZX-6R.
Năm 2001, Suzuki hoàn tất việc nâng cấp GSX-R600 với bộ khung và động cơ mới, cùng với hệ thống phun xăng điện tử FI lần đầu tiên sử dụng. Đây có thể coi như năm đánh dấu của Gixxer 600 phiên bản thương mại.
Gixxer 600 2011 tích hợp hệ thống điều khiển S-DMS. Ảnh: Totalmotorcycle. |
Phiên bản mới nhất của GSX-R600 sản xuất năm 2011 với các trang bị hàng hiệu như má phanh Brembo, giảm xóc Big Piston của Showa, hệ thống điều khiển chế độ vận hành S-DMS (Suzuki-Drive Mode Selector). Gixxer 600 sử dụng động cơ 599 phân khối với 4 xi-lanh thẳng hàng làm mát bằng dung dịch, công suất 124 mã lực. Hộp số 6 cấp. Tốc độ tối đa 265 km/h.
9. Suzuki GSX-R600 (1997-2000)
Thế hệ đầu tiên của chiếc mini 750 Suzuki GSX-R600 ra đời năm 1997 để cạnh tranh giải đua supersport bike phân khúc mới, 600 phân khối. Chiếc “mini 750” nhẹ hơn đàn anh 5 kg được thiết kế trong hầm gió để tối ưu hóa khả năng khí động học.
GSX-R600 1997 là một chiếc “mini 750”. Ảnh: Mycycledata. |
Gixxer 600 nhanh chóng thể hiện sức mạnh khi giành chiến thắng World Supersport cùng tay đua Fabrizio Pirovano năm 1998 và một năm sau đó cùng với Stephane Chambon. Phiên bản đầu tiên sử dụng động cơ 4 thì 599 phân khối. Công suất cực đại 110 mã lực, đạt tốc độ tối đa 250 km/h.
8. Honda CBR600F (1999-2005)
Vị trí thứ 8 thuộc về thế hệ trước của CBR600RR, chiếc CBR600F4 đời 1999-2005, cũng là thế hệ cuối cùng của dòng cbr600f Hurricane ra đời lần đầu tiên vào năm 1987 cùng đàn anh CBR1000F.
Honda CBR600F4 là thế hệ cuối cùng trước khi CBR600RR thay thế. Ảnh:Totalmotorcycle. |
Năm 2001 nâng cấp lên hệ thống phun xăng điện tử, yên bắt đầu tách đôi và đuôi vểnh cao càng khắc họa rõ nét hình ảnh một sportbike đích thực. Xe sử dụng động cơ 599 phân khối làm mát bằng chất lỏng, công suất 110 mã lực, hộp số 6 cấp, đạt tốc độ tối đa 250 km/h.
7. Yamaha YZF-R6 (1999-2005)
Dòng môtô không thỏa hiệp thế hệ đầu tiên ra đời năm 1999 mang cá tính khác biệt hoàn toàn so với đàn anh YZF-R1. Nếu YZF-R1 tập trung vào sức mạnh động cơ thì đàn em 600 phân khối nhấn mạnh sự kết hợp hài hòa của hiệu suất máy và khung sườn DeltaBox. Với YZF-R1, khối động cơ nằm bên trong sự bao bọc của khung sườn, nhưng ở yzf-r6 thì cỗ máy lại là cầu nối giữa phần phía trước với gắp (càng) sau.
Yamaha YZF-R6 đời 2005. Ảnh: totalmotorcycle. |
Năm 2001 thay đổi nhỏ với đèn sau dạng LED, năm 2003 với khung sườn hoàn toàn mới nhẹ, ổn định hơn. Phiên bản thời gian này sử dụng động cơ 599 phân khối, công suất 120 mã lực, tốc độ tối đa 258 km/h.
6. Kawasaki ZX-6R (2003 đến nay)
Chiếc zx-6r đời 2003 thực sự không phải là môtô phân khối lớn dành cho dân mới chơi hay những tay gà mờ. Tập trung vào sức mạnh thuần túy của động cơ thay vì những đường nét bóng bẩy của kiểu dáng, ZX-6R như một chiếc xe đua thực thụ. Năm 2007-2008, Kawasaki giảm dung tích động cơ từ 636 phân khối xuống 599 phân khối.
Kawasaki ZX-6R 2013 quay lại với động cơ 636 phân khối. Ảnh: Đức Quang. |
Trái tim của xe là khối động cơ 4 thì 599 phân khối làm mát bằng chất lỏng, công suất 120 mã lực, tốc độ tối đa 265,5 km/h. Phiên bản mới nhất Kawasaki ZX-6R 2013 quay trở lại với động cơ 636 phân khối quen thuộc từ năm 2003 (Chi tiết Kawasaki ZX-6R 2013)
5. Triumph Daytona 600/650
Triumph Daytona 650 2005. Ảnh: En.triumph-club. |
Khả năng xử lý và hãm phanh trên chiếc môtô Anh quốc được đánh giá rất cao. Mẫu 600 phân khối trước đó sản sinh công suất thấp hơn so với các đối thủ, vì thế bản 650 phân khối đã xóa bỏ khoảng cách này. Yên xe người lái lớn hơn các mẫu khác trong cùng phân khúc khiến ZX-6R chỉ thực sự thích hợp với những anh chàng to lớn. Phiên bản 600 phân khối đạt công suất 112 mã lực, trọng lượng 165 kg và vận tốc cực đại 258 km/h.
4. Ducati 749 (2003-2007)
Ducati 749 Dark. Ảnh: motorcyclespecs. |
Tuy có động cơ 749 phân khối nhưng chiếc Ducati cũng được xếp vị trí thứ 4 trong phân khúc 600 phân khối. Xe sử dụng dạng động cơ V-Twin, phun xăng điện tử, đạt công suất cực đại 103 mã lực. Phiên bản "Dark" có mức giá thành khá kinh tế, cao hơn là S và đứng đầu là R.
3. Kawasaki ZX-6R (1998-2002)
Kawasaki Ninja ZX-6R 1998. Ảnh: visordown. |
Những chiếc Ninja đời đầu không tập trung vào đường đua như ở thế hệ từ 2003 trở đi, chính vì thế nó thân thiện hơn với đường phố. Các phiên bản J1 và J2 đời 2000-2001 khá giống nhau, chỉ khác là bộ quây (faring) có thiết kế khí động học và khả năng bảo vệ cho lốc máy tốt hơn. Mẫu A1P 636 phân khối năm 2002 là phiên bản đường phố tốt nhất trước khi Kawasaki chuyển hướng sang tập trung vào đường đua.
2. Yamaha YZF-R6 (2006+)
Yamaha YZF-R6 2013. Ảnh: totalmotorcycle. |
Từ 2006 trở lại đây, YZF-R6 được đánh giá rất cao trong phân khúc 600 phân khối. Mạnh mẽ, sắc lẹm, R6 luôn sẵn sàng chồm lên như một chú ngựa hoang bất kham. Cỗ máy 127 mã lực, tay ga không phải là bạn đồng hành với tốc độ chậm hay sự thư giãn khi vận hành, tập trung cao độ là điều cần thiết nếu như không muốn mất lái khi qua những khúc cua hay tăng tốc đột ngột.
Bản nâng cấp năm 2008 với những thay đổi tập trung vào hiệu suất máy khi hoạt động ở tầm trung đã trở nên “thuần” hơn với người sử dụng. Hiên bản mới nhất 2013 của YZF-R6 sử dụng động cơ 4 thì DOHC 599 phân khối 4 xi-lanh thẳng hàng làm mát bằng dung dịch. Công suất 122 mã lực tại vòng tua máy 14.500 vòng/phút. Hộp số 6 cấp (Yamaha YZF-R6 2011 tại Sài Gòn)
1. Honda CBR600RR (2003+)
CBR600RR là phiên bản thương mại của huyền thoại RC211V, chiếc xe đua Honda phát triển dành riêng cho đường đua GP năm 2003. CBR600RR sử dụng hệ thống treo sau Unit-Prolink độc quyền của Honda có khả năng điều chỉnh cho phù hợp với trọng lượng, tốc độ và bề mặt đường. Hệ thống phun xăng điện tử DSFI (Dual Sequential Fuel Injection) gồm hai kim phun cho mỗi xi-lanh với cảm biến điện tử có khả năng cảm nhận vòng tua máy hay độ mở bướm ga.
Honda CBR600RR 2012 tại Sài Gòn. Ảnh: Đức Quang |
Bộ quây thân xe mạnh mẽ bởi những đường cắt sắc nét, ống xả đưa lên cao dưới yên sau khiến chiếc xe gọn gàng, thể thao. Lần sửa đổi đầu tiên của CBR600RR vào năm 2005 với mục đích chính giảm thiểu trọng lượng và tăng sức mạnh động cơ. Năm 2007, Honda làm mới CBR600RR từ thiết kế đến động cơ nhằm tối ưu hóa khả năng vận hành. Năm 2010, CBR600RR trang bị thêm hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Chi tiết Honda CBR600RR 2012 tại Việt Nam)
Đức Huy