Nếu biết cách sử dụng xe số, những chiếc xe máy có thể đồng hành với bạn rất lâu, và giữ được trạng thái luôn mới. Xe số thường không “xuống mã” và xuống giá nhanh như xe ga nên kể cả khi muốn sang tên đổi chủ thì xe số vẫn được nhiều người mua ưu ái. Vậy chị em phải sử dụng xe số thế nào cho đúng cách và giữ được vẻ bền , đẹp của xe?
1. Đừng vận hành như xe ga, quên về số khi sử dụng.
Một lỗi cơ bản mà rất nhiều chị em mắc phải là không về số khi dừng đỗ tạm thời (như khi dừng đèn đỏ) hoặc điều khiển xe với tốc độ cực thấp nhưng vẫn để số cao. Với cách đi xe như trên, xe của chị em sẽ bị hao xăng nhiều hơn, và động cơ cũng bị “tổn thọ” do luôn phải gồng mình hoạt động trong tình trạng máy yếu, ì.
Chị em chỉ cần nhanh mắt để í các bảng đồng hồ công tơ mét của xe, nhà sản xuất thường chỉ định rõ ràng tốc độ hợp lý nhất. Ví dụ trong khoảng từ số 1 đến số 2, tốc độ là 20 km/h; từ số 2 đến 3, tốc độ là 20 – 40 km/h; từ số 3 đến 4 dành cho tốc độ 40 – 60 km/h…
2. Chị em nên bỏ thói quen chỉ dùng một phanh.
Nhiều chị em phụ nữ khi vận hành xe số thường chỉ dùng một phanh. Chị em nên nhớ rằng tất cả những chiếc xe máy khi sản xuất ra đều được trang bị 2 phanh cho 2 bánh trước sau để đảm bảo an toàn.
Thêm nữa, nhiều chị em do thói quen sử dụng tay phải nên đi xe số mà không phanh chân, chỉ dùng phanh tay. Điều này là hoàn toàn bất hợp lý.
Không thiếu những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi xe gặp trường hợp nguy cấp mà chỉ sử dụng một phanh trước/sau. Nếu chỉ sử dụng phanh trước, nguy cơ bị trượt bánh trước và ngã rất dễ xảy ra. Chướng ngại vật đối diện có thể may mắn thoát nạn nhưng bạn và chiếc xe sẽ gặp nguy hiểm vì kiểu phanh bằng “cả người và xe” này. Còn nếu sử dụng chỉ phanh sau, sẽ có nguy cơ chiếc xe bị văng, trượt và bắn ra xa. Trong cả hai trường hợp, nếu may mắn xe không bị lật, đổ thì bạn cũng mất một quãng đường phanh dài cho tới khi chiếc xe dừng hẳn lại. Cách tốt nhất phanh đồng thời cả hai phanh trước/sau theo nguyên tắc để phanh sau bám trước rồi mới bóp phanh trước.
3. Đừng để công tơ mét làm đồ “trang trí”!
Bạn thấy công tơ mét chẳng có tác dụng gì, và chẳng may nó có hỏng thì cũng cứ để mặc kệ! Đó là một sai lầm khi sử dụng xe máy, không riêng xe số.
Sau một thời gian sử dụng, dây công tơ mét bị đứt gãy và rất nhiều người bỏ qua chi tiết này mà tiếp tục sử dụng xe. Thậm chí ngay cả khi còn chạy tốt, thói quen nhìn công tơ mét khi vận hành cũng là điều mà nhiều người bỏ qua. Nhiệm vụ chính của công tơ mét ngoài việc hiển thị và cảnh báo tốc độ cho người điều khiển, nó còn có chức năng thông báo ngưỡng chuyển số, tốc độ tối đa, vòng tua máy tối đa cho phép giúp người vận hành điều khiển xe được an toàn hơn.
Ngoài ra, khi đi ra đường quốc lộ hoặc đi vào những nơi có hạn chế tốc độ, nó cũng khiến chủ xe “tiết kiệm” được cả tiền…phạt và thời gian. Hơn nữa, việc tạo thói quen nhìn công tơ mét sẽ giúp bạn xác định được mức tiêu hao nhiên liệu cũng như biết được thời điểm cần thay dầu và bảo dưỡng cho xe – nên ghi lại số km đã chạy khi thay dầu.
Đừng quên chú ý công tơ mét khi sử dụng xe.
4. Đừng để mất tiền oan khi đèn tín hiệu bị cháy.
Cháy đèn tín hiệu, điều đó đồng nghĩa với việc bạn dễ dàng bị cảnh sát hỏi thăm. Và hơn nữa, việc lưu hành xe khi đèn không sáng có thể ảnh hưởng đến độ an toàn của chính chủ nhân xe.
Chỉ cần một chiếc đèn hậu bị cháy, chiếc xe của bạn sẽ gây rất nhiều nguy hiểm cho người điều khiển đằng sau bạn. Kế tiếp là khi đi xe vào ban đêm, điện năng sinh ra luôn đáp ứng đủ mọi năng lượng điện tiêu thụ trên xe. Việc cháy một bóng đèn hậu sẽ khiến đèn pha phải tiếp nhận dòng điện lớn hơn và dẫn tới việc cháy đèn pha. Hãy luôn chăm sóc cho toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu của mình bằng cách thường xuyên kiểm tra hệ thống đèn tín hiệu; thay mới khi thấy bóng đèn có hiện tượng sáng yếu hoặc cháy, hỏng. Vệ sinh các nắp chóa đèn cả bên trong và bên ngoài sẽ giúp việc phát quang luôn được đảm bảo.
5. Muốn xe bền, cần chú ý thường xuyên thay lọc gió, lọc dầu theo định kỳ.
Những vấn đề về kỹ thuật này có thể khó hiểu với chị em. Nhưng nói một cách đơn giản, cái gì cũng có thời hạn và hướng dẫn sử dụng riêng. Với xe máy, việc thay lọc gió, lọc dầu là điều cần thiết để đảm bảo độ bền, và để xe không bị "ngốn" xăng quá. Việc thay lọc gió, lọc dầu đúng định kỳ cũng làm cho xe chạy mượt hơn, máy không bị rề rề mỗi khi vận hành.
Nếu ví chế hòa khí như “trái tim” của động cơ thì với bầu lọc gió được ví như “lá phổi” của chiếc xe. Một lọc gió bẩn hoặc rách, hỏng sẽ không thể cung cấp chuẩn xác lượng gió cho chế hòa khí. Điều này dẫn tới việc chiếc xe sẽ tốn nhiên liệu, khó nổ và không thể đạt được công suất tối đa. Còn đối với lọc dầu, nhiệm vụ thanh lọc các tạp chất lẫn trong dầu buồng máy sẽ bị ảnh hưởng nếu như không được thay mới đúng lúc. Lọc dầu khi tắc sẽ gây ra hiện tượng thiếu dầu cho động cơ. Điều này khiến xe vận hành bị nóng hơn và dễ xảy ra hiện tượng “bó” máy.
6. Thận trong khi đấu nối thêm các thiết bị điện.
Khoảng 2 năm gần đây, nhiều vụ cháy xe máy liên tục xảy ra, nguyên nhân chính của sự việc là do chủ xe tự ý đấu nối các thiết bị điện từ bên ngoài vào. Các thiết bị như: còi đôi, đèn pha công suất lớn, đèn chớp, đèn màu trang trí… lắp thêm đều là nguyên nhân chính khiến bình ắc quy, đi ốt xạc, cuộn điện bị hỏng; thậm chí gây cháy xe. Nguyên nhân chính là do khi lắp đặt thêm những thiết bị, cuộn điện không sản sinh đủ công suất, dây điện bị chập cháy do quá tải hoặc bình ắc quy nhanh bị hao điện.
Nguyễn Hoàng Duy.
Có thể bạn quan tâm: