Quãng đường thử nghiệm dài 690 km được chia làm bốn chặng. Bốn phóng viên từ các báo lần lượt chạy trên 4 xe Air Blade (gồm 2 mẫu trang bị công nghệ phun xăng điện tử FI và hai mẫu dùng chế hòa khí thường). Qua mỗi chặng, người thử được đổi xe để loại trừ yếu tố thói quen có thể làm ảnh hưởng tới mức tiêu hao nhiên liệu.
Kết quả cho thấy, mức tiêu hao nhiên liệu trung bình của phiên bản Air Blade FI là 1,74 lít xăng cho 100 km. Đối với Air Blade thường, mức tiêu hao xăng là 2,17 lít cho 100 km. Như vậy, công nghệ phun xăng điện tử giúp tiết kiệm khoảng 0,43 lít cho 100 km đi được.
Phần lớn (gần 80%) thời gian xe chạy ở vận tốc 30-50 km/h. Trọng lượng trung bình của người thử vào khoảng 70 kg.
Kết quả tiêu hao nhiên liệu trên các chặng đường. |
Như vậy, công nghệ FI tiết kiệm hơn khoảng 20%, cao hơn nhiều so với mức 7% trên lý thuyết mà Honda công bố. Sự chênh lệch này có thể được giải thích do điều kiện vận hành thực tế khác xa so với thử nghiệm trong điều kiện chuẩn. Với khả năng điều tiết lượng xăng theo vận tốc, tải trọng, công nghệ FI giúp xe ít phụ thuộc vào thói quen tài xế, điều kiện mặt đường như chế hòa khí thông thường. Do đó, với điều kiện giao thông Việt Nam, FI sẽ giúp tiết kiệm hơn.
Dựa trên tính toán số km chênh lệch (với 1 lít nhiên liệu) giữa hai xe cùng loại, cùng một quãng đường có thể rút ra kết luận đó. Với công nghệ FI, số km chênh lệch trung bình giữa hai xe (hai người lái khác nhau) là 0,65 km/lít. Trong khi đó, ở bản thường con số này là 1,55 km/lít. Điều đó có thể thấy FI ít phụ thuộc vào người lái hơn. Còn ở Air Blade thường, với mỗi tài xế, tùy cách lái có thể làm xe đi ít hơn hoặc nhiều hơn 1,55 km cho 1 lít nhiên liệu.
Đoàn thử nghiệm (xe Future đi đầu dẫn đoàn). |
Khi di chuyển trên đường, xe chạy đúng tốc độ quy định (tối đa 60 km/h hoặc 40 km/h khi đi qua khu vực đông dân cư), các thành viên thoải mái đi theo cách của mình. Trong quá trình đo, các kỹ thuật viên giảm tối thiểu ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại cảnh. Trước khi khởi hành (Vĩnh Phúc), xe được đổ đầy bình xăng (đến miệng). Mỗi khi kết thúc hành trình, kỹ thuật viên sẽ đổ lại cho đầy bình như ban đầu, từ đó tính ra mức tiêu hao nhiên liệu.
Để đảm bảo yếu tố giãn nở nhiệt, hai loại xe được đo so le. Nếu xe FI đo trước thì lần sau xe thường đo trước. Đến chặng cuối, chúng được rửa, để nguội trước khi đong.
Khác với kiểu cấp liệu bằng chế hòa khí, vốn tùy thuộc vào độ mở của bướm ga, ở PGM-FI, nhiên liệu được nén bằng bơm, phun vào cổ hút trước khi vào buồng đốt. Tổng số có 5 cảm biến trong hệ thống PGM-FI, chịu trách nhiệm giám sát các thông số như tình trạng động cơ, nhiệt độ và áp suất không khí.
Trên đường từ Hạ Long sang Hải Phòng. |
Tất cả những thông tin này sẽ được gửi qua bộ điều khiển trung tâm ECU. Tại đây những tham số này được xử lý và tính toán ra lượng khí cần nạp, định lượng và thời điểm cần bơm nhiên liệu vào buồng đốt, thời điểm đánh lửa, đảm bảo quá trình đốt cháy nhiên liệu đạt hiệu quả tối ưu.
Lợi ích của PGM-FI là giúp động cơ vận hành trơn tru, hiệu suất cao. Lượng nhiên liệu được phun vừa đủ với nhu cầu vận hành nên có mức tiêu hao thấp hơn. Ngoài ra, nếu xe dùng chế hòa khí khó khởi động vào buổi sáng lạnh thì PGM-FI không bị tình trạng tương tự. Do hoàn toàn được điều khiển bằng ECU (hệ thống điều khiển trung tâm), tính năng vận hành và độ êm của động cơ được cải thiện.
Trọng Nghiệp