Lịch sử sơn xe
Năm 1910, khoảng 6 năm sau khi Henry Ford thành lập công ty Ford, công nghệ sơn xe bắt đầu xuất hiện với sự phổ biến của sơn véc-ni. Giống như bề mặt gỗ, sơn được phủ lên bề mặt xe và đợi khô, sau đó được đánh bóng để đạt đến độ dày mong muốn. Để sơn xong một chiếc xe có thể sẽ mất 40 ngày và những loại sơn này thường không thật đẹp mắt. Tuy nhiên, phương pháp này phổ biến cho đến giữa những năm 1920.
Đầu những năm 1930, ngành công nghiệp sơn ô tô bắt đầu sử dụng sơn men nóng (stoving enamel, là sơn gốc dầu). Ban đầu, sản phẩm được áp dụng giống cách làm với sơn véc-ni. Tuy nhiên, sơn men nóng dày hơn và thời gian thực hiện cũng nhanh hơn, bề mặt lại bóng hơn. Đến những năm 1930-1940, súng phun được phát minh đã giúp thời gian sơn một chiếc xe rút ngắn còn bằng một phần ba so với phương pháp trước đó, bề mặt sơn cũng đều và mịn hơn.
Chiếc Nissan Skyline R33 là xe có lớp sơn tự đổi màu đầu tiên
Đầu năm 1955, General Motors (GM) bắt đầu làm việc với nhà cung cấp nguyên liệu thô mới. Họ đã chọn loại sơn acrylic (sơn gốc nước), nhưng vẫn được áp dụng với súng phun. Dù loại sơn này lâu khô và khó bám hơn và phải dùng lò hấp sấy để làm bay hết dung môi, giúp cho bề mặt sơn mịn và đồng nhất, nhưng bù lại bề mặt sơn khá bóng, giúp tiết kiệm thời gian.
Xe Nhật bắt đầu phổ biến những năm 1970. Nhật Bản và các nước châu Âu bắt đầu áp dụng hệ thống sơn acrylic 2 lớp. Họ cũng đã thành công trong việc mạ kim loại trước khi sơn.
Súng sơn đã giúp ngành công nghiệp ô tô có thêm cải tiến trong sản xuất.
Cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, nhiều quy định mới được ban hành. Các hãng xe phải thay đổi cách ứng dụng sơn trong quy trình sản xuất. Họ bị giám sát kỹ lưỡng theo các tiêu chuẩn khắt khe. Từ những năm 1990 đến nay, hệ thống sơn ngày càng được hoàn thiện. Màu sắc đẹp mắt. Độ bóng cao mà vẫn rất bền bỉ khi được bảo dưỡng đúng cách. Thậm chí, trong những điều kiện môi trường khắc nghiệt, các lớp sơn vẫn giữ được độ bền nhiều năm, nếu được chăm sóc cẩn thận.
Các loại sơn xe phổ biến
Hiện có 4 loại sơn đang phổ biến trên thị trường là acrylic lacquer, acrylic enamel, acrylic urethane và sơn nước.
Sơn acrylic lacquer phổ biến từ giữa thập niên 20 và 60 của thế kỷ XX. Đến nay, loại sơn này vẫn được ưa chuộng, cho dù ở một số khu vực như châu Âu, việc sử dụng loại sơn này đã bị cấm do là loại độc nhất. Tuy nhiên, đây là loại sơn rẻ và dễ sử dụng với những “họa sĩ” tay nghề còn thấp mà vẫn đảm bảo độ bóng đẹp cho xe, lại phù hợp khi dùng với súng phun, nhiều màu bóng và khó trày. Dù vậy, loại sơn này chịu tia UV và các chất hóa học kém, nên tuổi thọ của sơn khá ngắn. Sơn acrylic enamel ít bóng hơn, một số màu yêu cầu lớp phủ trong suốt.
Sơn urethane mới hơn sơn enamel, nhưng cũng đắt và “rắc rối” hơn. Tuy nhiên, nó lại dễ sử dụng như sơn lacquer và có được độ bền của sơn enamel. Loại sơn này yêu cầu thêm màu, chất làm mịn hạt màu để phù hợp với súng sơn và chất xúc tác để rút ngắn thời gian khô. Sơn pha xong cần sử dụng nhanh. Tất cả sơn thừa phải được bỏ đi do có độc tính cao. Phun nhiều lớp sẽ tạo độ bóng cao, không cần chăm sóc mà vẫn mới trong nhiều năm.
Một dây truyền sơn tự động.
Công nghệ sơn xe mới nhất phải kể đến sơn gốc nước không độc hại và rất linh hoạt. Công nghệ này đã được áp dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến từ năm 2007, nhất là những quốc gia có quy định nghiêm ngặt về chất thải. Nhiều đại lý ôtô Việt Nam đã chuyển sang sử dụng sơn gốc nước này. Ưu điểm của loại sơn này là có thể dùng để sửa chữa, hoàn thiện vết trầy xước của xe được sơn bằng sơn gốc dầu.
Thống kê các màu sơn phổ biến tại Bắc Mỹ trong năm 2011.
Sơn xe tự đổi màu
Càng ngày, các hãng xe càng nghĩ ra nhiều cách để làm mới sản phẩm của hãng khi bổ sung vào lớp sơn xe những tinh thể lỏng đặc biệt, có khả năng thay đổi cấu trúc để đem lại hiệu ứng thú vị trong một số điều kiện nhất định. Mới đây, loại sơn này đã được sử dụng cho chiếc Nissan Skyline R33 với sự trợ giúp của hãng Auto Kandy đến từ Anh. Theo đó, toàn bộ thân xe sẽ nhanh chóng chuyển sang màu đen ở điều kiện nhiệt độ thấp và sẽ chuyển sang màu vàng cam khi nhiệt độ tăng lên.
Lớp sơn đặc biệt sẽ được dùng như lớp sơn cơ sở và có thể được sử dụng để kết hợp nhiều màu sắc khác nhau. Tuy vậy, tuổi thọ lớp sơn chỉ kéo dài 4 tháng và tác dụng phản ứng nhiệt sẽ giảm dần khi thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tăng lên.
Có thể bạn quan tâm: