Nhiều người dân đã vội đi mua xe máy khi hay tin Hà Nội sẽ ngưng đăng ký. Ảnh: Anh Tuấn |
Ông Nguyễn Văn Quyền, Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam: Việc ngừng đăng ký tại 4 quận thời gian qua chưa khắc phục được vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông tại Hà Nội. Các gia đình có phương tiện hạn chế đã vội mua xe máy do lo ngại thành phố ngưng đăng ký hoàn toàn. Vì vậy, lưu lượng xe trên đường không giảm.
Theo kết quả thăm dò của VnExpress, 43% bạn đọc cho rằng nên dừng đăng ký xe máy sau khi hệ thống xe buýt phát triển tốt, 34% bạn đọc không đồng ý ngừng đăng ký xe máy vào ngày 20/2, chỉ có 17% đồng ý với việc ngừng cấp giấy phép lưu hành tại tất cả các quận. |
Nếu Hà Nội dừng đăng ký xe máy, thành phố sẽ chậm tốc độ hiện đại hoá phương tiện bởi người dân sẽ mãi "ôm" lấy chiếc xe cũ. Hoặc xe máy có biển số Hà Nội sẽ được giá hơn các loại xe biển số các tỉnh khác... tạo ra những thị trường xe máy giá ảo, gây mất ổn định xã hội.
Chủ trương ngừng đăng ký chỉ là nhất thời. Về lâu dài, thành phố phải có biện pháp tổ chức giao thông như quy định một số tuyến đường dành cho xe buýt, ôtô; cấm xe máy tại khu trung tâm, thương mại hoặc cấm một thời gian nào đó trong ngày; mở rộng hạ tầng giao thông.
Ông Phạm Công Hà, Phó Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Toàn thành phố có trên 1,2 triệu xe máy lưu hành, và có xu hướng tiếp tục tăng lên. Số phương tiện này hiện đã vượt quá khả năng đường xá. Việc ngừng đăng ký xe máy là cần thiết, song chỉ làm bớt mức tăng chứ không làm ngăn chặn được gia tăng.
Nhu cầu đi lại bằng xe máy của người dân là rất lớn, nhiều gia đình chưa muốn mua xe mới nhưng lo ngại dừng đăng ký mà đã đôn đáo đi đăng ký, thể hiện tình trạng quá tải tại điểm đăng ký. Do vậy, quyết định ngừng hoặc cấm gây phản ứng mạnh trong dư luận, nhất là tại các quận mới thành lập.
Các tháng qua, thành phố đã kiềm chế tai nạn giao thông và giảm ùn tắc, nhưng do các ngành cùng quyết tâm thực hiện Nghị quyết 13, Chỉ thị 22 của Chính Phủ, chứ chưa phải nguyên nhân chính là ngừng đăng ký tại 4 quận nội thành.
Thành phố Hà Nội cần xây dựng lộ trình và công khai dư luận để người dân tính toán nhu cầu sử dụng phương tiện và các doanh nghiệp sản xuất điều chỉnh thị trường; chứ không thể ra quyết định dừng đăng ký ngay lập tức, sẽ gây nhiều phản ứng tới dư luận.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội xe đạp - xe máy Việt Nam: Việc dừng đăng ký xe máy ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư bởi các doanh nghiệp sản xuất xe máy "điêu đứng" do lượng tiêu thụ giảm. Ngoài ra, họ không yên tâm đầu tư mới vào sản xuất khi cơ quan quản lý Nhà nước dễ thay đổi chính sách. Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất xe máy đầu tư rất lớn vào phát triển nội địa hoá.
Thành phố cần có lộ trình dừng đăng ký trước hằng năm để các ngành và doanh nghiệp chuẩn bị điều chỉnh và xây dựng kế hoạch hoạt động cho phù hợp.
Theo tôi, các nhà quản lý nên nghĩ tới việc "sống chung" với xe máy hơn là tìm biện pháp hạn chế khi mà phương tiện giao thông công cộng của Hà Nội rất khó đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
4 doanh nghiệp xe máy có vốn đầu tư nước ngoài là Honda, Yamaha, Suzuki và VMEP vừa ký chung 1 đơn kiến nghị gửi tới UBND thành phố bày tỏ quan điểm trước chủ trương tạm dừng đăng ký xe máy tại Hà Nội. Theo chính sách kêu gọi và đảm bảo đầu tư trực tiếp nước ngoài của Chính phủ Việt Nam (trong đó có cả UBND TP Hà Nội), các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam để sản xuất xe máy thay thế hàng nhập khẩu, đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp Việt Nam thông qua việc chuyển giao các công nghệ mới và nâng cao tỉ lệ nội địa hoá. Vì vậy, việc dừng đăng ký xe máy tại Hà Nội sẽ ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá của Chính phủ Việt Nam, ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư mới đang có ý định đầu tư vào Việt Nam... Nếu UBND TP tiếp tục ký Quyết định tạm dừng đăng ký xe máy thêm 5 quận nữa thì các đại lý bán xe máy tại Hà Nội sẽ thiệt hại nặng nề do phải đóng cửa hàng, sa thải nhân viên. Đại diện công ty Yamaha tỏ ra bức xúc nhất bởi 2 năm trước UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho phép công ty này đầu tư thêm hàng chục triệu USD để xây dựng nhà máy tại xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tăng sản lượng hằng tháng từ 5.000 lên 10.000 chiếc. Công ty này đã đầu tư lớn để sản xuất xe ga - vốn chỉ được ưa chuộng tại thành phố, nay nếu dừng đăng ký họ không thể tiêu thụ được. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó TGĐ Suzuki VN, cho rằng, việc ùn tắc giao thông không phải do quá nhiều xe máy lưu hành mà do trình độ quản lý giao thông công cộng kém. Ngoài ra, khi Nhà nước cấp phép cho các liên doanh hoạt động thì lại cho nhập hàng loạt xe máy Trung Quốc giá rẻ. |
Đoàn Loan - Phong Lan