Chiếc Honda CL100 được tôi mang về thực sự rất thô sơ. Chỉ cần nhìn một lần, bạn có thể khẳng định được điều đấy. 30 dặm đường tiến về ngoại ô Florida đưa tôi đến với một tổ hợp các tòa nhà xi măng 2 tầng, trông như một khu rừng đầm lầy ở Brigadoon. Một chiếc Honda CL100 Scrambler 1971 chết máy và bị bỏ hoang từ lâu đang đợi tôi ở đó.
Khi đến nơi, tôi có cảm tưởng như mình vừa đến một di tích khảo cổ về xe cộ vậy. Linh kiện nằm vương vãi ở khắp nơi xung quanh một garage xập xệ. Trong đống linh kiện, tôi thấy có cả bộ truyền động Volkwagen từ thời kỳ đầu, các bộ phận p rỉ sét và cả những cụm đầu xi lanh từ thời Nhật hoàng Hirohito, chắc được thu nhặt sau cuộc thế chiến.
Chiếc Scrambler mà tôi lựa chọn đã cán mốc 1,054 dặm trên công tơ mét đồng nát, chỉ cần chạm nhẹ, nó lại rung lên bần bật. Cặp lốp thì đã xịt và gần nứt toác ra. Tôi cố đẩy chiếc xe lên thùng xe Ford Ranger trắng tàn tạ của mình, và thế là tôi đã thành vị chủ nhân thứ 2 của chiếc Honda CL100 nguyên bản này.
Tôi đã mặc cả với người bán để rinh được chiếc xe về với giá $350 (~7 triệu VND). Tôi đã nghĩ rằng mình có thể hồi sinh chiếc xe bé tẹo này như vị bác sĩ đã làm với con quái vật Frankenstein nổi tiếng. May mắn là người bán khuyến mãi cho tôi một hộp phụ tùng cũ lấy từ những chiếc xe CL100 xấu số khác.
Khi tôi ghé qua nhà ông anh trai trên đường về, đứa con trai 3 tuổi của anh ấy đã nhảy lên chiếc xe. Và trong sự ngạc nhiên của mình, tôi nhận thấy chiếc xe trông thật vừa vặn với thằng nhóc.
“You meet the nicest people on a Honda” (tạm dịch: Bạn sẽ gặp những người đáng yêu nhất trên một chiếc xe Honda) là khẩu hiệu quảng cáo một thời của Honda. Bây giờ tôi nhận thấy là trẻ con mặc tã ngồi lên xe cũng đẹp.
Bước 1: Kiểm tra tình trạng xe
Việc kiểm tra chỉ mất vài giây sau khi tôi mổ xẻ chiếc xe tại sân sau nhà mình. Chiếc xe chết máy và không thể hoạt động. Nhưng, theo Miracle Max, có một sự khác biệt rất lớn giữa một chiếc xe máy “gần chết” và “chết hẳn”.
Động cơ xe đã nằm nguyên, không được động tới trong cả thập kỷ qua. Các linh kiện dù là thép, đồng hay nhôm đều đã bắt đầu có hiện tượng gỉ sắt. Bộ phận đánh lửa dính vào mấy cụm đầu xi lanh. Các vòng găng pít tông đã gỉ sắt thì ăn tận vào trong xi lanh.
Khối động cơ của xe rỉ sét và bị kẹt, nhưng vẫn còn rất tốt
Tôi đã từng thấy nhiều tình trạng như vậy và có thể kết luận là như thế này vẫn chưa phải là tệ lắm. Nước đọng trong xi lanh mới phá hủy động cơ nhanh chóng. Độ ẩm chỉ có thể ảnh hưởng được đến vẻ bề ngoài mà thôi.
Ngâm bugi trong Pblaster trong khoảng 1 tiếng (trong lúc đó, tôi đã cọ lớp sơn và dầu bóng khỏi bộ chế hòa khí) và thử gạt cần khởi động thì cuối cùng các pít tông cũng thoát kẹt. Sau đó tôi đổ vào một chút dầu truyền động để loại bỏ đi những thứ còn bám dính trong động cơ.
Trong 1 tiếng tiếp theo, tôi để cho chiếc xe nổ máy. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi khởi động xe bằng chân và được nghe tiếng nổ khò khè của máy qua chiếc pô vỡ và gỉ sét. Quan trọng hơn, chiếc xe ko có mùi khét, ngoại trừ việc trong 30 giây đầu khói tỏa ra mù mịt cứ như chiếc xe chạy bằng than vậy.
Sau khi nhận ra rằng đĩa ly hợp của xe bị kẹt đến nỗi mà chiếc xe rồ về phía trước ngay khi tôi chuyển số,tôi đã phải lập tức nhảy lên và vật lộn với chiếc xe một cách vụng về quanh khu vườn sau nhà như một con khỉ làm xiếc. Sau một lúc vất vả với chiếc xe, cặp lốp zin gần nhưđã bị rách đôi và tôi thì lấm lem toàn bùn đất.
Bước 1 có thể nói là đã hoàn thành mỹ mãn. Chiếc xe bây giờ đã tăng giá thêm vài trăm đô la so với chỉ 1 tiếng trước đấy bởi vì bây giờ ít nhất là tôi đã có thể chứng minh là chiếc xe vẫn có thể chạy. Và động cơ vẫn còn khỏe một cách đáng ngạc nhiên.
Đã đến lúc khiến cho dự án này thú vị hơn. Có nghĩa là dỡ tung chiếc xe và dọn dẹp các linh kiện để đưa hình ảnh của một chiếc xe cổ lỗ sĩ từ thời tiền chiến thành hình ảnh một chiếc xe phong cách độc đáo, phong cách trong thời nay.
Bước 2: Dỡ xe và vệ sinh máy
Bình thường thì việc tháo dỡ xe khá mệt nhọc, vì sau 40 năm bị bỏ rơi, các linh kiện đã bị gỉ sắt, đông cứng, thậm chí nát vụn thành từng mảnh khi được tháo ra. Công đoạn này cần đến rất nhiều Pblaster, hay cả một bó đuốc để giết hết các ổ côn trùng trong các khe và hốc máy.
Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là chuyện này lại không xảy ra với chiếc xe Honda. Gần như tất cả các bu lông có thể vặn cái ra ngay. Tôi chưa từng thấy trường hợp nào như thế này với bất kỳ chiếc mô tô Nhật ở thập niên 80 mà tôi từng sở hữu.
Mẹo hay: Đánh dấu những chiếc bu lông theo nơi mà bạn vặn ra và đặt chúng vào những chiếc túi khác nhau. Đây là công đoạn mà tôi luôn bỏ qua vì nghĩ rất lạc quan rằng mình sẽ xong sớm trong 1-2 tuần và vẫn nhớ được vị trí của mấy chiếc bu lông này. Nhưng thực tế là những dự án thế này đôi khi sẽ bị bỏ rơi trong một thời gian dài nhất là trong lịch làm việc bận rộn của một người đàn ông 25-tuổi và đã có sẵn một chiếc xe BMW để đi lại hàng ngày.
Bước 3: Tân trang cơ bản cho xe
Tôi bôi dầu vào bên trong tất cả các linh kiện. Thông số cơ bản của chiếc xe này cho ra tốc độ tối đa tận 55 mph (~88.5 km/h) và tôi thì không muốn trục xe bị long ra khi đang vi vu trên đường.
Tôi rửa sạch và sơn hết những bộ phận tôi thích với màu sơn đen, bao gồm cả cặp vành bằng chrome của xe. Đầu tiên là cạo lớp sơn cũ với loại giấy nhám 220 và 320, rồi sơn lót và cuối cùng là dùng sơn semi-gloss (bán bóng) để phủ lớp sơn chính. Tôi đánh bóng tất cả những linh kiện khác mà mình muốn giữ vẻ ngoài kim loại nguyên bản. Sau đó, tôi vào trong thị trấn để tìm một chiếc máy phun rửa cao áp để rửa sạch động cơ. Những ai muốn thực hiện công đoạn này thì không được quên việc che lại các lỗ hở của động cơ thật kín trước khi rửa. Công đoạn này sẽ cần đến thật nhiều các loại hóa chất tẩy rửa dầu mỡ và Simple Green.
Để thay thế cho cặp lốp zin rách nát, tôi đã mua cặp lốp Michelin Gazelle với giá $40 (~800,000 VND) trên eBay, một mức giá rẻ đến bất ngờ. Chiếc CL100 có cặp bánh mỏng gần như một chiếc xe đạp nên tôi đã cất công tìm kiếm loại lốp to nhất có thể vừa với nó mà không ảnh hưởng đến sự ổn định của vành và không bị kẹt vào bộ giảm xóc trước hay sau.
Bộ móc lốp là loại dụng cụ tiện lợi nhất khi xử lý lốp trên xe máy. Cần lưu ý là độ dày của lốp xe càng lớn, đặc biệt là các lốp xe không ruột, thì việc thay lốp càng đơn giản. Tôi đã hoàn thành công việc này trong 40 phút và sử dụng 2 que móc lốp. Lời khuyên là các bạn cứ nên làm mọi việc từ từ, chậm rãi.
Bước 4: Nâng cấp hệ thống điện
Công việc đặt lại đường dây điện là công việc quan trọng và phức tạp nhất trong cả quá trình. Kế hoạch của tôi là dẹp tất cả dây điện cũ và thay đổi vị trí hoặc cắt bỏ một số đường điện trong phần khung xe hình tam giác ở dưới yên. Điều này yêu cầu thêm thao tác cắt và hàn lại khung để đỡ phần dây điện và bộ ắc quy. Với vài miếng sắt vụn và một chiếc máy hàn 100a giá $100 (~2,000,000 VND) (vẫn làm việc tốt sau 5 năm sử dụng) và một ít thời gian xử lý không quá dài, tôi đã thực hiện xong công đoạn này.
Tuy nhiên, việc xử lý ghi đông lại kéo dài hơn tôi nghĩ. Tôi muốn một chiếc ghi đông thấp hơn với màu đen để xuyệt tông với toàn bộ phần còn lại của xe. Nhưng tôi ko muốn gia công lại các linh kiện zin của xe trừ khi nó đã hỏng hết đường cứu chữa.
Vì vậy, tôi quyết định mua một chiếc ghi đông có dáng thấp và hơi kéo về phía sau, với giá $20 (~400,000 VND) tại một cửa hàng bán thiết bị xe máy Yamaha và Kawasaki gần nhà. Khi mang về, tôi đã phải cắt sửa một chút để có thể vừa với chiếc xe. Không muốn tốn cả ngàn đô la vào một chiếc máy tiện CNC cao cấp, tôi tốn khá nhiều công sức vào công đoạn này. Đặc biệt là chiếc Honda có bộ phận gắn ghi đông khá kỳ quá và yêu cầu tôi phải chỉnh sửa chiếc ghi đông mới chính xác đến 0.5 inch (~12.7mm) và gồng hết cả sức lực vào mới lắp thành công chiếc ghi đông.
Tôi cũng khoan một vài lỗ trên ghi đông để có thể vòng dây điện qua. Điều này sẽ khiến đường dây gọn gàng hơn và hi vọng là sẽ không có cành cây nào mắc vào đống dây đó nếu có phải đi qua rừng. Thiết kế lại đường dây điện cho chiếc xe đã dẫn đến việc tôi phải tăng ắc quy lên thành loại 12v thay vì loại 6v như ắc quy zin. Cũng chỉ có cách đó thì tôi mới có thể lắp được chiếc đèn LED bắt mắt theo kế hoạch ban đầu của mình. May mắn là bộ ổn áp 6v zin theo xe có thể tự điều chỉnh điện áp để nối với cục ắc quy 12v, nhờ vậy tôi không phải thay thế bộ phận này.
Tôi cũng chi $25 (~500,000VND) để sắm một bộ đèn hậu kết hợp (bao gồm cả đèn đuôi, đèn phanh, đèn xi nhan và pát gắn biển số) trên eBay. Đuôi xephải chế lại một chút để có thể gắn được đủ các bộ phận. Với những ai quan tâm, cặp đèn LED xi nhan có thể yêu cầu bạn phải lắp chớp đèn khác để có thể nhấp nháy khi bật xi nhan, hoặc bạn cũng có thể lắp một cục điện trở khi nối dây điện tới chiếc đèn xi nhan.
Sau khi hoàn thành những việc trên, tôi chế lại giá đỡ cho đồng hồ công tơ mét và đèn xe, để chúng có thể hạ xuống 2 inch (~5cm) và xe sẽ không bị mất cân đối về tổng thể.
Bước 5: Bước làm đẹp cuối cùng
Phóng xe trên đường off-road không phải là sở thích của tôi vì vậy tôi quyết định hạ gầm chiếc xe xuống bằng cách cắt ngắn bộ giảm xóc trước và sau. Tôi không cho việc cắt ngắn này là tệ vì bộ giảm xóc của xe đã bị gỉ sắt khá nặng trước khi tôi động đến chúng rồi. Tôi rất cẩn thận với công đoạn cắt để tránh không phải chi thêm tiền cho cặp giảm xóc mới.
Tôi muốn giữ dáng vẻ nguyên bản của ống pô và may mắn là dưới lớp vỏ chrome nhìn khá ngầu đấy chỉ là một vài lớp thép mỏng. Vì vậy, tôi kiếm một ít sắt vụn và dùng máy hàn để bịt lại các lỗ thủng và các vết nứt của pô.
Bây giờ thì tiếng pô đã nghe hay hơn nhiều và cũng không còn âm thanh do vỡ ống pô tạo ra nữa. Thời điểm tôi khởi động chiếc xe sau khi đại tu là một khoảnh khắc thật tuyệt vời. Với một ít thay đổi nhỏ với bộ tiêu âm mới, chiếc xe khởi động ngay lập tức với tiếng nổ giòn tan dù động cơ chỉ là 100cc.
Tổng chi phí cho chiếc xe chỉ xấp xỉ $500 (~10,000,000 VND) cho một chiếc xe nhỏ nhắn và thú vị để vi vu với tốc độ (theo lý thuyết) lên đến hơn 60 mph (~100km/h). Với động cơ chỉ 100cc thì đó là một kết quả thực sự bất ngờ. Vụ đầu tư này thực sự đáng tiền đến từng đồng.
Nguồn: autopro.com.vn
Có thể bạn quan tâm: