Hàng cưng của phụ nữ bao cấp
Chaly là một sản phẩm của Honda với nhiều đặc điểm khác biệt. Xe có thiết kế nhỏ gọn, động cơ 4 thì , dung tích 50cc, hộp số 2 cấp thiết kế siêu nhỏ gọn và tiện dụng. Bánh xe rất nhỏ, những người sinh sống thời bao cấp kể bánh xe chỉ to bằng rá vo gạo.
Chaly có vóc dáng nhỏ bé, mỏng manh. Yên xe rất thấp. Nếu chẳng may Chaly vào vào con đường đầy bùn đất giữa trời mưa to thì người lái xác định chỉ còn cách kéo xe hoặc nhờ người to khỏe khênh ra khỏi “vùng nguy hiểm”.
Một chiếc Chaly nguyên bản.
Vì vậy, Chaly không thích hợp cho đường trường như simson hay chở lợn như Minsk. Chỉ những người có nhu cầu di chuyển ngắn và linh hoạt mới chọn Chaly. Đa số những người đi Chaly đều là phụ nữ chân yếu tay mềm hoặc thanh thiếu niên hoặc những người lớn tuổi. Không nhiều đàn ông khỏe mạnh đồng hành cùng Chaly.
Tại Việt Nam có 3 đối tượng khách hàng dạo phố cùng Chaly nhưng Chaly được gắn liền với hình ảnh phụ nữ thời bao cấp. Vì vậy, chiếc xe nhỏ bé này trở thành phương tiện đi lại đáng được mơ ước nhất dù với phụ nữ cub 50 hay Babetta đều hợp dáng.
So với các “huyền thoại hai bánh” thời bao cấp, Chaly xuất hiện muộn hơn. Phải tới đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Chaly mới bắt đầu phổ biến tại Việt Nam. Với hình dáng sang trọng, nhỏ gọn không thể thồ hàng nặng, Chaly phù hợp với người thành phố hơn nông thôn.
Bên cạnh đó, với giá cả đắt đỏ, không nhiều người nông thôn mua được Chaly. Đầu những năm 80, muốn sở hữu một chiếc Chaly, người dân phải bỏ ra khoảng 2 cây vàng. Vì xuất hiện cuối thời bao cấp nên giao dịch, trao đổi Chaly không quá khó khăn.
Dân độ xe mê mẩn
Xã hội ngày càng năng động hơn nên cũng như Babetta, Chaly không còn thích hợp với đường phố đông đúc của các thành phố lớn. Về nông thôn, Chaly lại càng thiếu chỗ đứng vì người dân nơi đây không đủ kiên nhẫn chiều theo “thói đỏng đảnh” của một “tiểu thư thành thị” như Chaly.
Dù là sản phẩm của Honda nhưng Chaly không “nồi đồng cối đá” như Cub 50. Đôi khi xe giở chứng bất thình lình khiến người lái méo mặt. Ông Nguyễn Văn Hưng (Đông Mỹ- Hà Nội) phải cho Chaly “nghỉ hưu” từ 10 năm trước vì thói quen “đỏng đảnh”.
Một chiếc chaly độ .
Ông Hưng kể: “10 năm trước, khi ấy tôi 70 tuổi, các con tôi tịch thu Chaly, cấm tôi không được đi xe máy nữa. Chaly hay trục trặc lắm. Có những lúc, vừa sửa xong, tôi đi được vài cây số thì xe dừng lại bất ngờ. May mà tôi đi chậm nếu không thì không biết điều gì sẽ xảy ra”.
Cũng cần phải nói thêm, nhiều chiếc Chaly hỏng hóc nhưng một số khác lại rất bền nếu được chăm sóc kỹ lưỡng. Sau 30 năm, phụ tùng của nhiều chiếc xe còn khá nguyên vẹn. Xe khởi động đề rất nhạy, máy nổ êm và hệ thống hộp số tự động vận hành vẫn ở tình trạng tốt.
Có thể thấy tình trạng Chaly đỏng đảnh như của ông Hưng không xảy ra nhiều. Dù vậy, do tính tiện dụng giảm dần nên bây giờ, tìm một chiếc Chaly di chuyển trên đường phố trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng điều đó không có nghĩa Chaly chìm vào quên lãng. Trên thực tế, dòng xe nhỏ bé của Honda vẫn được yêu mến và nhận được sự quan tâm lớn từ những người yêu “huyền thoại hai bánh”.
Trên các trang rao vặt, Chaly được chào bán và chào mua khá nhộn nhịp. Giá một chiếc xe tí hon này khá mềm, chỉ từ 4 triệu tới 6 triệu đồng. Cả người bán và người mua đều khá vui mừng khi thực hiện thành công giao dịch.
Giá Chaly nguyên bản khá rẻ nhưng sau khi được giới độ xe “phù phép”, giá trị của xe tăng vọt. Vì vậy, hàng loạt câu lạc bộ yêu chaly cúc cu được lập nên với số lượng thành viên khá đông đảo. Có hội chỉ tập hợp những người yêu xe lại với nhau để chia sẻ tình yêu, hoài niệm và kinh nghiệm về Chaly. Nhưng có rất nhiều hội quy tụ các tay độ xe hàng đầu để biến thể Chaly.
Chaly trở thành niềm cảm hứng cho giới độ xe. Rất nhiều tác phẩm “để đời” đã ra đời không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Thế mới thấy, sức hấp dẫn của Chaly mãnh liệt như thế nào.
Nguồn: VTC.vn
Có thể bạn quan tâm: