Nguyên nhân chính dẫn tới xe bị hú gió xuất phát từ hệ thống bánh răng trục láp
Đây là một “bệnh” được xem là “mãn tính” của dòng xe này, kể là là xe mới cũng như cũ. Vậy đâu là nguyên nhân thực sự và cách khắc phục hú gió ở honda Air Blade ra sao?
Triệu chứng hú gió
Đúng như tên bệnh, triệu chứng đầu tiên dễ nhận biết nhất là khi đang đi ở dải tốc độ trên 40km/h mà giảm ga thì xe phát ra tiếng hú như tiếng rít gió. Đặc biệt khi chạy càng nhanh mà giảm ga đột ngột tiếng hú càng phát ra to hơn.
Hệ thống bánh răng chất lượng kém, không ăn khớp, bị gỉ sét, sứt mẻ bánh răng đều làm xe bị hú
Triệu chứng thứ hai có liên quan trực tiếp đến hiện tượng này là xe bị gằn máy ở dải tốc độ thấp (khoảng dưới 30km/h), một số xe có thể chỉ bị hú mà không gằn máy nhưng đại đa số nguyên nhân gây hú xe cũng sẽ làm máy gằn hơn.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh hú gió:
Hiện tượng này xảy ra ở cả những chiếc xe mới hoàn toàn, nhiều bạn đọc phản ánh rằng xe của họ mới mua về và bị hú gió rất lớn. Họ đưa ra tiệm sửa chữa và cả đại lý ủy quyền của Honda thì nhận được câu trả lời rằng đó là bệnh kinh niên của xe rồi, không khắc phục được. Vậy đâu là nguyên nhân thực sự khiến cho cả những chiếc xe mới vẫn bị hú gió như vậy? Autocar Vietnam đã tham khảo một số tiệm sửa chữa xe uy tín và lâu năm tại Hà Nội, theo đó, nguyên nhân đầu tiên là do chất liệu làm bánh răng trục láp kém (do thép non). Họ dẫn chứng bằng việc chiếc Sh 125i có cấu tạo tương tự, cũng của Honda nhưng gần như không bao giờ có tiếng hú gió.
Xe đi lâu ngày không bảo dưỡng, nước vào khiến bánh răng bị gỉ sét làm xe gằn máy, hú và tốn xăng
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ việc bi trục láp bị rơ do nhiều tác động khác nhau dẫn tới sự không ăn khớp của các bánh răng với nhau. Hoặc thói quen đi xe tăng ga đột ngột nhiều cũng gây nên tình trạng nhão bánh răng gây hú. Các tác động từ việc khoang láp bị nước vào gây hỏng bánh răng, quăn thậm chí là mẻ bánh răng cũng gây nên sự hoạt động không khớp dẫn tới hú gió.
Bánh răng bị mòn tạo độ rơ từ đó dẫn tới sự ăn khớp không khít khi vận hành tạo tiếng hú gió
Hay như việc đổ dầu láp không đúng tiêu chuẩn, một số người còn dùng dầu động cơ thay cho dầu láp, dầu bị loãng quá, bị nước vào gây biến tính cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng hú ở xe. Hỏng bi trục bánh sau khiến bánh xe bị đảo làm hệ thống bánh răng láp bị ảnh hưởng hoặc côn bị chai dẫn tới trượt côn (trượt tải) lặp đi lặp lại nhiều sẽ làm hỏng bánh răng láp gây hú xe.
Khắc phục và sửa chữa
Nếu nguyên nhân xuất phát từ chất liệu của bánh răng trục láp thì thay cái mới vào cũng vẫn có khả năng bị hú, đúng như các đại lý nói là bệnh kinh niên. Cũng có một số trường hợp do bi thì chỉ cần thay toàn bộ hệ thống bi ở trục láp là xe sẽ hết hú, tiêu tốn khoảng 500.000 đồng. Một cách khắc phục khác là tăng độ đậm đặc của dầu láp, điều này có thể làm giảm độ rơ giữa các bánh răng, đồng thời triệt tiêu các tiếng hú nhỏ.
Chỉ dùng dầu láp đạt tiêu chuẩn, tuyệt đối không dùng dầu máy thay cho dầu láp
Việc bảo dưỡng côn và dây đai truyền động cũng rất cần thiết, tránh hiện tượng trượt tải của côn gây hư hỏng bánh răng dẫn tới hú. Việc thay má côn cần phải đảm bảo chất lượng, má côn kém cũng làm xe bị trượt tải.
Côn bị trượt tải cũng là nguyên nhân gây hú, cần bảo dưỡng côn định kỳ và dán má côn đạt chất lượng
Nếu hư hỏng ở phần bánh răng trục láp, một số thợ sửa xe có cách là tiện bớt hoặc đệm thêm long đen để dịch chuyển vị trí tiếp xúc giữa hai bánh răng từ đó tạo sự ăn khớp hơn. Chi phí cho việc này tiêu tốn khoảng 300.000 đồng
Tư vấn bảo dưỡng
Ngoài nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính chất liệu bánh răng trục láp, còn có nhiều nguyên nhân từ phía người sử dụng xe. Do đó, bạn cần: bảo dưỡng xe định kỳ, kiểm tra côn; thay dầu láp đúng tiêu chuẩn, tuyệt đối không dùng dầu máy thay cho dầu láp; thực hiện việc lái xe đúng cách, không tăng giảm ga đột ngột; kiểm tra ống thông hơi khoang láp, chú ý khi rửa xe tránh hiện tượng nước vào làm hư hỏng bánh răng, gây biến tính dầu láp.
Nguồn: autocarvietnam.vn
Có thể bạn quan tâm: