Đêm ngày đều bị tra tấn
Trên đường Điện Biên Phủ buổi chiều, đang vào giờ cao điểm tan tầm đông nghịt người, nhiều người đi xe máy leo lên lề đường để tranh thủ thoát ra chỗ ùn tắc giao thông. Vậy mà chiếc mô tô kềnh càng của một đôi nam nữ vẫn gầm rú tiếng động cơ ầm ĩ, thúc hối những người đi xe máy phía trước. Ai cũng khó chịu vì điếc tai, nhức óc do tiếng pô của chiếc mô tô khủng kia. Dù di chuyển rất chậm, nhưng người thanh niên lái mô tô vẫn liên tục nẹt pô như để thu hút sự chú ý của mọi người. Cấu tạo pô xe này đã cố ý tạo ra âm thanh “ấn tượng” như vậy để đáp ứng sở thích của dân chơi mô tô. Bị chiếc mô tô khủng lách lên ép nên một phụ nữ khoảng 30 tuổi luống cuống ngã xe máy. Người thanh niên điều khiển mô tô khủng vẫn tỉnh queo điều khiển mô tô lách qua chiếc xe máy bị ngã và nẹt pô vọt qua. Được vài người dừng lại đỡ, người phụ nữ bị ngã xe ngồi dậy đờ đẫn, mệt nhọc giải thích: “Tôi còn trẻ nhưng yếu tim lắm, nghe tiếng pô chiếc mô tô ầm ầm nên bị hết hồn”.
Cảnh đó không phải là cá biệt. Thời gian gần đây, đường phố TPHCM liên tục bị náo động ầm ĩ do tiếng pô mô tô phân khối lớn phát ra. Không chỉ khiến cho người đi đường hoảng loạn, ban đêm chủ nhân các mô tô khủng này còn tụ tập thành nhóm diễu hành ồn ào đi vào các con đường nội bộ ở các khu dân cư, dường như để khoe mẽ. Ông Lâm Đình Nguyên, 63 tuổi, ngụ tại hẻm 601 Cách Mạng Tháng Tám (phường 15, quận 10) bức xúc phản ánh qua đường dây nóng: “Ngày trước phải khốn khổ vì tiếng xe ba gác máy, bây giờ còn khốn khổ hơn vậy nhiều, vì tiếng pô mô tô khủng còn kinh khiếp hơn, mà lại thường kéo nhau đi diễu hành nhiều chiếc. Tiếng máy rầm rập, tiếng pô xe đùng đùng. Ban ngày, nghe tiếng pô rú lên là đã giật mình khó chịu, ban đêm lại càng đinh tai, nhức óc. Chúng tôi lớn tuổi rồi, khó ngủ một chút, không sao. Thương nhất là trẻ con, mỗi lần ban đêm nghe tiếng pô mô tô là hoảng hồn thức giấc, khóc ré lên”.
Âm thanh càng lớn càng khoái
Hiện nay, việc kiếm tiền mua xe và quy định về việc cấp phép lái mô tô phân khối lớn đã không còn quá khó khăn như trước. Trước đây, bằng lái mô tô A2 chỉ cấp hạn chế cho những người công tác trong ngành công an, quân đội, thanh tra giao thông, quản lý thị trường, vận động viên mô tô. Do vậy, đối với người dân, cách duy nhất để có được bằng lái xe hạng A2 là trở thành vận động viên mô tô. Gần đây, việc thi lấy bằng lái mô tô A2 dành cho người điều khiển mô tô có dung tích động cơ trên 175 phân khối đã được mở rộng cho tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Thế nên nhiều thanh niên có sở thích chơi xe muốn sở hữu một chiếc mô tô kềnh càng, phân khối thật lớn để chứng tỏ “đẳng cấp”.
Một chiếu Kawasaki Z1000 đi pô độ
Từ đó, để đáp ứng nhu cầu của giới dân chơi mô tô với niềm đam mê tốc độ, hàng loạt mô tô khủng như BMW, Yamaha VMax, Ducati 848 phiên bản Nicky Hayden, Yamaha XJ6… đã được nhập về TPHCM. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng quan tâm nếu như tiếng máy và pô xe không quá ồn ào. Ông Lê Văn Huấn, chủ tiệm sửa mô tô trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 10), cho biết: “Mô tô phân khối lớn đời mới là hàng nhập nguyên chiếc và đều có giá rất cao, từ 300 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng.
Do động cơ phân khối lớn (từ 175 đến hơn 1.000 phân khối) nên tiếng máy rất lớn, nhất là khi khởi động hay chạy với vận tốc quá thấp. Các hãng sản xuất cũng rất quan tâm khắc phục tiếng máy gây ồn ào nên trang bị thêm một số thiết bị chống tiếng ồn, pô giảm thanh. Tuy nhiên, một số thanh niên trẻ khi mua xe liền tháo bỏ các thiết bị giảm thanh, chẳng những vậy còn gắn thêm pô tăng tốc để tạo tiếng pô và tiếng máy gầm rú”. Cũng như việc độ pô xe máy, việc độ pô các loại mô tô hoạt động kín đáo, không treo biển quảng cáo mời chào, nhưng quảng bá công khai trên mạng. Nhiều trang mạng quảng cáo độ pô mô tô phân khối lớn các kiểu, từ con sâu đến 2 nòng, ninja… giá từ 3,5 triệu đồng đến hơn 5 triệu đồng, giá độ các pô cao cấp hơn 15 triệu đồng.
Theo saigongiaiphong
Có thể bạn quan tâm: