Kỷ luật thép
Sáng chủ nhật một ngày giữa tháng 5/2015, một dàn mô tô phân khối lớn từ khắp các quận huyện tập trung về quận 7, TPHCM.
Khi các thành viên tập hợp đông đủ, người dẫn đoàn ra hiệu và dàn mô tô hàng ngàn phân khối nổ máy. Những âm thanh giòn giã, uy lực phát ra khiến nhiều người xung quanh không thể rời mắt.
Đoàn xe chạy một vòng rồi dàn đội hình thẳng tắp hướng ra đường về khu chế xuất Tân Thuận. Họ là tập hợp những người đam mê dòng xe harley-davidson của câu lạc bộ (CLB) mô tô phân khối lớn Sài Gòn Hog lên đường ra bãi tập.
Tập luyện hình dích dắc. Ảnh: Ngô Bình.
Dẫn đầu là chiếc xe hơn 1.800 phân khối của anh Tony Ton (người chỉ huy hành trình của CLB Sài Gòn Hog), anh Tony đưa hai ngón tay lên trời, đoàn xe tự động chia thành hai hàng thẳng tắp, khoảng cách đều nhau.
Những chiếc xe phân khối lớn hướng thẳng đến khu chế xuất Tân Thuận, quận 7. Những thành viên mới tham gia CLB sẽ được những người có kinh nghiệm hướng dẫn cách điều khiển từ chạy đường thẳng, cua, dừng… sau khi thuần thục mới được vào học sa hình.
Hình đầu tiên các thành viên phải “thử sức” là hình dích dắc, khoảng cách giữa những chướng ngại vật chỉ vừa đủ lọt chiều dài chiếc xe. Dàn mô tô khủng với đủ kiểu dáng, màu sắc, chiếc trông gọn gàng, chiếc thì cồng kềnh với nhiều chi tiết mới được độ thêm để tăng phần hấp dẫn cho xe lần lượt xếp hàng vào sa hình. Những tay lái mềm mại lượn xe qua từng chướng ngại vật, lâu lâu có tay lái mới lại va phải chướng ngại vật nhưng vẫn cố gắng vượt qua bài tập.
Gần 30 phút tập luyện với hình dích dắc, các thành viên lại chuyển qua tập sa hình ngôi sao và hình số tám được biến thể để phù hợp với những chiếc xe cồng kềnh. Một ngôi sao được sắp xếp nhiều khúc cua gấp chỉ lọt chiếc xe và tài xế phải làm thế nào để đánh lái vào các khúc cua gấp ngả người, nghiêng xe để không làm ngã chướng ngại vật và đổ xe…
“Quay đầu nhìn, quay đầu nhìn, buông tay phanh, cao ga lên, thả lỏng người…” người hướng dẫn la lớn mỗi khi có thành viên chưa thực hiện được.
Một số thành viên mới với chiếc xe cồng kềnh khi vào sa hình chưa quen và bị ngã xe, người hướng dẫn không cho bất cứ ai đến nâng mà chủ nhân chiếc xe phải tự dựng lên. Có người chạy chiếc xe nặng đến 400kg nên khi ngã rất khó nâng, nhiều người chạy xe lâu năm có kinh nghiệm liền đến hướng dẫn cách dựng được xe lên một cách đơn giản nhất.
Kỹ năng vượt chướng ngại vật.
Tiếp theo là bài tập bám sát đội hình, với nhiều xe cùng chạy vào sa hình, bánh của xe trước chạy như thế nào thì xe sau phải chạy đúng y như thế và luôn phải bám đuổi nhau đảm bảo khoảng cách, tốc độ, đội hình.
“Với những người chạy mô tô chuyên nghiệp, mắt nhìn đâu xe chạy đó chứ không phải phụ thuộc vào tay lái. Các thành viên chỉ cần tuân thủ theo chỉ dẫn của người điều khiển đoàn thì đội hình rất dễ chạy và hạn chế rủi ro”, anh Tony nói.
“Gặp cún đâm đầu, gặp bò đâm đuôi”
Một bài tập ở cấp độ khó hơn, chiếc xe mô tô gần 2.000 phân khối đang chạy với tốc độ khá cao, bất ngờ gặp chướng ngại vật ngay trước mắt. Tài xế phải làm thế nào để giảm ga, tránh né không để xảy ra va chạm với chướng ngại vật đảm bảo an toàn cho người lái và đối phương. Đây là bài tập quan trọng bởi theo anh Tony thì khi ra đường, những người điều khiển mô tô phân khối lớn thường xuyên gặp phải tình huống như thế này.
“Những người chạy xe trong CLB thường truyền cho nhau câu cửa miệng “Gặp cún đâm đầu, gặp bò đâm đuôi” tức là khi ra đường gặp cún mà không may cán phải thì thứ nhất là tội con cún, thứ hai là rất nguy hiểm cho người điều khiển xe.
Vì vậy khi gặp cún mình nhắm vào phía trước đầu nó để chạy, bởi khi sợ hãi, con cún thường quay đầu chạy vào bờ. Còn gặp bò đâm đuôi bởi nếu va vào đầu con bò rất nguy hiểm. Khi gặp nguy hiểm bò thường chạy về phía trước chứ không quay đầu như cún”, anh Tony cho biết.
Nói về chiếc áo khoác của CLB, anh Tony cho biết, đó là dấu hiệu để nhận ra thành viên của CLB đến từ đâu, vị trí gì và từng đi đến những nơi nào đều được in trên áo.
“Nhiều người mới nhìn vào thấy chúng tôi mặc áo này cứ tưởng khoe khoang. Nhưng thực chất nhìn vào chiếc áo sẽ biết bạn đến từ quốc gia nào với hình quốc kỳ in trên ngực áo, chức danh của thành viên, xác nhận của Hog toàn cầcuu và các kỷ niệm chương trong các chuyến hành trình đến các nước”, anh Tonny nói.
Tự đỡ xe khi bị ngã.
Mỗi tháng, bốn lần CLB họp mặt vào các chủ nhật, một tuần dành cho cà phê, trao đổi kinh nghiệm lái xe, một tuần sẽ hành trình trong vòng từ 100-200km chiều dài và hai tuần tập sa hình.
“Tất cả các bài tập đều với một mục đích củng cố kỹ năng lái xe, bình tĩnh xử lý tình huống bất khả kháng để hạn chế rủi ro cho người chơi xe cũng như người dân tham gia giao thông. Chúng tôi thường nhắn nhủ nhau là thà đổ mồ hôi trên bãi tập, còn hơn sự cố trên đường”, anh Tony nói.
Nhiều thành viên kỳ cựu trong CLB cho biết, kỹ thuật và kỹ năng điều khiển xe là điều quan trọng với người chơi mô tô phân khối lớn. Bởi với những chiếc xe có trọng lượng hàng trăm ký nếu không may bị ngã mà không biết cách thì không thể nào dựng xe lên được và rất dễ bị chấn thương.
“Xe ngã thì điều đầu tiên là phải tắt máy. Nếu ngã qua phải thì đá chân chống, tìm tư thế, áp hông và đùi vào, hai tay nắm chắc tay lái,… dùng sức dựng chiếc xe lên nếu không đúng kỹ thuật rất dễ bị thương chân, hông”, anh Tony nói.
Thú chơi tiền tỷ
Với những người đam mê xe thực sự, việc chi hàng tỷ đồng để rước “cô vợ bé” về nhà, thậm chí bỏ công ra nước ngoài săn tìm và có người sưu tầm năm, sáu chiếc xe khủng, mỗi chiếc xe của mỗi người là đại diện cho một dòng xe của Harley-Davidson là bình thường.
“Với những người chơi thực sự, xe không phải là phương tiện đi lại hằng ngày mà đó là đam mê. Có người mê tốc độ, người mê bản thân chiếc xe, người mê du ngoạn trên những cung đường để khám phá vẻ đẹp đất nước, người thì mê độ xe. Nghệ thuật độ xe là thú vui bất tận của giới chơi xe. Khi mua về hầu hết xe được độ lại cơ bản, thậm chí xe cấp cao vẫn độ được để thể hiện phong cách riêng của mỗi người”, một thành viên Sài Gòn Hog cho biết.
Anh Nguyễn Pham Hòa (một doanh nhân) cho biết, chiếc xe của anh mua chính hãng Harley- Davidson với giá 740 triệu đồng. Sau đó anh chi thêm khoảng 300 triệu nữa để độ vào mới được chiếc xe như ý.
“Khi mua xe về hầu như ai cũng bỏ ra số tiền tương đối để độ xe theo phong cách riêng của mình. Khi ra đường nhìn lướt qua có vẻ xe này giống xe kia nhưng các chi tiết hoàn toàn khác nhau”, anh Hòa nói.
Không để việc chơi xe ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, các thành viên Sài Gòn Hog tự đặt ra quy tắc mỗi lần đi phượt hay tập đều chở theo vợ đi chứ không được chở người lạ, đặc biệt là phụ nữ.
Theo chị Hạnh, đại diện Harley- Davidson, hiện tại các loại xe của hãng phân phối tại TPHCM có phân khối từ 750 đến hơn 1.800 phân khối. Giá chiếc cao nhất khoảng hơn 100.000 USD. Hiện tại trong CLB Sài Gòn Hog có thành viên sở hữu chiếc xe siêu khủng là một trong 150 chiếc trên thế giới sở hữu màu sơn, phong cách riêng.
Chị Tòng Hồng Duyên (39 tuổi) cho biết, xu hướng của CLB là cả gia đình tham gia, với những ông chồng mê xe thường truyền cảm hứng sang cho vợ. Và những “bóng hồng” cũng không kém gì đấng mày râu khi ngồi lên chiếc mô tô phân khối lớn.
Hằng năm, CLB tổ chức các chuyến đi xa đường trường xuyên Đông Dương, Thái Lan, xuyên Việt có những lần CLB tổ chức chuyến đi qua các nước Tây Âu, Mỹ rồi thuê xe phân khối lớn phượt khắp nơi. Còn bình thường, những chuyến đi Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ thường xuyên được tổ chức kèm theo các hoạt động từ thiện, chị Duyên cho biết.
Hiện tại CLB có khoảng 70 thành viên, nữ có 20 người. Nhiều chị em đã “tậu” cho mình một chiếc 750 phân khối để rèn luyện cùng chồng. Dù là nam hay nữ, khi lên xe vẫn phải đảm bảo các quy tắc an toàn, đầu tiên là mũ bảo hiểm, găng tay, giày da, áo khoác. Khi không may xe ngã thì các anh cũng không giúp đỡ lên mà tự mình phải dựng xe bởi khi ra đường một mình thì không có ai giúp mình.
Nguồn: tienphong.vn
Có thể bạn quan tâm: