Tôi gọi điện cho bác Hà Huy Đỉnh, chủ nhân chiếc La Dalat hiếm hoi còn sót lại ở Sài Gòn, để hẹn gặp. Lần đầu hẹn mà không gặp được vì bác già bận đi tảo mộ, lần thứ hai bác ân cần niềm nở cưỡi con “la cổ” đưa tôi dạo quanh đường phố Sài Gòn.
Giữa rộn ràng xe cộ qua lại, những tưởng La Dalat sẽ trở nên cũ kỹ, lạc lõng. Ngược lại, bao con mắt đi đường phải ngoái nhìn “ông già gân”. Một anh tài xế xe tải nhỏ đi ngang đã hét to: “Xe này năm mấy bác ơi?”.
Những chi tiết còn nguyên vẹn của chiếc La Dalat |
Tôi thầm muốn quay một đoạn phim: cảnh vật đang lướt nhanh, dòng xe đang trôi nhanh, rồi khung hình đứng lại đột ngột vào lúc có người quay đầu ngắm nhìn chiếc xe cũ kỹ này, cứ thế liên tục lặp đi lặp lại. Phải, điểm dừng đó chính là để lưu giữ khoảnh khắc, để thời gian đông kết lại, minh chứng rằng La Dalat vẫn còn được sự yêu mến và quan tâm thế nào.
Gọi là khoảnh khắc, nghĩa là sẽ lập tức tan biến; đã là nét đẹp, nghĩa là sẽ nhanh chóng phai tàn!? Chưa chắc đã vậy!
Bác Hà Huy Đỉnh năm nay 75 tuổi, râu tóc bạc phơ nhưng trí nhớ và sức khỏe của bác khiến kẻ hậu bối như tôi phải kinh ngạc. Lúc đầu tôi còn sợ bác không thể nhìn rõ và không đủ sức lái xe bằng đó tiếng đồng hồ. Nào ngờ từ từ đủng đỉnh, thuần thục phối hợp hai tay hai chân như nghệ sĩ đang chơi đàn, bác vừa điều khiển xe vừa kể tôi nghe hết chuyện này đến chuyện khác.
Chiếc La Dalat này sản xuất vào thập niên 70 thế kỷ trước, về tay bác đã hơn hai lăm năm. Xe sở hữu động cơ máy xăng 2 xy-lanh của Citroen Ami 6, loại 3cv (3 ngựa), dung tích 602cc và đến nay vẫn còn nguyên vẹn, kể cả bộ chế hòa khí hiệu Solex. Ngoài bộ phận đánh lửa (bobine) được bác nhập về thay nhiều lần, dàn đầu độ lại chút và phần mui xe chuyển sang mui mềm để tiện "ló đầu ra tác nghiệp” (bác Đỉnh là từng là chủ bút một tờ báo kinh tế ở Sài Gòn trước ngày 30.4.1975), hầu như chiếc xe đến giờ không phải sửa chữa gì nhiều mà vẫn chạy êm ru. Hộp số trên xe là loại 4 số tới 1 số lùi, cũng còn vào ra êm ả lên xuống ngon lành. Không biết vì người lái giữ xe kỹ hay chất lượng xe ngày xưa tốt hơn bây giờ!
Tiền thân của La Dalat là chiếc Citroen Méhari, trong khi tiền thân của Méhari là Citroen 2CV huyền thoại. Lịch sử và nguồn gốc của 2CV hẳn là không thể gói gọn trong một trang giấy. Chỉ có thể sơ lược rằng, tuy thấp hơn một bậc (nếu phải xếp hạng) so với những chiếc xe nổi tiếng cùng thời về số lượng bán ra trên toàn cầu như Ford T hay Volkswagen Bettle, Citroen 2CV vẫn được xem là “tiếng gáy” oanh liệt của “con gà trống” Pháp thời hậu chiến…
Năm 1936, từ sau Đệ II Thế Chiến, để đáp ứng nhu cầu đi lại của dân Pháp tại xứ thuộc địa, hãng Citroen mở ra cơ sở sản xuất ở Đông Dương, trụ sở đặt tại Việt Nam, ngay góc đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ (nay là khách sạn Rex) ở Sài Gòn với tiêu chí “bền, rẻ, dễ bảo trì và sửa chữa”. Đến thời Việt Nam Cộng Hòa, cơ sở này được dời đi và đổi tên thành Công Ty Xe Hơi Citroen, sau là Công Ty Xe Hơi Saigon.
Mấy mươi năm vẫn chạy tốt |
Dưới thời Pháp, người dân Sài Gòn đã trở nên quen thuộc với các sản phẩm từ châu Âu, các loại xe ô tô như Citroen, Mercedes, Volkswagen, Peugeot… Đến cuối thập niên 50 - đầu 60, cùng lúc với việc các loại xe gắn máy của Honda, Suzuki, Yamaha, Kawasaki, Bridgestone… và ô tô Nhật như Toyota, Daihatsu,. Mazda, Mitsubishi, Nissan… ồ ạt nhập cảng, các xe của Pháp (trừ 2CV) dần bị “thất sủng”. Hãng Citroen bắt đầu lên kế hoạch tung ra loại xe thực dụng, rẻ tiền để cạnh tranh với ô tô Nhật. Dựa trên mẫu Méhari khá thành công ở các thị trường thuộc địa, Citroen đã thiết kế nên La Dalat.
Theo các tài liệu còn lưu lại, Citroen La Dalat gọn nhẹ với chiều dài 3,5m, rộng 1,53m, cao 1,54m, nặng khoảng nửa tấn tùy loại (loại 4 chỗ hay 2 chỗ phía trước và phía sau chở hàng), động cơ 4 thì, dung tích 602cc, 2 xy-lanh đối đầu, hộp số 4 số tới 1 số lùi, dẫn động trục trước. Công ty Xe Hơi Saigon bấy giờ nhập cảng những bộ phận chính như máy, gầm, hệ thống treo, phanh, lái…, còn lại cho sản xuất tại Việt Nam phần thân xe (dàn đồng) bằng tôn cán mỏng, mui xe bằng thép uốn (hoặc vải) và các phụ kiện như đèn, kèn báo hiệu, ghế nệm…
Chiếc xe bốn bánh được lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa 25% dưới thời Việt Nam Cộng Hòa đã đánh đúng vào nhu cầu của dân lao động: ít tốn xăng, dễ sửa chửa, các bộ phận dễ thay thế, đặc biệt là các cơ phận như cánh cửa, kiếng xe…, rẻ tiền và dễ “tự chế” hơn các loại xe Nhật. Cho đến thời điểm đóng cửa ngưng sảng xuất năm 1975, tỷ lệ nội địa hóa của La Dalat đã đạt 40%.
"Bộ đồ lòng" của "ông già gân" |
Tiền thân là gốc Pháp nhưng La Dalat đã để lại dấu ấn không hề nhỏ mang tên Việt Nam. Năm 1973, chính hãng xe Citroen đã đưa về Pháp 3 mẫu khung xe La Dalat đóng tại Sài Gòn để phân tích thiết kế, từ đó họ cho ra đời kiểu khung xe dễ sản xuất mà không đòi hỏi đầu tư nhiều công nghệ là chiếc xe FAF. (Đáng tiếc với ý nghĩa tên gọi dễ bị hiểu lầm là xe nhà nghèo (FAF là Facile À Fabriquer, Facile À Financer nghĩa là Dễ sản xuất), FAF không mấy thành công ở thị trường Châu Phi sau đó).
Là chiếc xe kinh tế, dễ sửa chữa, tiện dụng, hàng nội chất lượng cao, La Dalat được chúng dân yêu thích ngày nào giờ vẫn còn chỗ đứng trong lòng người chơi đồ cổ. Hội những ông già chơi La Dalat ở Đà Lạt đến nay vẫn thường tụ họp nhau, thong dong lái xe ôn kỷ niệm. Còn La Dalat ở Sài Gòn, thì đây, cứ mỗi lần bác Đỉnh lái qua giao lộ không đèn tôi lại chứng kiến những tài xế xe khác phất tay ra hiệu mời bác đi trước, một cách đầy”kính lão đắc thọ”.
Bác Đỉnh giơ tay chào cảm ơn và nhẹ nhàng đưa “ông già gân” vượt lên. Tiếng máy hòa tiếng bánh xe oành oạch, râu tóc người phất phơ trong gió, cả vật lẫn chủ bền bỉ trải qua bao thử thách của lịch sử, bỗng trở thành nhân chứng vật chứng cho vẻ đẹp tinh thần mà bụi thời gian chưa thể xóa nhòa.
Vũ Khúc
Có thể bạn quan tâm: