Lu Guanqiu, nhà sáng lập và là Chủ tịch Wanxiang, cho biết đàm phán mua lại các công ty con của Ford là một phần trong kế hoạch mở rộng hoạt động ra toàn cầu của nhà sản xuất phụ kiện này. Tuy nhiên, Lu Guanqiu không đề cập một cách chi tiết về thương vụ mua bán mang tính lịch sử của công nghiệp ôtô Trung Quốc.
Trụ sở của Wanxiang. Nhà sản xuất này cùng ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc đang lớn mạnh như vũ bão. Ảnh: Wanxiang. |
Lu tiết lộ trước khi lựa chọn Ford, Wanxiang đã tiến hành những cuộc đàm phán sơ bộ với Delphi, hãng sản xuất phụ kiện lớn nhất thế giới bị phá sản hồi tháng 10 năm ngoái, nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào. "Chúng tôi nhận ra rằng các nhà máy của Ford có chất lượng cao nhưng do chi phí thuê nhân công lớn nên việc kinh doanh của tập đoàn khổng lồ này không thể sinh lợi", Lu nói.
*Ôtô Trung Quốc và kế hoạch bành trướng thế giới |
*Mặt trái của ôtô ở Trung Quốc |
Những thông tin ban đầu cho biết Wanxiang quan tâm đặc biệt tới thiết kế, công nghệ sản xuất và triển vọng trong lĩnh vực phân phối thiết bị phụ trợ mà Ford đang sở hữu ở Mỹ. Tuy nhiên, đàm phán giữa Ford và Wanxiang có thể gặp phải những phản đối mang tính chính trị bởi công đoàn Mỹ e ngại việc Wanxiang chuyển các nhà máy mua được về Trung Quốc sẽ khiến công nhân Mỹ mất việc hàng loạt.
Một trong số các công ty sản xuất phụ trợ của Ford mà Wanxiang theo đuổi là Automotive Components Holdings, tổ hợp gồm 17 nhà máy và 6 xí nghiệp mà Ford nắm quyền kiểm soát vào năm ngoái khi Visteon mua lại (Visteon là thành viên thuộc Ford từ năm 2000). Theo kế hoạch, Ford chỉ có hai lựa chọn là bán hoặc đóng cửa Automotive Components Holdings. Đây là điều không thể khác bởi trước đó, hãng xe lớn thứ ba thế giới đã phải bán nhà máy sản xuất hệ thống điều khiển điều hòa cho Valeo, một công ty cung cấp thiết bị của Pháp.
Nhiều chuyên gia cho rằng đàm phán chắc chắn thành công và Wanxiang sẽ gặp thuận lợi nhiều hơn nữa khi mở rộng mạng lưới cung cấp thông qua các đại lý của Automotive Components Holdings. Xuất khẩu thiết bị phụ trợ của Trung Quốc 2005 tăng 75% so với 2004, đạt con số 15,2 tỷ USD. Trong hai quý đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng là 38% so với 2005. Wanxiang hiện cung cấp cho cả General Motors và Ford.
Lu khởi nghiệp với tư cách là nhân viên kinh doanh năm 1969 rồi chuyển sang làm thiết bị phụ trợ cho xe hơi. Doanh thu năm 2005 của Wanxiang đạt 3,2 tỷ USD và có thể tăng thêm 1 tỷ USD nữa vào năm nay. Tài sản riêng của Lu ước tính khoảng 1 tỷ USD, đứng thứ 11 trong danh sách các tỷ phú Trung Quốc do Forbes bình chọn và Wanxiang của ông là một trong số các công ty lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất đất nước có hơn 1,3 tỷ dân. Wanxiang thiết lập văn phòng đại diện tại Chicago, Mỹ, từ năm 1990, do con rể của Lu điều hành.
Trọng Nghiệp (theo FT)