Đèn LED thông thường tạo ra ánh sáng tới một điểm nên có vẻ kém sáng hơn khi nhìn từ một góc. Hệ thống đèn LED thông thường phải đi kèm vật phản xạ để giảm hiệu ứng nói trên và tạo ra ánh sáng đồng nhất hơn.
Trong khi đó, đèn OLED có thể tỏa ánh sáng ra một khu vực rộng mà không bị thất thoát ánh sáng. Vì vậy, đèn OLED không cần đến bề mặt phản xạ lớn.
Dòng môtô tương lai của BMW sẽ được trang bị hệ thống đèn lai giữa OLED và LED.
Các lớp bán dẫn trong đèn OLED mỏng đến bất ngờ. Thậm chí, toàn bộ các lớp phát xạ trong đèn OLED còn mỏng hơn 150 lần so với sợi tóc của con người. Các lớp bán dẫn được gắn kín với lớp dẫn điện ở giữa hai miếng kính hoặc phim nhựa. Toàn bộ các lớp kết hợp với nhau chỉ có độ dày từ 0,8 - 1,5 mm.
Hiện nay, công nghệ OLED vẫn chưa đủ tiên tiến để được ứng dụng cho mọi loại đèn trên môtô. Mật độ phát quang của OLED chỉ đủ cho đèn hậu. Các nhà sản xuất phải cải tiến OLED sao cho đủ sáng để ứng dụng cho đèn phanh và xi-nhan.
Hãng BMW đã thử dùng công nghệ đèn OLED cho phần đuôi của dòng xe K1600GTL. Trong đó, cả đèn hậu, đèn phanh và xi-nhan sau đều được ứng dụng công nghệ OLED. Tuy nhiên, đèn phanh và xi-nhan có sự hỗ trợ của hệ thống đèn LED thông thường. Cách sắp xếp tương tự đã đánh mất một số ưu điểm của đèn OLED. Bù lại, thiết kế như vậy cho phép tạo ra hiệu ứng ánh sáng không gian 3 chiều thú vị.
Theo BMW, hãng sẽ giới thiệu hệ thống đèn kết hợp giữa OLED và LED như vậy cho dòng môtô thương mại trong vòng 2-3 năm tới. Mục tiêu lâu dài của BMW là phát triển đèn phanh, xi-nhan và thậm chí cả đèn pha sử dụng công nghệ OLED.
Theo Auto Pro
Có thể bạn quan tâm: