Bạn sẽ thấy mình trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết trước đất trời Tây Bắc. Bạn cũng sẽ tìm thấy yên bình - điều vốn xa xỉ nơi thị thành tấp nập ngược xuôi.
Chúng tôi đi Mù Cang Chải chẳng vào mùa lúa chín, cũng chẳng vào mùa nước đổ. Một chút tò mò, một chút chán nản sự xô bồ của thành phố cùng một chút bốc đồng của tuổi đôi mươi, hai anh em tôi nhét đồ vào balo và khởi hành sau khi kết thúc buổi học chiều.
Ảnh minh họa
Mù Cang Chải là một huyện miền tây của tỉnh Yên Bái. Nơi đây vốn chẳng xa lạ với dân ham mê dịch chuyển, với những cung đường uốn lượn ngút tầm mắt đầy quyến rũ. Dân nhiếp ảnh tứ xứ vượt chặng đường dài đến đây để đổi về tấm ảnh những quả đồi nhuộm trong màu vàng óng mượt của lúa chín.
Vẻ đẹp hoang sơ của Mù Cang Chải.
Với tôi, Mù Cang Chải không đẹp riêng bản làng nào, mà đẹp từ chính con đường dẫn chúng tôi đến đó. Bạn sẽ thấy mình trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết trước đất trời Tây Bắc. Bạn cũng sẽ tìm thấy yên bình vốn đã quá xa xỉ nơi thị thành tấp nập ngược xuôi. Như đã nói, chúng tôi không đến đây vào dịp lúa đã chín hay dịp bà con đập đất ke bờ. Chúng tôi đến Mù Cang Chải vào sát dịp Trung thu, là lúc nương lúa vẫn còn xen 2 màu.
Tôi nghĩ rằng, cái thú nhất mà dân xê dịch thích Mù Cang Chải có lẽ là bởi nơi đây hiện ít bị du lịch hóa nhất trong số các tỉnh miền núi phía Bắc. Anh em tôi đến địa phận của xã La Pán Tẩn, chọn một bãi đất rộng ở ven đường dựng lều, chuẩn bị chỗ ngủ.
Với thanh niên miền xuôi, đó là thú vui được tự do giữa đất trời. Nhưng trong mắt những đứa trẻ nơi miền ngược lúc bấy giờ, chúng tôi là một cái gì đó lạ lắm. Lũ trẻ cứ nhìn ra ngó vào, đôi mắt vừa háo hức, vừa tò mò. Thậm chí khi tôi cầm theo tuýp sữa rửa mặt ra khe nước gần đó, lũ trẻ không giấu nổi sự ngạc nhiên khi thấy tôi xoa xoa 2-3 cái là mặt trắng xóa.
Trẻ em ở đây rất mộc mạc, ngây thơ.
Trung thu của trẻ con nơi đây thực sự rất đơn giản. Nếu tôi từng nhầm tưởng Trung thu nơi tôi sống là lễ hội Halloween của các nước phương Tây xa xôi, ở đây nó thực sự là Trung thu với chị Hằng và chú Cuội. Đám trẻ háo hức với chiếc đèn ông sao chúng cầm trên tay, dán mắt vào màn múa lân được tổ chức ở sân nhà văn hóa xã.
Điều tôi thích nhất ở Mù là người dân hay trẻ con không bắt chuyện, không cười, chào với tôi, hòng để bán vài ba món đồ lưu niệm. Tôi chia cho lũ trẻ vài ba chiếc kẹo, gói bánh anh em tôi mang theo để ăn dọc đường. Đứa nào cũng lễ phép xin rồi cất túi để dành, chẳng dám ăn. Cuộc sống nơi đây tuy thiếu thốn về vật chất nhưng các em thực sự rất ngoan, từ cách cư xử với người lạ đến cách giúp đỡ cha mẹ hàng ngày. Bằng tuổi các em, em trai tôi ở nhà ngoài giờ đi học là thời gian cắm mặt vào TV, iPad và lúc nào cũng vùng vằng với mẹ chỉ vì chuyện cất sách vở không ngăn nắp.
Bọn trẻ tụ tập thành từng nhóm chơi với nhau.
Ngày bé, tôi cứ ngỡ Mù Cang Chải là nơi heo hút, xa xôi lắm. Nhưng bây giờ, đường lên Mù đã ngắn lại hơn nhiều. Cứ theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, vượt đèo Ô Quy Hồ và qua địa phận Lai Châu là sẽ đến Mù Cang Chải. Nếu là người mê mẩn những con đèo uốn lượn của Tây Bắc, khi trở về, bạn có thể chọn đi chinh phục đèo khau phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo của nước ta, rồi xuôi theo Tú Lệ, QL32 về lại Hà Nội.
Dựng lều nghỉ ven đường.
Mù Cang Chải mùa nào cũng đẹp, từ chính sự chất phác, thân thiện của người dân nơi đây. Mù còn rất thơm, thứ hương từ lúa mới, theo gió len lỏi đến từng nếp nhà, khiến bạn cứ vấn vương mãi khi ra về. Sẽ chẳng có bất cứ lịch trình, một sự tư vấn nào hoàn hảo về xứ Mù. Nếu đã chọn nơi đây, bạn hãy cứ đi, đi bất cứ khi nào bạn thích bởi Mù Cang Chải luôn đẹp, luôn huyền bí và cuốn hút du khách theo cách mà không mảnh đất nào có được.
Thảo Nhi / Zing News
Có thể bạn quan tâm: