Bãi xe bên cạnh UBND phường An Phú (quận 2) thu 3.000 đồng/lượt.
Thế nhưng, bất chấp quy định này, nhiều cơ quan hành chính nhà nước tại TPHCM vẫn thu. Mức phí giữ xe vài ngàn đồng/lượt không phải lớn, nhưng là sự vi phạm quy định, khiến người dân khó chịu.
Vẫn ngang nhiên thu phí
Ông Trần Văn Đại (ngụ đường Hoàng Sa, phường Tân Định, quận 1) phản ánh: “Tôi tới UBND phường Tân Định công chứng giấy tờ. Khi dắt xe ra, bị nhân viên giữ xe đòi 3.000 đồng phí giữ xe, tôi thắc mắc vì biết có quy định không mất tiền gửi xe khi tới các cơ quan nhà nước. Nhưng người giữ xe không thèm giải thích gì, chỉ yêu cầu tôi phải trả tiền. Số tiền không đáng là bao nhưng nhân viên ở phường làm sai quy định ngay tại cơ quan công quyền là không chấp nhận được”. Từ phản ánh của ông Đại, chúng tôi đã khảo sát và ghi nhận việc thực hiện theo Quyết định 129 ở một số trụ sở UBND phường, quận trên địa bàn TPHCM.
Nhìn chung, tại bãi giữ xe ở trụ sở UBND nhiều phường, quận có gắn thông báo “Giữ xe miễn phí cho người dân tới giao dịch, làm việc”. Tuy nhiên còn nhiều phường không gắn bảng thông báo như vậy ở bãi giữ xe, tạo cơ hội để nhân viên giữ xe thu tiền của người dân. Ở bãi giữ xe UBND phường 24 quận Bình Thạnh, người dân tới liên hệ phải trả phí giữ xe 2.000 đồng/lượt, ở bãi giữ xe trụ sở UBND phường Phước Long B (quận 9) thu tới 3.000 đồng/lượt, dù nhân viên giữ xe là người của Phường đội.
Nhiều cơ quan không bố trí bãi giữ xe trong khuôn viên để giữ xe cho người dân đến liên hệ, người dân phải gửi xe phía ngoài và phải trả tiền. Người dân tới UBND phường An Phú (quận 2) được hướng dẫn gửi xe ở vỉa hè, bên hông trụ sở ủy ban với mức phí 3.000 đồng/lượt. Chúng tôi thắc mắc thì nhân viên giữ xe chỉ đáp nhanh gọn: “Làm gì có chuyện miễn phí!”. Tương tự, ở trụ sở UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), người dân cũng không được bố trí chỗ gửi xe mà được yêu cầu gửi ở một điểm giữ xe tư nhân gần đó.
Ở trụ sở Công an quận 9, dù khuôn viên nơi đây rất rộng nhưng người dân cũng không được bố trí chỗ để xe mà phải gửi xe ở một điểm giữ xe tư nhân cách đó hơn 100m rồi đi bộ vào cơ quan này, vừa phiền hà vừa phải chịu trả phí gửi xe.
Trình bày “hoàn cảnh”
Được hỏi về việc thu phí giữ xe của người dân, ông Hoàng Lê Phương, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú (quận 2) cho biết, trụ sở UBND phường trước đây bao gồm cả trụ sở công an và Đảng ủy nên khá chật hẹp, không đủ chỗ để giữ xe cho người dân. Hiện tại trụ sở đang sửa chữa nâng cấp, nên khá bề bộn, do đó người dân tiếp tục phải gửi xe ở ngoài, chậm nhất ngày 30-6 tới, trụ sở ổn định, phường sẽ sắp xếp chỗ để xe cho người dân tới giao dịch, làm việc.
Cũng giải thích về việc này, ông Trần Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Định (quận 1), khẳng định: “Việc nhân viên tự ý thu phí giữ xe của người dân là sai quy định và phường không chấp nhận điều đó. Tuy nhiên, xung quanh UBND phường có nhiều đơn vị không có bãi giữ xe, khách đến giao dịch phải đậu xe trên vỉa hè, lấn chiếm lối đi của người đi bộ nên phường xã hội hóa bãi giữ xe trong khuôn viên ủy ban. Tại đây, ngoài giữ xe cho người dân tới liên hệ với UBND phường, còn giữ xe cho khách hàng của một số đơn vị, nhất là khách của ngân hàng ở đối diện, những người này thì bảo vệ được phép thu phí, do đó nhiều khi bảo vệ có nhầm lẫn đối tượng gửi xe. Trước đây lãnh đạo phường đã từng cho 2 nhân viên giữ xe nghỉ việc vì cố tình làm sai quy định khi thu phí giữ xe. Nay nhận được phản ánh của người dân thông qua Báo SGGP, chúng tôi sẽ theo dõi qua camera để làm rõ và quán triệt kỹ hơn về vấn đề này. Người dân cũng nên thông báo cho nhân viên giữ xe biết mình vào UBND phường để giao dịch, làm việc. Nếu vẫn bị thu phí giữ xe, hãy báo cho lãnh đạo phường để kịp thời giải quyết”.
Thiết nghĩ chính quyền các cấp cần rà soát, kiểm tra các cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc về việc tuân thủ quy định bố trí bãi giữ xe và miễn phí giữ xe cho người dân đến liên hệ, không nên để tiếp diễn tình trạng tận thu, vi phạm quy định và mất lòng dân.
Nguồn SGGP / PHƯƠNG UYÊN
Có thể bạn quan tâm: