Khoảng 3 tháng gần đây, lượng khách đến độ xe tại cửa hàng của anh Lam, Long Biên, Hà Nội tăng gấp 2-3 lần so với hồi đầu năm. Nhiều người phải xếp hàng chờ cả tuần mới lấy được xe.
Anh Lam đam mê xe độ từ ngày còn nhỏ nên tự mở cửa hàng độ xe máy trên đường Nguyễn Văn Cừ. Thời điểm đầu năm, tiệm của anh có rất ít khách, thậm chí có những ngày không có vị khách nào. “Tuy nhiên khoảng 3, 4 tháng trở lại đây, số lượng khách đông gấp 2-3 lần so với trước”, anh Lam nói.
Anh chia sẻ, hiện nay, số lượng khách đến độ xe trung bình từ 5 người đến 10 người mỗi ngày, những ngày đỉnh điểm có thể lên đến 15 khách. Tuy nhiên, tuỳ mức độ độ xe đơn giản hay phức tạp mà anh Lam chỉ nhận làm 2-3 khách mỗi ngày. Cả tháng anh tấp nập khách ra vào và làm không hết việc, thu nhập nhờ đó cũng không dưới vài chục triệu đồng.
“Thời gian đông khách thường là hè hoặc cuối năm, người đi phượt hoặc đi chơi nhiều. Ngoài ra, lượng khách đông hay không còn phụ thuộc vào độ ‘hot’ của dân chơi xe độ”, anh Lam nói.
Chiếc xe Suzuki GN250 đang chờ được độ.
Tuỳ mức độ và linh kiện, dịch vụ độ xe sẽ có những mức giá khác nhau, từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng. Thông thường, các dáng xe như Cafe racer, Tracker, Bobber có giá độ dao động từ 5 triệu đồng đến10 triệu đồng, loại xe độ có giá đắt nhất là xe Honda CD khoảng 15 triệu. Các dáng xe khác hoặc xe đặc chế theo thiết kế riêng thì giá thỏa thuận. “ exciter độ đang chìm dần, hiện hai mặt hàng xe Suzuki GN 125 và honda cbr thường được khách yêu cầu độ nhiều hơn cả”, anh Lam cho biết.
Khách hàng đến độ xe cửa hàng anh Lam đa dạng, từ sinh viên cho đến những người đứng tuổi. Tuy nhiên, đối tượng độ xe phần lớn là những người đi làm, có quan tâm, hiểu biết và đam mê xe độ.
Trần Hoài Giang, sinh năm 1988, lập trình viên của một công ty công nghệ lớn ở Hà Nội rủ bạn góp vốn mở shop độ xe trên đường Xã Đàn Đàn 2 vì cả hai đều có kiến thức và đam mê xe độ. “Độ xe là nghề lao động chân tay nhưng thu nhập có khi lại đáng kể hơn so với nghề lập trình web, nhất là từ sau khi có quy định mở rộng đối tượng được thi bằng lái A2 để đi xe 175cc, lượng khách đông hơn hẳn”, anh Giang tâm sự.
Chiếc xe đang được anh Lam độ để đi du lịch Sapa.
Tiệm của anh Giang độ từ chi tiết nhỏ lẻ như dán hình, chế đèn, thay gương, thay vành đúc, bánh xe, tay phanh, … với giá từ 50.000-500.000 đồng/sản phẩm đến việc tuốt toàn bộ xe với giá chục triệu đồng. “Có khách độ xe với hoá đơn lên 25 triệu đồng”, anh Giang chia sẻ.
Anh Giang cho biết, khoảng 2 tháng trở lại đây, lượng khách đông gấp đôi các tháng trước, trung bình 10-15 khách mỗi ngày. Do đó, cũng không ít lần khách hàng phải để xe qua tuần mới làm xong. Khách hàng độ xe tại cửa hàng anh Giang chủ yếu là thanh niên, sinh viên có nhu cầu chế thêm phụ kiện, các chi tiết hoặc dán màu xe, xe nhiều nhất là Exiter. Phần lớn khách hàng có mẫu hoặc mô hình sẵn, còn lại anh sẽ tư vấn trực tiếp cho những xế chưa có kinh nghiệm hoặc chưa có mẫu.
Mặc dù dịch vụ này đang “hái” ra tiền song theo anh Giang, nghề độ xe cũng không ít gian nan. Khó khăn lớn nhất với anh là vốn vì nguyên liệu nhập tương đối đắt, nhiều linh kiện ở Việt Nam không có, buộc những tay độ xe như anh phải nhập từ nước ngoài. Anh Giang cho biết: “Để có đầy đủ, hoàn thiện các thiết bị máy móc thì vốn phải lên đến tiền tỷ”.
Còn với anh Lam, tay chế kiêm chơi xe kỳ cựu thì cho biết, nhiều khách muốn yêu quý những con xe từ đời cha, đời chú, muốn giữ lại phần cốt còn tuốt lại toàn bộ nhưng không phù hợp với quy định hiện hành nên rất khó để anh nhận làm.
“Nhiều khách hàng chưa có kiến thức về xe, luật nên không đáp ứng được yêu cầu của họ. Nhiều xe quá nát, muốn chế thì phải khắc phục cắt bỏ một phần lớn bộ phận xe, giá đắt, lại không phù hợp quy định”, anh nói.
Có thể bạn quan tâm: