Không đi quá gần xe phía trước: Trong điều kiện mặt đường trơn trượt, đẫm nước, quãng đường phanh sẽ tăng lên rất nhiều do độ bám của các bánh xe giảm đáng kể. Một chiếc xe thông thường khi chạy ở tốc độ 60km/h trên đường khô có thể phanh dừng sau 50m, nhưng nếu mặt đường trơn trợt do trời mưa, thì quãng đường phanh có thể tăng lên hơn 60m. Nghĩa là khi trời mưa, nếu bạn vẫn “bám đuôi” xe trước như thói quen hàng ngày, thì khi xe trước phanh gấp, khả năng cao là tai nạn sẽ xảy ra.
Bật đèn pha hoặc đèn đề-mi: Trong màn mưa, bạn sẽ khó nhìn thấy những chiếc xe đi ngược chiều hơn nếu họ không bật đèn pha, điều này có nghĩa là họ cũng sẽ khó nhìn thấy bạn. Hãy bật đèn pha khi trời mưa (đặc biệt là mưa lớn nặng hạt), hoặc tối thiểu là bật đèn định vị (đèn đề-mi).
Lau sạch kính thường xuyên trong mùa mưa: Kính có khả năng chống dính ướt, khiến những giọt nước dễ dàng bị gạt khỏi bề mặt kính, giúp kính luôn trong và có tầm nhìn tốt. Tuy nhiên, điều này chỉ được đảm bảo khi kính sạch bóng, một màn bụi bẩn bám trên mặt kính có thể làm nhòe kính mà gạt nước không thể quét sạch khi gặp mưa, làm hạn chế tầm nhìn của người lái. Vì vậy cần thường xuyên lau sạch tất cả các ô kính cả trong lẫn ngoài bằng nước rửa kính chuyên dùng cho ô tô.
Luôn châm đủ nước rửa kính trong mùa mưa: Nghe có vẻ nghịch lý vì đã mưa rồi thì gạt nước cần gì tới nước rửa kính. Tuy nhiên, trên những con đường đầy bụi bẩn kèm mưa phùn, nước bẩn bắn lên từ những chiếc xe khác có thể khiến kính chắn gió xe của bạn phủ một màn bụi đỏ khó quét sạch nếu không có nước rửa kính. Thực tế nước rửa kính dùng trong mùa mưa thậm chí còn nhiều hơn những mùa khác trong năm.
Bật tính năng sưởi kính để chống đóng sương trên kính: Khi trời mưa, không khí có độ ẩm rất cao, chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài xe có thể khiến các ô kính bị đóng sương, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm nhìn của tài xế, nhất là nếu các vị trí đóng sương nằm ở kính chắn gió hoặc góc chữ A trên hai ô kính cửa trước (nơi quan sát gương chiếu hậu) và kính hậu. Bật tính năng sưởi kính có thể cải thiện điều này.
Luôn giữ hai tay trên vô lăng: Nhiều người vẫn thường có thói quen hay đặt một tay trên vô lăng. Khi lái xe trong trời mưa, việc chỉ đặt một tay trên vô lăng có thể khiến bạn không phải ứng kịp thời và chính xác trước các tình huống bất ngờ.
Tuyệt đối không sử dụng điện thoại: Nhắn tin, gọi điện khi lái xe trong điều kiện khô ráo bình thường vốn đã rất nguy hiểm, thì mức độ nguy hiểm của những việc này càng tăng lên nhiều khi điều khiển xe dưới trời mưa.
Không tắt tính năng ổn định điện tử (ESP): Hiện nay rất nhiều dòng xe đời mới được trang bị hệ thống ổn định điện tử. Hệ thống này có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững sự ổn định của thân xe, hạn chế mất lái, nhất là ở các trường hợp phải đánh lái và phanh gấp trong điều kiện độ bám của lốp không tốt. Ở một vài dòng xe, hệ thống ổn định điện tử có thể được tắt/mở chủ động để tạo cảm giác thể thao trong một số điều kiện vận hành. Nếu bạn đang điều khiển một chiếc xe như vậy trong trời mưa thì nên xem lại hệ thống ổn định điện tử có đang được bật hay không.
Rà phanh dần và phanh sớm hơn: Tập trung, luôn sẵn sàng rà phanh, phanh sớm hơn bình thường để giảm dần tốc độ khi thấy có rủi ro, nhằm hạn chế tối thiểu các tình huống bất ngờ phải phanh đột ngột, bởi phanh đột ngột trong điều kiện mặt đường trơn có thể khiến xe bị mất lái.
Chú ý nếu má phanh không ăn khi bị ướt: Phanh xe giảm hiệu quả trên đường ướt do độ bám của lốp giảm đi. Tuy nhiên ở nhiều xe, hiệu năng của phanh còn có thể bị giảm sút do bố/má phanh bị ảnh hưởng bởi nước, khiến má phanh khi ép vào đĩa phanh không ăn, hoặc ăn quá mức bình thường. Tuyệt đối cẩn thận nếu má phanh có dấu hiệu không ăn khi bị ướt, đó là lúc mà bạn nên kiểm tra để thay má phanh.
Không chủ quan với những vũng nước lớn: Bạn khó biết trước dưới các vũng nước lớn là gì, có thể là một ổ gà sâu, miệng hố ga mất nắp hoặc thậm chí là một tảng đá lớn bị che khuất, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Hãy né dần từ xa hoặc chậm rãi đi qua một cách thận trọng sau khi đã quan sát kỹ. Tránh gặp xe ngược chiều ngay ở những nơi có vũng nước lớn, bởi vạt nước bắn lên từ xe đi ngược chiều có thể làm nhòa hoàn toàn kính lái của bạn.
Nên biết sợ hãi với những con đường ngập sâu: Hậu quả của xe bị kích thủy (hút nước vào bên trong động cơ và nén) là vô cùng lớn, có thể làm cong/gãy thanh truyền, nứt vỡ qui-lát, block máy… Chi phí sửa chữa là rất lớn, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Mỗi loại xe có độ cao của miệng hút gió khác nhau, và ở các dòng sedan thì miệng hút gió thường rất thấp, vì vậy không nên mạo hiểm với những con đường ngập sâu, “quay đầu là bờ”. Trong trường hợp lỡ chết máy ở điểm bị ngập nước thì tuyệt nhiên không nên cố gắng khởi động lại, thay vào đó là ra khỏi xe và gọi cứu hộ.