Người chơi thôi thì đủ cả, người già có, giới trẻ có, phụ nữ có, đàn ông có, mỗi người một mục đích khác nhau nhưng có lẽ có chung niềm đam mê với những chiếc xe đã mấy chục tuổi đời. Trong các dòng xe cổ hiện nay, có lẽ Vespa cổ là chiếm số lượng đông đảo nhất.
Kẻ chơi Vespa cũng lắm mục đích và công phu, người muốn dọn chiếc xe của mình về “zin” 100%, giới trẻ thì muốn một chiếc xe cá tính và khác biệt, người dùng để dạo phố thong thả, người dùng để đi du lịch xa. Những kẻ mê ong đang thèm muốn sở hữu một chiếc thường bị lạc vào mê cung và không biết chọn được đâu là chiếc xe tốt cho mình. Người lên diễn đàn tìm hiểu, người hỏi bạn bè, người đánh liều mua về… Trong khuôn khổ bài viết này, phóng viên sẽ tư vấn cho những tín đồ của dòng xe đến từ nước Ý này cách chọn mua một chiếc Vespa cũ (các dòng xe thông dụng ở nước ta như standard , Super, Sprint, trừ dòng PX).
Kiểm tra thật kỹ máy, lắng nghe tiếng động bất thường
Bỏ qua những lời “đe dọa”
Bạn cần xác định rõ mục đích mua xe để làm gì? Đi dạo phố, đi chơi xa hay chỉ là ý thích cá nhân. Những người chưa biết nhiều về Vespa cổ thường nói rằng, chiếc xe đó hay hỏng vặt lắm, đang đi tự dưng lăn đùng ra “chết ngỏm”. Điều đó chỉ đúng khi bạn sở hữu một chiếc xe quá tồi mà thôi, và sẽ sai bét nếu chiếc xe của bạn được lựa chọn mua kỹ càng. Bằng chứng là trong tháng 2 vừa rồi chúng tôi đã có cuộc hành trình xuyên Việt với quãng đường đi dài nhất là chiếc sprint (8000km liên tục) mà chỉ việc đổ xăng là đi. Hơn nữa, nếu chịu khó tìm hiểu về nó một cách cẩn thận thì dòng xe 2 kỳ này rất đơn giản, từ cấu tạo máy móc cho đến vận hành an toàn. Vì thế, bạn hãy loại bỏ ngay khỏi đầu ý nghĩ đi Vespa là suốt ngày phải hì hục sửa chữa.
Khả năng tài chính
Tùy thuộc vào từng dòng xe và độ “zin” (nguyên bản) cũng như tình trạng xe mà mỗi chiếc sẽ có giá khác nhau. Nhìn chung, nếu bạn không phải là kẻ sưu tầm xe thì khoảng tài chính cho một chú ong là từ 15 triệu – 20 triệu đồng là có xe chạy khá ngon lành rồi. Nếu bạn chưa có đủ số tiền trên, theo chúng tôi cũng đừng nên mua xe rẻ hơn, vì mua xe rẻ hơn đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải bỏ chi phí thay thế, sửa chữa nhiều hơn. Và quan trọng là xe rẻ thì các bộ phận thường không đồng bộ, tính ổn định thấp.
Vị trí số máy và số khung ở các dòng Vespa thông dụng
Khi đã xác định rõ mục đích chơi xe, đủ nguồn tài chính thì giờ là lúc cần tỉnh táo nhất để xem xét một chiếc xe cũ có thực sự tốt, xứng tầm với khoản tiền mình bỏ ra.
Quan sát tổng quát, chi tiết
Hấu hết các xe Vespa cổ ở nước ta đều đã được làm đồng lại phần khung xe (do đã quá cũ) bao gồm việc dập lại khung, gò nắn về form mẫu ban đầu. Do đó việc đầu tiên là cần quan sát toàn bộ phần khung xe, sườn xe, giè, các mép nối khung sườn, kiểm tra cốp, bình xăng lớn, đặc biệt là chú ý kỹ phần dưới thân xe (chỗ để gắn chân chống) đảm bảo thân xe ổn định, liền khối, không bị mục gỉ, “mối mọt”, cốp phải được lắp vừa vặn với xe, không rung lắc. Tiếp theo bạn cần kiểm tra cổ phốt xem có bị rơ không. Kiểm tra phần tay lái và đầu đèn để biết được độ ổn định của chúng.
Không bỏ sót bất cứ chi tiết nào trên chiếc xe, nếu bạn chơi xe không cần độ “zin” thì các chi tiết cần khớp với khung sườn, không có biểu hiện gỉ sét hay lỏng lẻo, dựng chân chống và quan sát từ xa (khoảng 3m) theo hướng cả trước và sau xe xem xe có bị nghiêng, lệch hay mất cân đối hay không. Kiểm tra yên xe (2 yên nếu là yên rời hoặc 1 nếu là yên liền), chú ý phần xương yên đảm bảo không bị mất dây lò xo, bị gỉ sét. Ngồi lên yên nhún thử để kiểm tra tính đàn hồi của lò xo yên.
Chạy thử và kiểm tra động cơ
Cấu tạo đặc biệt của những chiếc Vespa cổ là máy lệch bên, sử dụng động cơ 2 kỳ làm mát bằng không khí, không sử dụng xích hay đai truyền động mà trục bánh được gắn thẳng vào máy, số 4 cấp với việc chỉnh số ở tay trái (một số dòng đặc biệt 3 số), côn rời ở cùng tay số, khởi động bằng cần đạp. Do đó bạn cần nổ máy bằng cách đạp dứt khoát, một số xe cần nghiêng về bên phải sau đó đạp nổ luôn là điều bình thường.
Dựng xe, nổ máy, tăng giảm ga để nghe tiếng máy nổ, tăng ga mà máy “rít” lên ngay tiếng nổ giòn, tròn đều không bị rồ, thả hết ga để xe nổ ở trạng thái garanti máy không có những tiếng kêu bất thường. Tiếp theo, bạn bóp chặt côn và hơi tăng ga một chút, nếu tiếng kêu “lọc cọc” hoặc xuất hiện tiếng “hú” từ động cơ phát ra là bát côn đã bị mòn, các lá thép đập vào mâm côn tạo nên tiếng hú.
Chạy thử, tăng giảm ga, đảo số để "bắt bệnh" cho xe
Ngồi ngay ngắn, bóp chặt côn, vào số 1 tăng ga chạy, nếu xe vọt nhanh mà không ì, máy không rồ bất thường là được, tiếp tục vào số 2, 3, 4, việc chuyển số phải dễ dàng, xe không bị khựng hoặc giật khi sang số (trường hợp sang số đúng), trong quá trình di chuyển nếu là máy tốt thì ở dải tốc độ >40km/h xe chạy rất êm, tiếng máy không kêu “pạch pạch” như lúc nổ máy, xe không rung lắc. Trong điều kiện thử nghiệm, nếu có thể bạn thử thả 2 tay trong 2-3 giây, nếu xe bị lệch hướng đi nghĩa là khung sườn không chuẩn. Tiếp theo, bạn chạy ở số 4 tốc độ khoảng 40km/h rồi bóp hết côn để xe trôi tự do, nếu máy xe bị tắt chứng tỏ phần điện ma vít có vần đề.
Dừng xe, chờ máy nguội, bạn mở cốp bên phải ra sẽ thấy cụm động cơ. Nếu có thể, bạn mở bình xăng con (chế hòa khí) ra để kiểm tra tay quay hút nhiên liệu, đảm bảo tay biên phải khít, trơn và nhẵn. Bạn nhìn phần đuôi xe phía sau động cơ, nếu có nhiều nhớt chảy ra chứng tỏ đã bị hở cổ hút. Tiếp theo bạn nhìn hệ thống điện và bánh đà, những chiếc Vespa cổ nguyên bản chạy điện ma vít đơn giản, không có bất cứ thiết bị điện tử nào cả, chỉ có cuộn điện, ma vít, mô bin (cục tăng áp cho bugi) và hệ thống dây.
Một chiếc xe Vespa cổ tốt trước hết khung sườn phải đồng bộ, do đó bạn cần kiểm tra số khung và số máy, số khung nằm ở phía dưới cốp trái, số mãy nằm dưới cùng lốc máy gần chỗ để gắn dây côn và mâm côn, bạn ghi lại 2 thông số này và truy cập vào trang web http://www.scooterhelp.com/serial/ve...l.numbers.html để kiểm tra xuất xứ cũng như sự đồng bộ của chúng. Nếu 2 thông số này đều cho ra một kết quả thì máy và khung là của cùng một xe (ở đây không xét đến yếu tố đã bị làm giả lại số khung số máy).
Kiểm tra bánh xe, các phụ kiện khác
Bánh xe bao gồm vành, lốp và các bộ phận liên quan cũng rất quan trọng, nó được ví như chiếc chân người, chân hỏng thì đi lại khó khăn. Dựng chân chống giữa, cầm lốp trước quay thật mạnh và quan sát độ “đảo” của vành, nếu vành bị đảo thì chứng tỏ đã bị thay thế hoặc va chạm làm méo hoặc cũng có thể lốp lắp không chuẩn. Sau đó bạn ngồi lên xe, dùng 2 tay ghì chặt ghi đông ấn mạnh xuống phía trước để kiểm tra giảm xóc, nếu là giảm xóc còn tốt thì bạn sẽ nhấn khá êm ái và không phát ra bất cứ tiếng kêu nào. Tiếp theo, bạn trả về số 0, cầm bánh sau lắc mạnh sang hai bên xem có bị rơ không, nếu bị rơ quá chứng tỏ bi trong có vấn đề.
Bên cạnh đó các phụ kiện khác như phanh trước, sau, còi, đèn, nút bấm tắt máy, đèn hậu, dzoăng cao su, chỉ chân, bọ sàn, ống xả, nắp bình xăng… cũng cần được kiểm tra kỹ lưỡng.
Việc lựa chọn một chiếc xe tốt đồng nghĩa với việc bạn sẽ ít phải sửa chữa nó, đồng thời tăng niềm đam mê của bạn đối với những chú ong xinh xắn này và để những chúng được cùng bạn phiêu du trên mọi nẻo đường đất nước.
Nguồn: autocarvietnam.vn
Có thể bạn quan tâm: