Bảo dưỡng xe 2 thì có ‘cực’ không?
Cầu kì từ khâu thay nhớt
Và nhớt máy thì chủ nhân sẽ phải canh theo đúng thời gian mà thay, trung bình sẽ rơi vào mốc từ 3000 đến 6500 km. Nguyên nhân xe 2 thì dùng nhớt máy lâu hơn xe 4 thì là do nhớt máy trên 2 thì chỉ để 'nuôi' hộp số và bộ nồi, chứ không có can thiệp trực tiếp vào quá trình vận hành của piston và tản nhiệt của động cơ.
Bởi vậy những nhà sản xuất đã tính tới chuyện đó, họ thiết kế ra những đèn báo hiệu với kí hiệu trên mặt đồng hồ như: Turn-Oil (trên Suzuki RGV), Turn (trên Honda Nova Dash), Bình dầu (trên Yamaha 125ZR),... Những đèn báo hiệu này sẽ nhấp nháy khi mà lượng nhớt pha xăng bị cạn.
Nếu mà kí hiệu này nhấp nháy thì mình khuyên các bạn chỉ nên chạy tiếp từ 5 đến 10 km. Nếu cố chấp chạy tiếp thì lúp pê như chơi!
Lúc bảo dưỡng máy móc trục trặc, dựng một chỗ mấy tháng để kiếm đồ về thay
Cái hiểu lầm lớn nhất của những người mới bắt đầu chơi 2 thì đó chính là nghĩ những dòng xe này không có cam, cò, van nạp xả,... thì bảo dưỡng sẽ phần nào đó dễ hơn những dòng xe 4 thì.
Nhưng cuộc đời đâu như là mơ... Vì liên tục sinh công nên động cơ 2 thì sẽ tỏa ra nhiệt lượng cao hơn hẳn động cơ 4 thì. Vì vậy mà những chi tiết trong động cơ sẽ bị bào mòn nhanh hơn, khi mà bung máy ra kiểm tra thì bắt buộc phải thay thế rất nhiều chi tiết.
Nếu không có đồ thay thì buộc lòng phải đặt hàng từ những nước nước như: Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia,... Đồ 2 thì rất hiếm do những dòng xe này đa phần đều dừng sản xuất đã lâu, nếu không thể đặt hàng về thì bắt buộc phải tự vác thân đi mà tìm.
Bởi vậy một khi bảo dưỡng 2 thì, không làm thì thôi chứ đã làm thì phải chuẩn bị sẵn tâm lý trước. Nếu muốn bung máy ra thì mình khuyên các bạn nên thủ sẵn trong túi vài chục triệu để đề phòng trường hợp xấu nhất.
Kiếm đồ thì như mò kim đáy biển, kiếm thợ thì như tìm hạt muối giữa đại dương
Mình nghĩ các bạn nên dựa vào những yếu tố dưới đây để có thể tìm được một người thợ đủ uy tín để giao cho họ chiếc xe 2 thì.- Phải có tuổi đời dày dặn và kinh nghiệm, giống như các bạn không thể nào nhờ một anh thợ sinh năm 1995 mà có thể sửa được một chiếc Suzuki RGV đời 1998-1999 được.
- Nếu không lớn tuổi thì phải cọ sát với nhiều dòng xe hoặc đã từng chơi qua, những người này sẽ hiểu rõ nhất về cấu trúc của từng chiếc xe. Từ đó rút ra kinh nghiệm để sửa chiếc xe của bạn.
- Có hậu mãi tốt, một người thợ máy sau khi khách hàng quay lại do trục trặc thì tốt nhất đừng nên sử dụng 'bộ tứ' tại - bị - thì - là! Như vậy sẽ phản ánh anh ấy là người thiếu trách nhiệm và không giữ đúng cam kết ngay từ ban đầu.
Có phải mình đang khuyên các bạn đừng nên chơi 2 thì?
Thật ra không phải như vậy, những chia sẻ trên mình chỉ muốn gửi gắm đến những bạn chuẩn bị và sắp bước vào sân chơi 2 thì. Để các bạn không bị ngỡ ngàng cũng như quá bối rối vì chiếc xe của mình gặp phải vấn đề.
Đàn ông chúng ta đúng là những đứa trẻ không bao giờ lớn, chỉ có những món đồ chơi của chúng ta lớn hơn qua thời gian thôi...
Có thể bạn quan tâm: