Từ khi xe máy ra đời, đã có rất nhiều biến thể để phù hợp với những mục đích vận hành khác nhau. Giữa các dòng xe đôi khi chỉ khác nhau đôi chút, mọi cách phân loại đều là quy ước dần dần được chấp nhận rộng rãi.
1. Underbone
Đây là dòng xe phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các mẫu xe số trên thị trường là underbone như Wave, Future, Sirius, Exciter... Đặc điểm chính của loại xe này là động cơ đặt bên dưới khung xe, bình xăng ở dưới yên. Với thiết kế này, trọng tâm xe lùi về sau hoặc ở giữa, phần đầu xe nhẹ nhàng.
Dòng xe này còn có biến thể khác được gọi là hyper-underbone như các mẫu xe Suzuki Raider 150, Honda Nova...
2. Scooter
Scooter là loại xe mà ngưới lái có thể nhẹ nhàng bước qua khung (step-through frame) và có không gian rộng để chân phía trước. Loại thiết kế này xuất hiện vào những ngày đầu tiên của buổi bình minh nền công nghiệp xe máy. Từ scooter thường dùng để chỉ xe có dung tích động cơ từ 50 đến 250 phân khối. Nếu lớn hơn được gọi là maxi-scooter.
Scooter không chỉ sử dụng hộp số vô cấp CVT (xe ga) như đa số xe ngày nay, dòng xe này còn sử dụng hộp số tay với số và côn được tích hợp ở tay lái bên trái. Một số thiết kế còn lại của xe tương đối giống với dòng underbone như động cơ lùi về phía sau, bình xăng dưới yên. Scooter cũng là loại xe máy có đường kính vành xe nhỏ hơn so với hầu hết các dòng xe khác.
3. Sportbike
sportbike là loại môtô được thiết kế để tối ưu hóa tốc độ, khả năng tăng tốc, phanh và vào cua trên đường rải nhựa, không tối ưu hóa về cảm giác thoải mái khi lái xe hay mức nhiên liệu tiêu thụ.
Soichiro Honda, người sáng lập ra hãng xe Nhật Bản từng viết rằng "yếu tố cần thiết chủ yếu của môtô là tốc độ và sự phấn khích", và kết quả là sự ra đời của chiếc CB750 năm 1969, phá vỡ mọi rào cản về sức mạnh và tốc độ ở thời điểm bấy giờ. Khi ấy sportbike mới chỉ được nhìn nhận đơn thuần dựa trên tốc độ, sức mạnh động cơ chứ chưa chú ý nhiều đến kiểu dáng, thiết kế.
Từ đầu những năm 1980, sportbike được trang bị các công nghệ tiến gần tới xe đua hơn, từ đó hình dáng của dòng xe này cũng giống với các xe đua. Và cũng từ sportbike, các biến thể nakedbike và streetfighter ra đời.
Nhìn chung, hiện nay thiết kế hình học của sportbike được biết đến với những đặc trưng như gác chân cao lùi về phía đuôi, sát thân, cụm tay lái ở dưới thấp, góc tay lái hẹp kiểu clip-on, góc nghiêng càng trước nhỏ, khiến thân người và trọng tâm hướng về phía trước, tạo dáng ngồi chồm qua bình xăng.
Bộ quây thân xe khí động học. |
Để tạo điều kiện tăng tốc tối đa, hạn chế cản gió xe thường có kính chắn gió cao, bộ quây thân xe khí động học (có thể có hoặc không) để hướng luống không khí trượt thật nhanh và xe và người khi vận hành. Xe cũng thường được thiết kế bằng vật liệu nhẹ, bền, hệ thống phanh đĩa, giảm xóc tối tân nhất. Lốp xe thường to hơn so với những loại xe khác để tăng độ bám đường. Bên cạnh đó, trục cơ sở cũng thường ngắn hơn, tạo khối vững chắc, dễ dàng vào cua và chịu đựng tốt khi cỗ máy làm việc ở điều kiện khắc nghiệt.
Để phân chia sportbike theo dung tích động cơ, hiện nay có ba phân khúc chính là cỡ nhỏ (đến 500 phân khối), cỡ trung (600-750 phân khối) và superbike (1000 phân khối trở lên).
4. Sport touring
sport touring là dòng xe cùng chia sẻ nhiều đặc điểm với sportbike, nhưng có một số thay đổi để phù hợp với mục đích. Sport touring sinh ra để di chuyển những cung đường dài nhưng vẫn đảm bảo tốc độ xe ở mức cao. Do đó, nếu từ phiên bản sportbike, xe được nâng cao và mở rộng tay lái, gác chân tiến hơn về phía trước, góc nghiêng của càng trước lớn hơn, tạo tư thế lái thẳng người, thoải mái khi đi đường dài.
Bên cạnh đó, sport touring còn có bộ quây lớn hơn, kính chắn gió cao, to bản và hầu hết có thể điều chỉnh. Trục cơ sở cũng đẩy dài ra, tạo không gian cho người ngồi phía sau. Khung phụ được thiết kế theo chiều ngang chứ không chổng ngược như sportbike, có thêm khung đèo hàng hoặc nơi mắc những thùng chứa đồ. Bình xăng to hơn, khoảng sáng gầm lớn hơn.
Ngoài kiểu dáng, sport touring cũng được hạn chế sức mạnh công suất hay mô-men xoắn ở động cơ để đảm bảo dễ điều khiển hơn trên đường dài. Hầu hết các hãng xe đều sử dụng công nghệ và động cơ trên bản sportbike để lắp đặt cho phiên bản sport touring. Tiêu biểu như Triumph Sprint chia sẻ với sportbike Daytona.
Để đảm bảo cho những hành trình dài, dòng xe này được tích hợp các công nghệ như điều hướng, giảm xóc điều khiển điện tử, sưởi ấm tay lái, sưởi ấm yên xe, kiểm soát hành trình, cảm biến áp suất lốp...
5. Nakedbike
Cụm từ nakedbike được sử dụng lần đầu vào năm 1993, khi Ducati ra đời dòng xe Monster và gọi tên là nakedbike. Thực tế, đúng như cái tên naked (trần truồng), dòng xe này được coi là phiên bản lược bỏ bộ quây của sportbike, cùng với một số thay đổi trong thiết kế và động cơ.
Với nakedbike, tay lái được đưa lên cao và góc rộng hơn so với sportbike, lược bỏ tối đa những bộ phận che chắn như kính chắn gió, ốp đèn pha, bộ quây thân xe... Dáng ngồi vẫn hướng về phía trước nhưng không chồm như sportbike. Động cơ để trần không che chắn, được giới hạn công suất và mô-men xoắn cho khả năng vận hành nhẹ nhàng, linh hoạt trong nhiều điều kiện giao thông.
Với nakedbike, tốc độ hay khả năng tăng tốc không phải là mục đích hướng tới, mà đó là sự linh hoạt, thoải mái khi di chuyển ngay trong phố, nhưng vẫn đảm bảo mạnh mẽ trên đường trường.
(Còn nữa)
Minh Hy