Ông Peter Guenther Wolf, giám đốc điều hành nhà máy bmw Thailand cho biết hãng sẽ bắt đầu sản xuất xe tại đất nước này vào đầu năm 2014, nhà máy đặt tại Amata City Industrial Estate ở tỉnh Rayong. Mẫu xe đầu tiên khai trương dây chuyền tại đây là f800r , với số lượng trên 100 xe mỗi năm. Tỷ lệ nội địa hóa là 40 % để có thể hưởng các ưu đãi thuế quan khi vào các thị trường như Asean.
"Sản xuất xe tại đây sẽ giúp chúng tôi cắt giảm được chi phí bán lẻ, đồng thời tăng tính cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường Thái", ông Wolf cho biết.
Mục tiêu của BMW là đạt doanh số cao ở phân khúc từ 650 phân khối trở lên khi đến với Thái Lan, lắp ráp xe tại đây sẽ tránh được mức thuế quan 60% với những môtô ở phân khúc này. Lượng môtô của BMW bán ra tại Thái Lan qua 9 tháng năm 2013 là 268 chiếc, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà máy Ducati Thái Lan mới được đầu tư tăng gấp 3 lần năng suất. Ảnh: Cycleworld. |
Trước BMW, đất nước chùa vàng đã tiếp nhận luồng đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp môtô của nhiều hãng khác. triumph đầu tư gần 109 triệu USD xây dựng cụm nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp xe từ năm 2008. Một đại diện tiêu biểu nữa đến từ châu Âu là Ducati. Nhà máy này thành lập tháng 11/2010 với số tiền đầu tư khoảng 6,8 triệu USD, đến năm 2011 bắt đầu cho ra đời những chiếc xe đầu tiên với số lượng khoảng 5.000 chiếc mỗi năm.
Mới đây nhất, hãng môtô Italy quyết định đầu tư thêm 18 triệu USD để tăng gấp 3 lần năng suất nhà máy. Diện tích 7.000 m2 trước đây đã tăng lên thành 25.000 m2, con số xe ước chừng 15.000 xe/năm.
Ông Francesco Milicia đánh giá cao tiềm năng phát triển của Thái Lan cũng như các thị trường đang nổi ở châu Á. Mỗi năm con số tăng trưởng khoảng 30 %, trong khi đó thị trường châu Âu ngày càng khó bán vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Lượng xe sản xuất ở Thái Lan xuất khẩu 60%.
Cả hai ông lớn BMW và Ducati đều tập trung sản xuất xe từ 650 phân khối trở lên. Điều này cũng bắt nguồn từ chính sách của Thái Lan. Thị trường môtô phân khối lớn của nước này vẫn còn nhỏ, nhưng việc đặt nhà máy tại đây lại mang lại nhiều nguồn lợi cho các hãng.
Khoảng những năm 2007-2008, Bộ Đầu tư Thái Lan bắt đầu khuyến khích việc sản xuất xe trên 500 phân khối, khi nhận thấy có nhiều nhà đầu tư muốn tham gia, biến Thái Lan từ một nơi chuyên xe nhỏ và linh kiện trở thành nơi sản xuất xe "to".
Trong số các hãng xe Nhật tại Thái Lan, kawasaki luôn dẫn đầu thị trường phân khối lớn với thị phần 40-50%. Có được điều này bởi Kawasaki sản xuất xe 600 phân khối tại đây, giá rẻ hơn so với những chiếc xe nhập khẩu của honda hay Yamaha. Xe có dung tích lớn nhất mà Honda lắp ở Thái Lan mới chỉ là CBR250R.
Nhưng hãng xe logo cánh chim cũng đang lên kế hoạch phát triển mạnh phân khối lớn tại thị trường này, lộ trình đi theo kiểu nhập khẩu nguyên chiếc, sau đó đặt nhà máy sản xuất, biến Thái Lan thành trung tâm xe to xuất khẩu ra toàn thế giới.
Ưu điểm lớn nhất của đất nước chùa vàng mà các hãng đều lựa chọn để đặt nhà máy nằm ở hệ thống các nhà cung cấp. Số công ty này có thể đáp ứng tới 95% lượng linh kiện, phụ tùng cho mỗi chiếc xe, giảm đáng kể chi phí nhập khẩu từ nước đặt công ty mẹ. Với đà phát triển này, việc các thương hiệu hàng đầu trong làng môtô nhăm nhe đặt một chân vào Thái Lan, đến Amata City Industrial Estate ở tỉnh Rayong để đặt nhà máy là những sự kiện được tiên liệu.
Các ông lớn cũng không dừng lại ở thị trường nội địa Thái Lan, nơi đây còn là bàn đạp để đánh mạnh thị trường đang nổi châu Á. Ducati khi vào Việt Nam vẫn được định vị là hãng môtô cao cấp với giá xe thường đắt gấp đôi so với các đối thủ cùng phân khúc, do đó lượng xe tiêu thụ khá ít ỏi. Nhưng kể từ khi các mẫu Monster 795, Diavel lắp ráp tại Thái Lan nhập về Việt Nam, mức giá dễ chịu hơn lập tức cho mức tăng trưởng hai con số.
Không chỉ Việt Nam mà những thị trường khác tại châu Á đang phát triển rõ rệt nhu cầu môtô. Do đó để tiếp cận mức giá dễ dàng hơn, các hãng môtô thế giới dần tìm cách chuyển nhà máy về các nước tiềm năng như Thái Lan, để được hưởng mức thuế ưu đãi khi bước vào các thị trường Asean.
Đức Huy