Công nghệ an toàn ngày càng trở nên phổ biến. Giờ đây, không chỉ xe hạng sang mới có chống bó cứng phanh ABS hay cân bằng điện tử ESP. Nhiều mẫu xe bình dân cũng đã trang bị và trợ giúp đắc lực cho hành khách. Tuy nhiên, vẫn có những ngộ nhận về công dụng và cách kích hoạt các hệ thống này.
Chống bó cứng phanh ABS
Công dụng trực tiếp của ABS, như tên gọi, là chống hiện tượng bánh xe bị bó cứng, tức má phanh không nhả khi phanh gấp. Trong tình huống này, bánh xe không quay dẫn đến việc tài xế không thể kiểm soát và mất lái.
Vì thế, mục đích cuối cùng của ABS là duy trì khả năng kiểm soát hướng lái. Khi phanh gấp, hệ thống sẽ tự động ấn-nhả đĩa phanh khoảng 15 lần mỗi giây, đảm bảo sao cho bánh xe không bị bó và giúp tài xế có thể điều khiển một cách bình thường.
Việc kích hoạt ABS cần có những điều kiện nhất định. Đó là khi gặp tình huống nguy hiểm, tài xế cần phải đạp hết pedal một cách dứt khoát, không nhấp như trên xe không có ABS. Khi đó, các cảm biến phát hiện ra sự giảm tốc đột ngột và bộ điều khiển trung tâm mới kích hoạt hệ thống. ABS làm việc sẽ tạo nên những lực tác động trở lại chân phanh thành tiếng lục cục.
Cùng lúc với động tác phanh, tài xế phải kiểm soát cả hướng lái. Khi chưa quen, người điều khiển thường chú ý hết vào quá trình phanh mà không xử lý kịp. Tuy nhiên, nếu được thử nghiệm thường xuyên, các thao tác sẽ nhuần nhuyễn hơn.
Cân bằng điện tử ESP
ESP cùng ABS là hai công nghệ an toàn hữu ích nhất trên xe hơi hiện đại. Công dụng của ESP là kiểm soát độ cân bằng của xe trong những tình huống đánh lái đột ngột khi cua gấp hay gặp chướng ngại vật trên đường.
Tại buổi đào tạo lái xe của Mercedes Việt Nam ngày 2/11 tại sân bay Tân Sơn Nhất, tài xế được yêu cầu lái tới vận tốc 80 km/h, bỏ chân ga và đột ngột đánh lái. Hệ thống ESP khi đó sẽ được kích hoạt và tự động phanh những bánh bị trượt để tạo độ bám đường.
Dưới tác động của ESP, xe vẫn giữ được độ cân bằng cần thiết. Trong một số tình huống, ESP còn tự động giảm công suất động cơ để đảm bảo an toàn.
Xe không có ESP (trái) bị chệch ra khỏi đường so với xe có ESP (phải). |
Tuy nhiên, một lưu ý là ESP không thể thắng được các giới hạn vật lý. Một cú đánh lái quá nhiều ở vận tốc cao, khiến trọng tâm xe vượt qua giới hạn cân bằng thì nó chắc chắn sẽ lật, kể cả có ESP trợ giúp. ESP không ngăn chặn tai nạn mà chỉ là phương tiện hỗ trợ tài xế giữ được tay lái.
ESP đi cùng với ABS sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Hai công nghệ này sử dụng chung hệ thống cảm biến nên thông thường, các mẫu xe có ABS thì cũng có ESP đi kèm.
Hỗ trợ phanh gấp BA
BA là công nghệ giúp lái xe tác động một lực đủ lớn lên chân phanh trong những tình huống khẩn cấp. Một cảm biến sẽ ghi nhận trạng thái người lái bỏ chân ga sang chân phanh đột ngột như thế nào để kích hoạt BA. Khi hệ thống này hoạt động, nó sẽ cung cấp thêm lực phanh để đạt tối đa.
Chẳng hạn, khi gặp nguy cấp, người lái thường chỉ tác động được 80% lực phanh tối đa còn BA sẽ cung cấp thêm 20% còn lại. Việc hỗ trợ này làm giảm quãng đường phanh để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, hệ thống BA khá nhạy nên tài xế không nên chủ quan nghĩ nó hoạt động trong mọi tình huống. Nếu quá trình chuyển chân ga sang phanh không nằm trong vùng kích hoạt, BA sẽ không hoạt động.
Dây đai an toàn và túi khí
Dây đai là một trong những thiết bị an toàn dễ bị bỏ qua nhất. Những thống kê cho thấy khách hàng thường quan tâm đến việc xe có các công nghệ hỗ trợ nào mà quên mất một chi tiết nhỏ nhưng có công dụng không hề nhỏ. Thậm chí, nhiều tài xế quan niệm do đã có túi khí nên không cần thắt dây an toàn.
Trên thực tế, túi khí chỉ là thiết bị hỗ trợ, nó không thể làm thay nhiệm vụ của các thành phần khác. Vì vậy, dù thế nào, hành khách vẫn cần phải đeo dây an toàn để phát huy tối đa hiệu quả của công nghệ an toàn này. Theo thống kê, mức độ chấn thương giảm chỉ còn một nửa nếu áp dụng cả hai hình thức này.
Đa số các nhà sản xuất tách riêng hoạt động của túi khí và dây đai an toàn. Tuy nhiên, có hãng đưa điều kiện là túi khí chỉ kích hoạt nếu hành khách thắt dây an toàn. Volvo, hãng con của Ford, là một trong những mác xe áp dụng quy định này nghiêm ngặt nhất. Một quan chức của bang New Jersey, Mỹ từng bị chấn thương nghiêm trọng do không thắt dây an toàn khiến túi khí không bung.
Để cân bằng giữa hai tình huống trên, các nhà phát triển đã nghĩ ra phương pháp thay đổi quy trình bung tùy thuộc vào việc hành khách có thắt dây an toàn hay không. Trạng thái của dây đai an toàn sẽ quyết định đến tốc độ bung để sao cho hành khách bị chấn thương ở mức thấp nhất.
Chẳng hạn nếu hành khách không thắt dây an toàn, túi khí sẽ không bung hết cỡ nhằm giảm lực va chạm. Bởi nếu bung toàn bộ, với tốc độ lên tới 290 km/h của túi khí cộng với lực quán tính, tỷ lệ chấn thương sẽ càng cao hơn.
Nguyễn Nghĩa