Theo giới kinh doanh, không giống như thị trường xe hơi, người miền Nam tiếp cận các dòng sản phẩm xe điện chậm hơn miền Bắc một nhịp. Trong lúc, sức mua của thị trường miền Bắc bước vào giai đoạn cao điểm dịp Tết thì tại nhiều cửa hàng phía Nam lại chứng khiến cảnh chợ chiều.
Chị Thanh, nhân viên văn phòng vốn yêu thích xe ga, từng sử dụng qua Honda Click rồi Attila và xe Lead mới đây đã quyết định chuyển sang dòng xe bình dân hơn với lý do tiết kiệm chi phí, tiện dụng.
Theo chị, chiếc xe mà chị sở hữu hiện nay là xe máy điện thương hiệu Trung Quốc. Với chị, xe máy điện có tốc độ và cách điều khiển không khác xe ga, nhưng giá thành lại rẻ và không phải tốn tiền đổ xăng, chỉ cần sạc điện là vận hành êm ái.
Chị cho hay, đồng nghiệp, mẹ chồng và một vài người bạn thân thiết cũng quyết định chuyển sang dùng xe đạp điện hoặc xe máy điện khi lưu hành ở khu vực nội đô.
Anh Đức, chủ một cửa hàng kinh doanh xe đạp, xe máy điện trên phố Huế cho biết, những tháng giáp Tết, anh có thể bán gần 100 chiếc mỗi tháng. Con số này ít hơn mọi năm, nhưng theo anh nó ấn tượng hơn nhiều so với xe máy truyền thống. Các đại lý xe máy dịp cuối năm bán không quá 50 chiếc trong tháng.
Trái ngược với Hà Nội, thị trường xe điện tại TP HCM rơi vào trạng thái bình lặng. Theo ghi nhận của VnExpress, một số cửa hàng ở đường Võ Thị Sáu trưng bày nhiều mẫu xe đạp, xe máy điện mang các nhãn hiệu Giant, Asama, Yamaha... nhưng ít người hỏi mua. Nếu trước thời điểm khai giảng hàng năm, mỗi cửa hàng có thể bán 20-30 chiếc một tháng thì sau mùa tựu trường tiêu thụ không quá 10 chiếc.
Với các tính năng như rẻ, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, không cần đăng ký, xe điện đang dần trở thành xu hướng, thu hút một phần không nhỏ lượng khách hàng từng dùng xe máy truyền thống tại Hà Nội.
Nhưng tại Sài Gòn, phần lớn người dân vẫn chưa tin tưởng để con cái tự đi xe điện tới trường học. Các bậc cha mẹ không yên tâm với tình trạng giao thông hỗn loạn tại thành phố này. Anh Nguyễn Thành, một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực phương tiện giao thông cho rằng, nhiều mẫu xe đạp điện hiện nay có tốc độ 40-50 km/h, lại không có âm thanh phát ra khi di chuyển nên khá nguy hiểm đối với người sử dụng, nhất là trẻ vị thành niên.
Xuất hiện tại Sài Gòn những năm 2006-2007 nhưng xe điện ở đây hình thành như một thị trường định lượng rõ ràng thì chỉ mới cách đây 1-2 năm, trong khi tại Hà Nội đã có bề dày khoảng 4 năm. Xe đạp điện chiếm tới 90% thị trường Sài Gòn, trong khi xe máy điện chỉ khoảng 10%, hầu hết đều có xuất xứ Trung Quốc. Các cửa hàng chủ yếu lấy nguồn thu từ sửa chữa bảo dưỡng chứ lượng bán không đạt kỳ vọng.
Cũng bởi lý do này, các doanh nghiệp kinh doanh xe điện tại Sài Gòn đang tập trung chủ yếu vào yếu tố bề nổi là kiểu dáng, mẫu mã đẹp để thu hút đối tượng học sinh, sinh viên. Trong khi tại Hà Nội, giai đoạn này đang dần trôi qua, nhường chỗ cho những sản phẩm có chất lượng tốt, bề ngoài trở thành thứ yếu.
Để sở hữu một chiếc xe đạp, xe máy điện của các thương hiệu như Honda, Yamaha, Giant, HKbike, người tiêu dùng cần bỏ ra 10-15 triệu đồng, trong khi chiếc xe máy rẻ cũng đã có giá khoảng 17-20 triệu đồng. Chi phí sử dụng vào khoảng 55 đồng cho một km đi được, mỗi lần sạc xe máy điện có thể chạy 70-75 km, không cần bảo dưỡng nhiều, hư hại chủ yếu đến từ ắc-quy với chi phí sửa chữa rẻ. Hiện nay một số xe ứng dụng công nghệ pin FLiP, loại pin nâng cấp từ dòng Lithium với mức tiết kiệm khá lý tưởng 0,7 số điện cho một lần sạc, tương đương khoảng 1.400 đồng. Dòng pin này có độ bền từ 4-6 năm do thiết kế khép kín, chống va đập.
Đức Huy - Đức Quang