"Êm như Honda, bốc như Yamaha" là định danh truyền miệng mà người Việt đã đặt cho hai hãng xe có mặt lâu đời và có thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Đi cùng với êm là cảm giác vận hành nhàm chán. Đi cùng với bốc được mặc định là tốn xăng. Nhưng trong thời đại mới, khi khách hàng đã có nhiều hơn sự lựa chọn, các hãng xe buộc phải xâm lấn thị phần, thậm chí là cá tính của nhau. Động cơ Blue Core của yamaha là một ví dụ điển hình.
Blue Core – động cơ thế hệ mới của Yamaha. |
Yamaha cá tính ngay từ thiết kế cho đến khả năng vận hành linh hoạt, hướng nhiều hơn đến giới trẻ ưa trải nghiệm. Khi đã định danh xe thể thao dành cho giới trẻ, Yamaha phát triển động cơ Blue Core với cá tính khác biệt đến nỗi nhiều người trải nghiệm phải ngạc nhiên: "Yamaha gì mà êm thế?", "có tốn xăng nữa không?"
Blue Core là câu trả lời của Yamaha dành cho động cơ eSP của Honda. Honda thì vẫn luôn êm, nhưng Yamaha đáp trả "êm đến nỗi chẳng cần tắt máy". Bằng chứng là những mẫu xe Honda dùng động cơ eSP đều có tính năng dừng cầm chừng (Idling stop), còn Yamaha thì chưa vội trang bị. Mặc dù sản phẩm chiến lược của Yamaha là Nozza Grande và Acruzo đã ra mắt.
Về mặt kỹ thuật, Yamaha cho biết động cơ Blue Core giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu lên đến 50% so với thế hệ động cơ trước đây. Cổng nạp và buồng đốt được thiết kế lại hoàn toàn, nhằm đảm bảo hiệu ứng xoáy lốc cho hỗn hợp nhiên liệu và không khí ở dải tốc độ từ thấp đến cao. Tỉ số nén động cơ vẫn đạt được ngưỡng cao, 11:1 giúp hiệu suất đốt cháy bên trong luôn đạt ngưỡng ổn định.
Thêm vào đó, động cơ được thiết kế xi-lanh lệch tâm và giảm thiểu tối đa tiêu hao động năng sinh ra do ma sát giữa các bộ phận hoạt động. Ngoài ra, động cơ Blue Core được làm mát bằng không khí với sự kết hợp giữa quạt tản nhiệt hiệu suất cao và các tấm hướng gió làm mát. Các miếng tản nhiệt được thiết kế với vị trí tối ưu hóa khả năng tản nhiệt, tạo ra vùng dẫn nhiệt rộng hơn. Hỗ trợ thêm cho việc làm mát động cơ là hệ thống rãnh dầu được thiết kế để làm mát pít-tông.
Về cơ bản, mục đích chế tạo động cơ của Yamaha và Honda khá giống nhau, đều là loại động cơ hiệu suất cao, tiết kiệm nhiên liệu và vận hành êm ái. Nhưng cách thức làm của cả hai lại khác biệt. eSP của Honda hoạt động trên nền tảng hỗ trợ bằng công nghệ, với nhiều tính năng tích hợp. Còn Yamaha lại chọn hướng đi tối ưu hóa ngay từ thiết kế từng chi tiết để đạt hiệu suất cao mà chưa cần sử dụng công nghệ điện tử hỗ trợ.
eSP làm mát bằng dung dịch còn Blue Core làm mát bằng không khí. Đây cũng là lợi thế của Yamaha khi hãng không có nhiều rủi ro về hỏng hóc thiết bị điện tử cũng như gia tăng giá thành sản phẩm bởi tích hợp công nghệ.
Trải nghiệm thực tế Yamaha Grande hay Acruzo mới thấy "êm đến nỗi chẳng cần tắt máy" không phải ngoa ngôn. Bấm nút khởi động, chiếc xe khẽ "rùng mình" rồi như im bặt. Phải lắng tai nghe mới nhận biết là động cơ vẫn đang hoạt động. Yamaha giải thích, tua máy của động cơ Blue Core thế hệ mới được cài đặt ở ngưỡng rất thấp, khoảng 1.200 vòng/ phút. Với những mẫu xe hiện hành, con số này là 1.600 vòng/ phút. Động cơ hoạt động êm ái hơn, lượng khí thải giảm đi, tất yếu mức tiêu hao nhiên liệu sẽ thấp hơn. Êm ái là một trong những giá trị cốt lõi khi Yamaha đặt nền móng phát triển động cơ Blue Core thế hệ mới.
Yamaha Grande – dòng xe khởi đầu động cơ Blue Core tại Việt Nam. |
Khi lăn bánh, chiếc xe còn khiến người lái ngạc nhiên hơn. Đâu rồi những cá tính như tiếng máy kêu rào rào, tiếng côn hú, chiếc xe gằn lên mỗi lần xoắn mạnh tay ga... Yamaha Grande phản ứng hiền lành hơn những mẫu xe thế hệ cũ rất nhiều, nếu không muốn nói là lột xác. Êm như Honda, nhưng cảm giác cầm lái lại linh hoạt chứ không nhàm chán. Ở môi trường di chuyển đô thị, với tốc độ chậm, Grande phản ứng nhẹ nhàng sau mỗi cú nhích ga.
Khi đã đạt tốc độ 20-30 km/h, cầm lái Grande cho cảm giác lướt. Nhích thêm chút ga, chiếc xe dường như di chuyển theo quán tính nhiều hơn là cảm giác tác động vật lý vào tay ga. Sàn xe êm phẳng, không gằn gừ bởi độ rung động cơ và tốc độ. Ngay trên đồng hồ trung tâm, Grande báo mức tiêu hao nhiên liệu 1,6 lít xăng cho mỗi 100 km di chuyển. Thậm chí, với vóc dáng gọn nhẹ của Grande, nhiều người còn nhầm tưởng đây là xe điện.
Nhưng không lẽ, Yamaha đã "bán mình" để đi theo cá tính của Honda? Để kiểm chứng "bộ gene" thể thao đặc trưng của Yamaha vẫn còn đâu đó trong dòng sản phẩm mới, hai chiếc yamaha janus trang bị động cơ Blue Core 125 phân khối được lựa chọn cho hành trình dài hơn 600 km trải nghiệm.
Janus – mẫu xe mới nhất trang bị động cơ Blue Core của Yamaha. |
Khi ra mắt, janus được Yamaha gắn mác "nữ sử dụng". Nhưng trong chuyến hành trình được thoải mái lựa chọn xe, chúng tôi tin rằng những phẩm chất của Janus là hoàn toàn phù hợp, ít nhất là trong dòng xe tay ga đang bày bán tại thị trường Việt Nam. Janus có dáng ngồi cao hơn so với Grande hay Acruzo; vành xe kích thước lớn 14 inch; động cơ Blue Core thế hệ mới nhất mạnh hơn 1,2 mã lực; sức kéo tốt ở mức 9,6 Nm ngay tại vòng tua 5.500 vòng/ phút; trọng lượng xe nhẹ hơn đối thủ Honda Vision...
Nếu Grande là hiện thân của cô tiểu thư đỏng đảnh, Acruzo "nữ công gia chánh" thì Janus là cô nàng cá tính mạnh mẽ, ưa sự linh hoạt trong đủ điều kiện vận hành. Vẫn là khối động cơ Blue Core hiền lành, vận hành êm mượt trong phố thì khi bước ra đường trường với tốc độ cao, Janus cho phản ứng khá khác biệt. Tay ga Janus nhạy hơn so với Grande ngay từ dải tốc độ thấp, đúng chất bốc của Yamaha. Nhưng cảm giác bốc vẫn khá rõ rệt ở tốc độ tới 60 km/h. Ở tốc độ này, người lái vẫn cảm nhận rõ chiếc xe nhích lên theo từng nhịp vặn ga, đáp ứng khá tốt tốc độ mà người lái mong muốn.
Thậm chí trong điều kiện đường đèo dốc, Janus cũng không hề nao núng nếu người lái có kỹ năng tốt khi di chuyển đường đèo. Từng nhịp ga và tốc độ vẫn được điều phối ổn định, dẫu đây là chiếc xe ga đô thị, không dành cho đường trường với tốc độ cao liên tục.
Sau khi đến đích, chúng tôi nhận ra đây có lẽ là hành trình khắc nghiệt nhất với một chiếc xe tay ga đô thị. Động cơ hoạt động không ngừng nghỉ, tay ga siết chặt không ngơi, tốc độ hiếm khi xuống dưới 50 km/h (trừ lúc đổ xăng) trong tổng hành trình dài hơn 600 km từ Hà Nội đến TP Đồng Hới (Quảng Bình).
Video trải nghiệm hành trình Hà Nội – Quảng Bình cùng Janus:
Chiếc Janus số 1 ngốn hết 15,15 lít xăng (618,9 km). Chiếc số 2 ngốn hết 14,4 lít xăng (618,6 km). Vậy, trong điều kiện vận hành đạt ngưỡng "hành xác" tối đa, chiếc Janus số 1 cho ra thông số 2,44 lít xăng/100 km. Xe số 2 cho ra con số 2,32 lít xăng/100 km. Nhưng quan trọng hơn hết, hai chiếc Janus đã cho chúng tôi một hành trình an toàn, dẫu đây là một chiếc xe tay ga có giá chỉ 27,5 triệu đồng.
Không như eSP của Honda, Yamaha còn muốn Blue Core xuất hiện trên những mẫu xe thể thao cao cấp hơn. Mẫu xe côn tay thể thao FZ-S thế hệ mới cũng trang bị động cơ Blue Core, dung tích 150 phân khối đạt công suất 13,1 mã lực và làm mát bằng không khí. Thậm chí, logo động cơ Blue Core còn gắn trên phần mũi xe, thân xe, áo đấu và mũ của hai tay đua nổi tiếng đang dẫn đầu bảng xếp hạng Moto GP của đội đua Yamaha là Jorge Lozenzo và Valentino Rossi.
Quang Anh