Vấn đề đặt ra là, luật đã quy định không được thay đổi thiết kế của nhà sản xuất (khoản 2, Điều 55 Luật Giao thông đường bộ), song sự hiện diện của những chiếc xe “cải tiến” chỉ ra rằng đã có sự lỏng lẻo trong kiểm tra, xử lý...
Không khó để nhận diện các loại xe độ chế, nhất là dạng mô-tô 2 bánh. Càng không khó để tìm địa chỉ đáp ứng các nhu cầu “cải tiến” xe máy tạị nhiều khu vực ví dụ như ở Đà Nẵng. Qua giới thiệu của một tay chơi xe cổ, tôi chạy chiếc xe máy “nồi đồng cối đá” của mình đến một nơi sửa chữa xe máy kiêm độ xe, mổ xe ngay ngã ba Hoàng Diệu và Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng).
* Theo quy định tại khoản 2, Điều 55 Luật Giao thông đường bộ thì chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Chốn này là nơi mà dân độ xe thường xuyên lui tới vì nghe bảo những người thợ ở đây khá lành nghề và nhất là cái khoản “đục đẽo” chiếc xe theo ý chủ nhân. Vừa gặp, ông chủ tay chân lấm lem luyn bảo: “Sửa xe hay độ xe? Ở đây sửa cũng được mà độ cũng xong, chủ nhân thích thế nào thì con ngựa chiến ra như thế đó”. Rồi một dãy catalogue chế xe được trình bày bằng miệng: “Móc pô, xoáy nồng, đôn nòng, nâng đít?… Nói chung là thay đổi chiếc xe nguyên bản thành một “xe lai” thực sự.
Trong tiệm, những con xe quái đản là sản phẩm chứng tỏ đã qua các bậc thầy về chế, độ. Ông chủ cười: “Dân Việt mình sản xuất thì không được nhưng khả năng chế, độ, cải tạo thì thôi rồi. Mày không thấy trong thời kỳ chiến tranh các cụ của ta còn “độ” cả vũ khí, tên lửa để bắn máy bay địch à? Chiếc xe thì có gì mà không làm được chứ. Cứ giao xe cho anh, vài ngày chú mày quay trở lại chắc không nhận ra nữa đâu”.
Suy đi tính lại, tôi chuồn thẳng với lý do giá quá đắt mà trong bụng nghĩ thầm: “Xe của mình mà không nhận ra chắc khi “diễu phố” thiên hạ sẽ bắt hình dong mất?”.
Không chỉ những dòng xe phân khối lớn được chế, độ mà ngay Dream, Wave Tàu, thậm chí Cup 78, 79, cánh én hay Honda 67 cũng được “thay áo mới”, chế khung, sườn... Điều đáng nói, các xe độ chế thường gắn loại ống pô nổ đinh tai nhức óc. Hình dáng ấy, chở trên mình những thanh niên đầu xanh tóc vàng, phóng vù vù và nổ đinh tai nhức nhức óc… thì người đi đường nào không giật mình, thất vía?
Xe phân khối lớn đành rằng phải đi cùng với nó là còi lớn, pô lớn, và n thứ lớn khác…; song xe phân khối nhỏ cũng khá “học đòi”, còi cũng lớn, pô nổ cũng lớn… Chả thế mà có khi mua chiếc xe dăm bảy triệu, “gia cố” đủ bộ cho nó ra “đồ cổ” thậm chí tốn kém gấp nhiều lần giá trị của chiếc xe.
Lột “áo choàng”, móc pô.
Đường phố ở một số tỉnh thông thoáng, hiếm khi xảy ra kẹt xe hay đua xe tự phát. Song không phải không có cảnh khi dạo một vòng quanh phố phường để tận mắt cảm nhận nghệ thuật ánh sáng, nhiều người tham gia giao thông không khỏi thất vía, bạt hồn bởi những tiếng nẹt pô inh ỏi của các tay chơi “xế độ”. Và cũng từ tiếng nẹt pô kia, đã xảy ra một vụ án, một nhóm thanh niên đã đuổi theo ra tay không thương tiếc đối với chủ nhân của một chiếc xe độ.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có biện pháp thích hợp để quản lý về việc độ xe, chế xe, thay đổi kết cấu của xe… để đường phố không còn những nỗi ám ảnh cho những người tham gia giao thông đúng luật.
Nguồn: cadn.com.vn (nội dung đã được chỉnh sửa)
Có thể bạn quan tâm: