Từ xe nội đến xe nhập cũng bị làm giá
Vừa mới được bán ra thị trường, hai mẫu xe mới nhất của Honda là msx 125 và Vision đã được các đại lý hét giá cao hơn so với giá đề xuất khoảng 2 đến 3 triệu. Yamaha nozza grande được bán ra thị trường cách đây không lâu cũng có giá bán không đồng nhất giữa các đại lý. Tại Hà Nội, xe được bán đúng giá đề xuất, nhưng tại Sài Gòn, nhiều đại lý bán mẫu xe ga này với giá chênh tới gần chục triệu đồng.
Câu chuyện làm giá bắt đầu xảy ra từ cách đây khá lâu, nhưng để lại nhiều ấn tượng và bị làm giá nhiều nhất có lẽ là mẫu xe air blade của Honda. Vào khoảng năm 2010, một chiếc xe Air Blade có giá đề xuất của Honda khoảng 32 triệu đồng, tuy nhiên các đại lý kinh doanh xe tư nhân lẫn HEAD đều bán cao hơn nhiều triệu đồng, quanh mốc 37-38 triệu. Thậm chí có những thời điểm, mẫu xe này còn được bán với giá 50 - 60 triệu đồng đối với phiên bản đời đầu được trang bị phun xăng điện tử.
Những mẫu xe nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng đều rơi vào tình trạng bị làm giá, bất kể đó là sản phẩm của hãng xe nào. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi mẫu xe côn tay exciter của Yamaha cũng đã không ít lần được bán với giá cao hơn so với đề xuất từ hãng.
Không chỉ các mẫu xe sản xuất trong nước, nhiều mẫu xe nhập khẩu cũng được giới kinh doanh hét với mức giá trên trời, như trường hợp của Honda SH, Spacy… Một chiếc SH nhập khẩu từ Ý đời cũ có giá bán thậm chí tương đương với nhiều mẫu xe ô tô trên thị trường.
Lý giải của người kinh doanh xe
Khi được hỏi lý do vì sao các mẫu xe có giá bán cao hơn so với giá của nhà sản xuất đưa ra, câu trả lời quen thuộc của các đại lý là do hàng khan hiếm, nhu cầu mua cao. Một đại lý tại Sài Gòn từng nói về giá bán của mẫu xe Nozza Grande: “Nhu cầu mua xe tay ga của Yamaha cao hơn so với khả năng cung cấp nên đại lý có những điều chỉnh về giá bán để phù hợp với quy luật cung - cầu”. Đây là tình trạng thường xuyên diễn ra khi các mẫu xe mới được bán ra thị trường, không chỉ với Yamaha mà còn với một số hãng xe khác.
Tuy nhiên, có một điều khá mâu thuẫn cho lý giải trên của đại lý, đó là năng lực sản xuất của các hãng xe trong nước vượt xa so với nhu cầu của người tiêu dùng, do đó tình trạng thiếu, khan hàng hầu như khó xảy ra. Ngoài ra, theo một người có nhiều năm kinh doanh xe máy, đôi khi đây chỉ là chiêu trò của các đại lý, cố tình tạo ra một cơn sốt giả trên thị trường để hớt váng trong thời gian đầu, dù thực tế mẫu xe đó không có nhiều người mua.
Người mua cũng là nguyên nhân
Đối với những người mua xe máy, họ thường truyền miệng nhau rằng lô hàng đầu tiên bao giờ cũng có chất lượng chuẩn mực nhất. Lợi dụng tâm lý này, các đại lý kinh doanh xe đã cố tình tạo ra thông tin khan hàng để ép giá. Trong khi đó, nhiều người vì tâm lý trên nên giá bán cao vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua xe.
Người tiêu dùng cũng góp phần giúp các đại lý kinh doanh xe có cơ hội đẩy giá bán lên cao.
Cá biệt, có những khách hàng mua xe với giá cao hơn chỉ vì một chữ “sĩ”, để được tiếng chịu chơi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để các đại lý kinh doanh xe có cơ hội làm giá sản phẩm.
Vì vậy, để chấm dứt tình trạng làm giá từ các đại lý và bảo vệ quyền lợi của chính mình, mỗi người tiêu dùng cần phải là một người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những mẫu xe phù hợp với nhu cầu bản thân và đúng với giá trị thực của nó.
Nguồn: zing.vn
Có thể bạn quan tâm: