Bảo dưỡng thường xuyên vẫn phải đi kiểm định
Trao đổi với Đất Việt, ngày 26/5, xoay quanh “Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam cho biết: "Cục Đăng kiểm đã xây dựng một lộ trình thời gian hợp lý để triển khai từ năm 2018 khi kinh tế đã phát triển hơn.
Dựa trên nhiều yếu tố, ngoài tính kỹ thuật còn liên quan đến tính kinh tế và xã hội, liên quan đến hơn 40 triệu xe máy đang được lưu thông trên các tỉnh thành cả nước. Chỉ tính riêng, ở hai thành phố Hà Nội, TPHCM cũng đã có hơn 10 triệu xe.
Cục cũng đã tính toán để có bài toán khả thi, làm sao để vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa khả thi".
Theo ông Trí phân tích thì Cục dựa trên việc:
Thứ nhất, đầu tiên Cục cũng đã đưa ra các phương án xe trên 15 tuổi, trên 10 tuổi, trên 5 tuổi, chu kỳ kiểm định cũng được đưa ra phương án 1 năm hoặc 2 năm. Sau khi tính toán, lựa chọn thì Cục đã quyết định phương án xe trên 5 năm tuổi, chu kì kiểm định là 2 năm.
Thứ hai, khi thành lập đề án, Cục đã tham gia chương trình "Ngày hội xe máy", trong đó khảo sát mấy trăm xe, phân loại rất cụ thể, thì thấy kết quả, trong 5 năm đầu, lượng ô nhiễm của xe không vượt mức quy định, đặc biệt công nghệ nhà sản xuất hiện đại cộng với chất lượng nhiên liệu cũng như giải pháp công nghệ. Có nghĩa xe dưới 5 năm sử dụng không ảnh hưởng, gây ô nhiễm.
Đặt ra trường hợp nếu chủ xe thay thường xuyên các bộ phận lọc khí thì có phải đi kiểm định tại trung tâm nữa hay không, ông Trí phản biện: "Nếu thay bộ phận lọc khí thường xuyên, sau 5 năm vẫn hoạt động bình thường, nhưng vẫn phải kiểm tra, bởi vì làm sao biết đơợc chủ xe có thay thường xuyên, có biết thay chất lượng bộ lọc khí có tốt hay không?".
Từ trước đến nay, theo ông Trí, thông thường xe đưa vào gara cũng là mục tiêu kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đảm bảo vận hành, bảo dưỡng.
Xe máy sẽ phải gánh thêm phí kiểm định khí thải
Với mức phí được dự tính đưa ra là 100.000đ - 150.000đ/xe/1 lần kiểm định, ông Trí cho biết: "Đây cũng chỉ mới là mức dự kiến, sau này phí chính thức sẽ do chính phủ hoặc ủy quyền cho Bộ Tài chính ban hành".
Mức giá này, theo ông Trí phân tích thì bao gồm: Một là, tính mức hao phí thiết bị kiểm tra; Hai là, thời gian hao phí; Ba là, chi phí nhân công; Bốn là, chi phí các nhiên liệu, phụ kiện. Trên cơ sở đó tính giá bình quân, nhưng cũng có thể thay đổi tùy theo mức trượt giá của thị trường.
Phí này là trả cho doanh nghiệp trực tiếp kiểm định xe chứ không phải nộp ngân sách nhà nước.
Không có chuyện phí chồng phí
Nói thêm về đề án này, ông Trí cũng cho hay: "Cục sẽ không phải đơn vị trực tiếp tiến hành thu phí, Cục chỉ xây dựng đề án để đề xuất Bộ GTVT, Chính phủ ban hành văn bản; kèm theo đó là theo dõi, quản lý, công tác thu phí. Nhưng việc thu phí là các đơn vị kiểm định trực tiếp sẽ chịu trách nhiệm.
Có nghĩa là sẽ phải có các trạm kiểm định riêng cũng như trạm kiểm định ô tô, bây giờ thì sẽ có thêm trạm kiểm định khí thải xe máy".
Ban đầu, Cục đang dự kiến giao cho đại lý bán xe và bảo dưỡng của các hãng xe máy (HEAD) làm nòng cốt vì trên cơ sở tính toán lượng xe máy, các hãng như Honda, Yahama, Suzuki có các đại lý bảo dưỡng xe lớn đảm bảo yêu cầu về trang thiết bị và con người có thể kiểm tra khí thải xe và dán tem ngay, không chọn các đại lý không tên tuổi.
Trước vấn đề được đặt ra đó là, quy định này có đồng nghĩa với việc xe mới thì không phải đóng phí kiểm định, nhưng vẫn phải đóng phí bảo vệ môi trường qua giá xăng. Còn đối với xe cũ thì vừa mất tiền kiểm định khí thải, vừa mất tiền phí bảo vệ môi trường qua giá xăng, ông Trí lý giải: "Không thể hiểu như vậy, chắc chắn khi xe mới xuất xưởng đã có tem kiểm định khí thải, đã dán tem đảm bảo chất lượng".
Hơn nữa, thông thường phí đường bộ các nước cũng có 2 kiểu thu một là thu thường niên, hai là thu đầu phí xe mới. Cho nên, việc thu phí bảo vệ môi trường qua giá xăng dầu cũng là việc thu để phục vụ cho cơ sở hạ tầng liên quan từ hệ thống khác không riêng gì xe máy.
Mặt khác, trong vấn đề môi trường không chỉ nói nguyên vấn đề khí thải mà còn hệ thống quan trắc, hệ thống đảm bảo môi trường, hệ thống lĩnh vực khác trong vấn đề nhà máy sản xuát, cửa hàng cung ứng, vận chuyển trên tàu.
Phí kiểm định khí thải và phí bảo vệ môi trường là hai loại phí có thành phần thu phí khác nhau, không giống nhau. Bởi vì, người dân đóng phí môi trường để đầu tư nâng cao chất lượng sống, còn phí kiểm định xe cơ giới trả cho việc thực hiện kiểm soát khí thải để các xe không xả khói đen ra môi trường. Đó là biện pháp bảo vệ cho chính cuộc sống của chúng ta. Như chúng tôi từng kiểm soát khí thải xe bus thành công, đã giảm lượng khói đen của xe bus tại các đô thị lớn.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Trí cũng khẳng định, trong kế hoạch xây dựng văn bản, Cục cũng sẽ đề xuất xử phạt vi phạm hành chính với lỗi phương tiện không có tem kiểm định khí thải.
Trên hết, người dân cần thấy khí thải là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, rất nguy hại cho sức khỏe của người tham gia lưu thông tại các thành phố lớn, gây các bệnh đường hô hấp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Các nước khác trên thế giới cũng đã kiểm soát chặt chẽ khí thải của phương tiện ra môi trường nên chúng ta cũng cần có ý thức thực hiện vấn đề này.
Nguồn: Báo Đất Việt
Có thể bạn quan tâm: