Nở rộ moto taxi
Bến xe Mỹ Đình được đánh giá là một trong những điểm nhiều hãng moto taxi nhất trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Ngoài hàng trăm xe ôm tự do, cửa bến xe Mỹ Đình có 4 hãng moto taxi tập trung tại đây là Văn Minh, Thân Thiện, Hà Thành và Thành Phát. Đứng đối diện cổng nhìn vào, toàn bộ bên trái là chỗ của hãng xe Văn Minh, còn bên phải là nơi tụ tập của các hãng xe khác. Văn Minh là hãng có lực lượng xe và người lái đông nhất.
Ông Nguyễn Văn Lạng, cán bộ quản lý tại bến xe, cho biết, 2012 Hà Nội bắt đầu có moto taxi, đến nay có cả chục hãng. Tuy là mới nhưng các hãng này có chỗ đứng rất vững trên thị trường.
Tài xế biển số 29B1-44938 của một hãng xe cho biết: Lái xe tự đổ xăng và được đóng bảo hiểm (900.000 đồng/tháng). Anh đã ký hợp đồng 6 năm, trung bình mỗi ngày kiếm được 400.000 đồng, trong đó chỉ mất khoảng 50.000 tiền xăng, tiền trả công ty 120.000 đồng, tiền ăn và lặt vặt khác khoảng 30.000 đồng. Như vậy, mỗi ngày anh "bỏ túi" được 200.000 đồng. Nếu chăm chỉ, thu nhập mỗi tháng của anh được 6 triệu.
Các hãng moto taxi nở rộ tại Hà Nội
Anh cũng tiết lộ, ngoài bến xe Mỹ Đình, hãng của anh còn có mặt tại 3 điểm khác là Long Biên, rạp xiếc TƯ và bệnh viện Xanh-pôn. Lái xe nữ thường được ưu tiên đứng ở những điểm này vì dễ bắt khách và đỡ nắng hơn.
"Làm nghề này thoải mái thời gian nhưng hơi vất vả, chạy được nhiều thì càng được nhiều. Mùng 2/9 chạy được cả tiền triệu. Ngày nào chốt tiền ngày ấy, giao tiền cho đội trưởng. Từ 1/9 áp dụng quy định mới: dưới 220.000 đồng thì lái xe và hãng ăn chia theo tỉ lệ 50-50, 220.000-450.000 đồng thì 70-30, 450.000-700.000: 75-25. Chạy càng dài, càng được nhiều tiền", anh nói.
"Giá xe ôm taxi thường ở mức sau: 600m đầu tiên, giá 6.000 đồng; Km thứ 2 đến km thứ 6, giá 6.000 đồng/km; Km thứ 7 đến km thứ 12, giá 5.000 đồng/km; Km thứ 13 trở lên, giá 4.000 đồng/km. Đi 2 chiều, từ km 13 chiều về giảm 50% chỉ còn 2.000 đồng/km."
Nếu hãng moto taxi Văn Minh trang phục áo khoác không tay, mũ bảo hiểm, xe wave đều màu xanh lam thì hãng xe Thân Thiện lại có trang phục màu vàng và không đồng màu xe. Tuy nhiên, theo nhiều người ở bến xe, hãng này không có nhiều khách hàng bằng Văn Minh.
Ngoài ra, hai hãng moto taxi khác là Hà Thành và Thuận Phát cũng có 4,5 lái xe thường trực tại địa điểm trên.
Dịch vụ màu mỡ
Nếu trước đây, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở bệnh viện Bạch Mai phải nhào ra đường Giải Phóng vẫy xe, đối mặt với việc hét giá, ép giá, lừa bán thì nay, ngay tại cổng chính bệnh viện, phía bên tay trái có hàng chục xe ôm của hãng xe moto taxi Nam Minh đứng đợi khách. Những chiếc xe xếp thắng hàng, quy củ, mặc đồng phục luôn sẵn sàng.
Một lái xe của hãng cho biết: Tại điểm đỗ, hãng có nội quy, quy chế riêng, không có kiểu tranh giành khác, tự ý tăng giá. Để đảm bảo mức sống cho anh em và cạnh tranh được với các hãng khác, hãng, Nam Minh phải mở đồng loạt hàng chục dịch vụ như: đưa đón hành khách, chuyển phát nhanh bưu phẩm công văn, đưa đón học sinh, vận chuyển hàng hóa...
Dịch vụ nở rộ vì tính chuyên nghiệp
Thử xin làm một tài xế cho hãng Văn Minh, PV lo ngại sẽ gặp khó vì là nữ giới. Nhưng trái với suy nghĩ ấy, tôi nhanh chóng được hỏi thông tin cá nhân để nhận vào làm. Quản lý ở đây chủ động xin số điện thoại, hứa sẽ ưu tiên nơi đông khác, địa điểm làm việc tốt hơn và ngay lập tức sẽ giao xe.
Không chỉ hãng Văn Minh liên tục tuyển lái xe, hãng xe Nam Minh cũng tuyển nhiều nhân viên với những điều khoản tương đối tốt, như: thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng; được đóng BHXH; được trang bị xe, mũ bảo hiểm, đồng phục; được cấp xăng chạy hàng ngày...
Anh Mạnh, một nhân viên công ty, chia sẻ: "Thời gian đầu mới chạy ở bến Mỹ Đình, người đi còn chưa biết nên bọn em cũng vắng khách. Giờ thì khách chủ động tìm đến mình, có ngày chạy không hết". Những chiếc taxi ôm này cũng không sợ phải cạnh tranh với cánh xe ôm. "Các chú, các anh cũng không gây khó dễ gì cho tụi em cả. Mọi người đỗ ngoài cổng, bọn em thì chỗ trong bến. Ai làm việc người nấy... ", nhân viên công ty Nam Minh nói.
Nguồn: vef.vn
Có thể bạn quan tâm: