yamaha vmax trong bản độ cổ điển đậm chất Hungary
Đã có thời chúng ta nghĩ rằng Jakusa Design chỉ tạo ra những cỗ máy ảo đẹp ấn tượng khiến trái tim ta thổn thức. Song chiếc xe trong câu chuyện dưới đây lại là một điều hoàn toàn khác. Yamaha vmax đã được nhào nặn thành một cỗ máy mang hơi hướng của chiếc xe máy cổ điển Hungary mang tên Pannonia P5.
Pannonia là mẫu xe máy quốc gia của Hungary và là một tên tuổi mới thay thế cho Csepel nhằm thu hút những thị trường Châu Âu khác. Bắt đầu sản xuất vào năm 1954 tại Budapest, nhà máy của Pannonia chỉ sản xuất khoảng gần 1 triệu chiếc trong suốt thời gian hoạt động của mình.
Một mẫu Pannonia còn lại đến ngày nay.
Sản xuất bị tạm dừng năm 1975 sau khi Liên Xô, với quyền năng kiểm soát các quốc gia trong khối Cộng sản, đã ra lệnh hãng đóng cửa cùng với những dự án khác dành cho Hungary. Tuy nhiên, xe máy Pannomia vẫn là một mốc son của thời kỳ đó, đặc biệt với thành tích chiến thắng giải đua 24 giờ Bol D’Or năm 1956.
Với chút kiến thức về lịch sử tuy ngắn ngủi nhưng huy hoàng của Pannomia, chúng ta sẽ hiểu hơn về phiên bản tái hiện của Tamas Jakus về một chiếc xe cổ điển bằng việc sử dụng một mẫu xe hiện đại nhưng độ nổi tiếng không hề kém cạnh là Yamaha VMAX.
Cùng sự trợ giúp của Life Motors, Jakusa Design đã thành công trong việc pha trộn 2 thế giới trong một mẫu xe vừa mang hơi thở cổ điển, vừa nắm giữ giá trị hiện đại. Sản phẩm của Jakusa được đánh giá là có sức mạnh thôi miên ngay cả với những người không phải là fan hâm mộ của những chiếc xe cổ điển.
Tamas Jakus bên tác phẩm của mình
Quá trình lắp ráp có sử dụng một số bộ phận lấy từ những chiếc xe cổ gồm đèn pha cổ mang tính biểu tượng, đánh lửa mỏ gà và cụm đồng hồ đơn. Lớp ốp hông cũng hài hòa với thiết kế của Pannomia, thể hiện ở chi tiết 3 dòng kẻ ngang màu đỏ trứ danh của P5.
Động cơ VMAX nằm trong phân khung của Yamaha đã được cải biến một chút để phù hợp với mục đích sử dụng. Phần vỏ che giảm xóc sau cũng được thiết kế theo kiểu cổ điển.
Một yếu tố khác gợi nhớ về cỗ máy trong quá khứ là yên xe đôi phẳng bọc da và bình xăng độ. Nét cổ điển còn toát lên ở trang bị tay lái kiểu cần kéo drag bar và bộ kẹp hàng “thửa” với chức năng đảm bảo khả năng cơ động cho ‘con quái vật’ 200 mã lực này. Bộ đèn LED cũng được thiết kế theo kiểu tối giản để phù hợp với tổng thể, không làm mất đi phong cách retro của xe.
Cuối cùng, bộ ống xả 4 pô của VMAX đã được thay thế bằng một cụm xả đôi thể thao hơn ở sườn phải của xe.
Nguồn: Autopro.com.vn
Có thể bạn quan tâm: