Audi TT thừa hưởng công nghệ mang tên ASF (Audi Space Frame) mà nhà sản xuất thuộc Volkswagen phát triển từ những năm 1990 trên A8. Tuy nhiên, thân của TT lần đầu tiên được ứng dụng ASF trên cơ sở cấu trúc hỗn hợp (hybrid construction), gồm những bộ phận nhôm và thép không gỉ nối với nhau một cách tinh vi.
Giải thưởng này dành cho những nhà nghiên cứu phát triển làm việc tại Audi, bởi họ một lần nữa cống hiến cho ngành công nghiệp ôtô thế giới một sản phẩm cấp cao và những sáng chế thiết thực. Nó cũng cho thấy tại sao Audi luôn dẫn đầu về khả năng chế tác thân xe.
Cấu trúc thân của Audi TT. Vùng trắng là nơi Audi sử dụng thép không gỉ. Ảnh: Audi. |
Công nghệ ASF sử dụng những bộ phận phụ làm từ nhôm tấm gắn chết với nhau thông qua mối đúc chết. Các thành phần trong không gian khung ASF có hình dạng rất phong phú và mặt cắt của chúng được thiết kế tùy thuộc vào chức năng giống như các thanh giằng ở khung sườn người. Chúng được chế tạo, sắp xếp theo một trật tự để hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời giảm trọng lượng xuống mức thấp nhất có thể.
*'Người vận chuyển' Audi R8 |
*'Viên kim cương' Audi TT |
*Audi Q7 - quà biếu cho các ngôi sao bóng đá |
Trên mẫu TT mới, Audi phát triển công nghệ ASF lên mức cao hơn bằng cách bổ sung vật liệu thép không gỉ có độ bền cao trong hợp kim. Nhôm vẫn chiếm phần lớn trong các bộ phận, tương đương 69% khối lượng thân xe. Tuy nhiên, ở các bộ phận sàn sau và khoang hành lý, Audi dùng thép không gỉ để tạo nên sự phân bố trọng lượng một cách tối ưu. Do động cơ của TT đặt trước nên để cân bằng trọng lượng trước - sau, các kỹ sư phải chế tạo phận đuôi bằng thép (nặng hơn nhôm) nhằm giúp xe vận hành êm ái và hiệu quả hơn.
Tổng khối lượng khung Audi TT nặng khoảng 206 kg trong đó nhôm chiếm 140 kg còn 66 kg là thép không gỉ. Các bộ phận nhôm tấm nặng 63 kg, nhôm đúc nặng 45 kg và 32 kg nhôm mảnh. Khung sườn mới mà Audi áp dụng trên TT được đánh giá là hoàn hảo cho một chiếc xe thể thao. Độ cứng xoắn của nó cao hơn khoảng 50% so với phiên bản Coupé trước và 128% so với mẫu Roadster. Ngoài ra, những bộ phận đúc có độ đàn hồi tốt được sử dụng tại các điểm phải chịu lực cục bộ cao và cần tính đa chức năng. Một ví dụ là vị trí giao nhau trên trục A được làm từ vật liệu bền bỉ bởi đây là nơi trục A nối với trục ngang của kính chắn gió và mui xe.
Audi đang hưởng lợi từ những kinh nghiệm quý giá mà họ tích lũy được trong quá trình chế tạo thân xe. Công nghệ nối giữa hai bộ phận trên thân Audi được tiến hành theo nhiều phương pháp khác nhau như tán đinh, dập và nối. Ngoài những cách ghép thông thường, Audi sáng tạo nên phương pháp ghép nối không điểm, được tiến hành vào thời điểm gắn trần xe và khung cửa khi hàn bằng tia laser. Kỹ thuật này cho phép tăng cảm giác dễ chịu khi ngồi trên Audi TT do thân xe giảm đến mức tối thiểu độ rung.
Đây là lần thứ 2 Audi nhận giải EuroCarBody, lần đầu tiên vào năm 2003 nhờ công nghệ ASF mà hãng này áp dụng trên chiếc hạng sang cao cấp A8.
Trọng Nghiệp (theo WCF)