Một thanh niên 22 tuổi bị ám ảnh bởi tốc độ và khả năng mình có thể thay đổi cả thế giới. Một tay nghề bậc thầy hiểu rõ về sự năng động của loại động cơ đốt trong mới. Đặt những hình ảnh này cùng nhau kèm theo tầm nhìn đi trước thời đại, người ta hình dung ra một người luôn tin rằng không gì là không thể. Đó chính là Walter Owen Bentley (W.O. Bentley) - người tạo ra huyền thoại từ chính tên tuổi của mình.
Tranh tài ở đường đua Isle of Man hay đường đua mới mở lúc đó là Brooklands giúp W.O. Bentley thỏa mãn niềm đam mê tốc độ, nhưng vẫn không thể giải tỏa "cơn khát" về sức mạnh. Điều thứ hai chỉ đến vào năm 1912, khi ông cùng anh trai H.M. Bentley nắm quyền điều hành đại lý tại Anh của DFP, một hãng sản xuất xe Pháp.
Tay đua huyền thoại của Bentley, TIm Birkin trên đường đua Le Mans năm 1930. |
Xe của DFP không nhanh, nhưng được Bentley tăng sức mạnh nhờ sử dụng loại piston nhẹ hơn với 12% là đồng và 88% nhôm. Nhờ thế, xe DFP vài lần giành chiến thắng trên đường đua Brooklands. Anh em nhà Bentley sau đó thuyết phục DFP trang bị piston nhôm trên xe sản xuất hàng loạt.
Chiến thắng và thất bại
Sau chiến tranh, Bentley tiếp tục thực hiện tham vọng cho ra đời mẫu xe mang chính tên mình. Tháng 8/1919, ông lập ra Bentley Motors Ltd. Số vốn cổ phần danh nghĩa là 200.000 bảng (khoảng 312.000 USD), nhưng tài khoản ngân hàng chỉ có 18.575 bảng (khoảng 29.000 USD).
Vốn là một tay đua, những sản phẩm đầu tiên của Bentley đều tham gia các cuộc đua ở châu Âu, trong đó có 4 lần giành chiến thắng tại đường đua 24 Hours of Le Mans từ năm 1923 cho tới lúc công ty bị chuyển đổi vào năm 1931.
Bentley đã sớm nhận ra thị trường hạn hẹp của xe thể thao và xe đua. Và để thành công, công ty của ông phải làm ra những mẫu xe dùng để đi lại hàng ngày. Vậy là Bentley Motors Ltd. sản xuất những bộ khung gầm thích hợp với những loại thân xe phù hợp với thị hiếu của giới khách hàng nhà giàu. Mẫu cuối cùng của dòng xe này trang bị động cơ 8 lít 8 xi-lanh. Ngoài những chiếc xe thể thao, động cơ loại "khủng" này còn được trang bị cho những mẫu limousine, xe chạy đường dài và kiểu xe 2 cửa. Đó cũng là thời điểm Bentley trở thành đối thủ chính của Rolls-Royce và những hãng xe hạng sang khác của Anh.
Tuy nhiên, chưa kịp lên đỉnh, Bentley đã tụt dốc. Cuộc Đại Khủng hoảng (Great Depression) dường như nhắm thẳng vào Bentley Motors Ltd. và dòng xe sang mới ra đời. Thiếu vốn ngay khi mới thành lập, đến tháng 6/1931, khi mới chỉ bán được 67 trong số 100 bộ khung gầm mới, các khoản nợ của công ty khiến ngay cả người tài trợ lớn nhất là Woolf Barnato cũng phải đầu hàng.
|
Sau Thế chiến II, dưới sự sở hữu của Rolls-Royce, Bentley sản xuất xe tại nhà máy Crewe. |
Bentley Motors Ltd. chuẩn bị thuộc về một hãng có tên Napier, đến mức Bentley đã thảo luận với những người điều hành mới về một mẫu xe thể thao dùng trục cam kép trên nắp máy. Nhưng một tập đoàn bí ẩn tự xưng British Equitable Trust Ltd. đưa ra cái giá 20.481 bảng (32.032 USD). Kẻ thứ 3 hành động như một hãng vô danh. Nhiều ngày sau, Bentley mới biết đó chính là Rolls-Royce.
Một hãng mới được thành lập, vẫn giữ tên Bentley Motors (1931) Ltd., nhưng là hãng con của Rolls-Royce. W.O. Bentley được giữ lại như một nhân viên thường và chẳng còn mấy ảnh hưởng tới việc thiết kế xe mới dù nó vẫn mang tên ông. Vô cùng chán nản, Bentley rời đi khi đến kỳ gia hạn hợp đồng vào năm 1935 và sang cộng tác với Lagonda. Ở đó, ông thiết kế LG6 và V12 rồi làm việc tại Aston Martin-Lagonda cho tới khi nghỉ hưu.
'Sự trở lại của nhà vua'
Thế chiến II hủy hoại ngành công nghiệp phức hợp của nước Anh. Rolls-Royce cũng chịu chung số phận. Từ khủng hoảng tài chính vào những năm 1960, Rolls-Royce tụt dốc thảm hại vào năm 1971. Chính phủ Anh quốc hữu hóa toàn bộ công ty và giao nó cho hãng quân đội Vickers vào năm 1980.
17 năm sau, không thể vực dậy Rolls-Royce, Vickers mang ra rao bán. Ngay lập tức, 3 ông lớn của Đức là BMW, Mercedes và Volkswagen đua nhau giành quyền sở hữu. Cuối cùng, năm 1998, Volkswagen trở thành hãng mẹ của Bentley và một phần nhà máy Crewe, còn BMW mua Rolls-Royce. Thất bại hoàn toàn, Mercedes phục thù bằng cách gây dựng lại Maybach để đối chọi.
Đường ai nấy đi sau 67 năm chung sống, Bentley và Rolls-Royce lại giống như 2 kẻ xa lạ và tiếp tục trở thành đối thủ cạnh tranh. VW tuyên bố rót một tỷ đô để vực dậy Bentley. Chiếc concept Junaudieres ra mắt ở triển lãm Geneva 1999 và chứng minh một bước tiến trong hướng đi mới. Năm 2001, Bentley trở lại với Le Mans rồi lại rời bỏ vào 2 năm sau. Bentley Azure 2006 đánh dấu sự hồi sinh thực sự của Bentley.
Bentley không chỉ tập trung vào dòng siêu sang với sự góp mặt của Azure hay Mulsanne. Hãng này còn có những mẫu liệt vào siêu xe như Continental GT hay GT Speed. Đỉnh nhất là chiếc SuperSport. Mẫu Continental Flying Spur là sản phẩm chủ lực trên thế giới và cũng là mẫu Bentley được ưa chuộng nhất tại Việt Nam. Với nhiều người Bentley Continental Flying Spur phù hợp bởi cao cấp hơn các dòng Mercedes S-class, BMW serie 7 hay Audi A8 nhưng lại không quá đắt như Rolls-Royce.
|
Một trong những thước đo giá trị của Bentley là sự sủng ái của những khách hàng đẳng cấp. Trong ảnh, Nữ hoàng Anh chuẩn bị bước lên một chiếc Bentley limousine. |
Giá trị và đẳng cấp
Không chỉ một, mà nhiều đặc điểm không thể nhầm lẫn giúp phân biệt một chiếc Bentley. Xe được lắp ráp bằng tay với nhiều chi tiết thủ công làm từ các loại vật liệu hảo hạng. Thiết kế khác biệt. Sức mạnh vượt trội... Tất cả kết hợp với nhau tạo nên thương hiệu hàng đầu thế giới.
Trên Bentley Mulsanne, những đường chỉ viền trên da bọc ở vô-lăng được khâu bằng tay, gỗ ốp cũng do các kỹ sư và nghệ nhân tự thực hiện. Tất cả các ngăn hành lý, bao gồm ngăn đựng iPhone, bao tay và túi xách, đều bọc da. Với gỗ ốp, khách hàng có thể chọn từ nhiều loại gỗ chất lượng cao và đắt tiền, mang lại vẻ đẹp mộc rất tự nhiên, gồm gỗ cây óc chó, gỗ sồi, ô-liu...
Ngoài ra, 6 lần thành công trên đường đua Le Mans còn khiến Bentley có ý nghĩa hơn cả một chiếc xe, đó là tinh thần, sự tinh tế, lòng can đảm và trí thông minh bản năng.
Ảnh chi tiết Bentley Mulsanne tại Việt Nam |
Video quy trình chế tác thủ công nội thất Bentley Mulsanne |
Minh Thủy