Chiếc xe đắt nhất tại các kỳ bán đấu giá đến nay thuộc về ferrari 250 GTO đời 1962, ở mức 38,115 triệu USD tại Bonhams The Quail 2014. Ferrari chỉ sản xuất 39 chiếc 250 GTO. Trong danh sách 10 xe đấu giá đắt nhất, có tới 8 xe của Ferrari. Nguyên nhân nào khiến những mẫu xe cũ của Ferrari luôn bán giá cao ngất ngưỡng, mà không phải là Lamborghini hay McLaren?
Dẹp hết các con số 0 phía sau mức giá sang một bên, để mua một Ferrari đấu giá nhiều khi còn dễ dàng hơn mua những chiếc Ferrari mới. Thực tế, một người mua xe Ferrari thường diễn ra theo các bước như tìm thấy một mẫu xe ưa thích, đặt tiền, sau đó đợi và đợi, cuối cùng phải mua trước một chiếc Ferrari cũ.
Ferrari 250GTO - Chiếc xe đáng giá gần 40 triệu USD. |
Cực kỳ hiếm trường hợp đại lý gọi cho khách hàng với những mẫu xe tiềm năng mới, Ferrari chỉ sản xuất 7.000 xe mỗi năm. Những cuộc gọi thường diễn ra trước khi xe từ Italy chuyển tới đại lý ở các nước, vì thế người mua tiềm năng hầu hết đồng ý mua xe mà chưa tận mắt nhìn thấy. Nếu bỏ qua lời đề nghị từ đại lý, có nghĩa là đã hết cơ hội mua một chiếc Ferrari mới, cho tới khi nào nhận cuộc gọi khác từ Ferrari.
Phương pháp bán hàng lạ lẫm của Ferrari trở thành huyền thoại như chính những cỗ máy của hãng, tạo ra thị trường riêng biệt trong ngành công nghiệp ôtô, khiến giá trị bán lại của những siêu xe qua sử dụng cao ngất ngưởng.
Sự khan hiếm là nguồn gốc của phương trình lợi nhuận. Ferrari không bao giờ sản xuất quá nhiều xe. Năm ngoái, Fiat, hãng mẹ của Ferrari giảm sản lượng của siêu ngựa xuống khoảng 5%, sản xuất ít hơn 7.000 xe. Ngược lại, doanh thu lại tăng 5% và lợi nhuận tăng 9%. Ferrari dường như rơi vào điểm cắt của đồ thị đường cung cầu, giá mỗi xe tăng lên 334.000 USD từ mức 301.000 USD.
Các đại lý thường kiếm lợi nhuận từ xe cũ cao hơn so với xe mới, họ cũng kiểm soát danh sách khách hàng đợi với mẫu xe mới. Vì thế tất cả khách hàng trong danh sách chờ đều được khuyên, hoặc ít nhất là khuyến khích, trước tiên hãy mua một chiếc Ferrari đã qua sử dụng.
Đó là cách hoạt động được tiết lộ từ Joe Adans, chủ tịch câu lạc bộ Ferrari Mỹ với khoảng 5.500 thành viên. Adams, doanh nhân trẻ ngành công nghệ tại Indianapolis, mua 3 chiếc Ferrari đã qua sử dụng trước khi "cưới" cho mình một siêu xe mới. Lần mua bán cuối cùng của anh vào năm 2011, là một chiếc 458 Italia, có mức giá từ 225.000 USD.
"Để chắc chắn bạn có thể mua xe, thì bạn phải nằm trong top 50 danh sách đợi", anh cho biết. "Tôi mất 20 năm để lọt vào top 20".
Không phải ai có tiền cũng mua được LaFerrari. |
Hầu hết những khách hàng mua xe không biết mình ở thứ hạng nào trong danh sách, và những người muốn mua một chiếc Ferrari mới có thể lập tức bỏ thêm 30.000 USD hoặc 50.000 USD, Adams cho biết. Đó là chi phí nếu không muốn mãi ở trong danh sách chờ, nó trở thành lợi nhuận của đại lý.
Không chỉ có một danh sách chờ, mà có tới 2. Danh sách thứ 2, lưu giữ tại trụ sở Ferrari ở Maranello (Italy). Để có trong danh sách, một người ít nhất phải sở hữu 5 siêu ngựa, một trong số đó phải là bản sản xuất giới hạn. Những khách hàng tiềm năng này được mời tới lễ ra mắt những mẫu xe đặc biệt như LaFerrari, chỉ sản xuất 500 chiếc, và có thể đặt hàng trực tiếp với hãng.
Adams cho biết hầu hết những chiếc Ferrari không khấu hao trong 2 năm. Xe bắt đầu khấu hao từ năm thứ 3 tới năm thứ 9. Cuối cùng, khi vượt ngoài thời gian khấu hao, căn cứ vào tính hạn chế hay phổ biến mà xe sẽ có giá phù hợp. Nếu là người biết tính toán, nhiều người có thể mua một chiếc Ferrari, lái 10 năm và bán về cùng một số tiền đó, chi phí duy nhất là bảo dưỡng.
Vậy, thực sự Ferrari đáng giá vì điều gì? Hầu hết các nhà kinh tế và sử học cho rằng, giá trị đến từ độ hiếm có, xu hướng hiện tại và thị hiếu của những khách hàng đặc biệt giàu có. Ngắn gọn, thì giá trị đó đến từ mức giá mà người mua sẵn sàng trả.
Nhà kinh tế David Galenson đến từ đại học Chicago lại cho rằng, giá trị xuất phát từ tính sáng tạo khi chiếc xe được sản xuất từ ban đầu, và công việc đó ảnh hưởng thế nào đến xu thế trong tương lai.
"Bất cứ ai cho rằng sự khan hiếm tạo ra giá trị là một kẻ ngốc", ông nói. "Có rất nhiều thứ hiếm có trên cuộc đời này và chúng chẳng có giá trị gì cả. Nhưng nếu bạn đưa tôi một khoản tiền lớn, tôi sẽ chỉ cho bạn tác phẩm quan trọng của một nghệ sĩ tài hoa".
Sức sáng tạo chính là giá trị của chiếc siêu xe cũ. |
Theo lập luận của Galenson, giá trị của Ferrri 250 GTO không đến từ sự hiếm hoi của nó, mà đến từ đẳng cấp chiếc xe thể hiện khi ra đời năm 1962, và đến từ cái cách Enzo và đội ngũ của ông khiến cả giới thiết kế siêu xe sau này cố đi theo những đường cong đó.
"Tôi không nghĩ rằng những người bỏ ra cả núi tiền để mua xe đấu giá là kẻ ngốc", Galenson nói. "Chiếc xe này có giá trị vì nó đại diện cho sự đổi mới".
Đức Huy (theo businessweek)