Spirit of Ecstasy do Charles Robinson Sykes thiết kế năm 1911, dành riêng cho mẫu Silver Ghost, tiêu biểu cho nghệ thuật chế tạo ôtô thời đó. Spirit of Ecstasy vốn lấy nguyên mẫu từ Eleanor Thornton, một phụ nữ có sắc đẹp mê hồn, thông tuệ và hài hước, có một mối tình bí mật kéo dài 10 năm với chính ông chủ của mình, John Walter Edward-Scott-Montagu.
Montagu đặt hàng nhà điêu khắc Charles Robinson Sykes, bạn ông, một biểu tượng đặc biệt để gắn lên chiếc xe riêng Rolls-Royce Silver Ghost. Tác giả đã chọn chính Eleanor Thornton làm người mẫu và đặt tên cho cho tác phẩm của mình là Whisper (Lời thì thầm). Bức tượng nhỏ mô tả một phụ nữ trẻ, vạt áo bay trong gió, vươn mình về phía trước.
Biểu tượng trên chiếc Rolls-Royce chính hãng duy nhất tại Việt Nam. Nó có thể thụt vào trong bằng một nút bấm đặt ở khoang để đồ ghế phụ. |
Noi gương Montagu, lãnh đạo hãng Rolls-Royce yêu cầu Charles Sykes tạo ra một biểu tượng có thể tô điểm cho bất kỳ chiếc Rolls-Royce Silver Ghost nào. Tháng 2/1911, Spirit of Ecstasy ra mắt. Thuật ngữ Spirit of Ecstasy không phổ biến bằng cái tên Emily, còn người Mỹ thường gọi là Silver Lady hay Flying Lady.
"Spirit of Ecstasy có lẽ là biểu tưởng xe hơi được yêu thích nhất, sự duyên dáng tô điểm cho những mẫu xe quá khứ và hiện tại của Rolls-Royce", Müller-Ötvös, chủ hãng Rolls-Royce nói.
Spirit of Ecstasy được chế tạo bằng một phương pháp cổ xưa là đổ khuôn sáp ong, dẫn đến kết quả không có biểu tượng nào giống nhau tuyệt đối. Sykes, với sự trợ giúp của con giá ông là Jo, đảm trách việc sản xuất Spirit of Ecstasy trong nhiều năm. Ở chân mỗi sản phẩm, ông cho khoan dòng chữ "Charles Sykes, February 1911" hoặc "Feb 6, 1911", đôi khi chỉ đơn giản là "6.2.11". Năm 1948, công việc được giao lại cho Rolls-Royce nhưng các biểu tượng vẫn tiếp tục được đánh dấu như thế cho tới năm 1951.
Trong khoảng thời gian từ 1911 tới 1914, Spirit of Ecstasy được mạ bạc, dẫn tới sự nhầm tưởng rằng nó làm từ kim loại quý và trở thành món mồi cho những tay chôm chỉa. Bức điêu khắc này đã đứng vững ở vị trí ban đầu của nó cho tới tận ngày nay, trên các kiểu xe hiện đại như chiếc Rolls-Royce Phantom, kích thước nhỏ hơn, bằng hợp kim mạ kền.
Qua nhiều năm, bức tượng nhỏ của Sykes đã có nhiều thay đổi. Trên những xe Rolls-Royce chế tạo tại nhà máy ở Springfield, Mỹ, biểu tượng này vươn mình nhiều hơn về phía trước, tránh làm vướng nắp ca-pô khi mở lên. Bản thân Royce, người sáng lập ra hãng xe không thích Spirit of Ecstasy, ông cho rằng nó chỉ làm một món đồ trang sức rẻ tiền, chạy theo mốt. Royce phàn nàn bức tượng nhỏ này làm vướng tầm nhìn phía trước. Việc hãng xe hơi Anh đặt hàng biểu tượng này diễn ra trong lúc Royce đang nghỉ ốm. Chính vì vậy, riêng những chiếc xe chính hãng do Royce sở hữu không hề xuất hiện biểu tượng Spirit of Ecstasy.
Vào cuối thập kỷ 20, thiết kế kiểu mới làm thân xe hơi được hạ thấp hơn. Royce nhanh chóng nghĩ đến việc tạo ra một biểu tượng Spirit of Ecstasy thấp hơn. Sykes đã đáp ứng được yêu cầu này với một bức tượng có chân quỳ. Sau Thế chiến II, nó được sử dụng cho các xe Silver Wraith và Silver Dawn. Tuy nhiên, tất cả những mẫu sau đó đều trở lại với biểu tượng cũ, có kích thước giảm xuống đáng kể.
Vào 1920, Roll-Royce mang Spirit of Ecstasy đến Paris tham dự một cuộc thi các biểu tượng được yêu thích nhất trên thế giới. Bức tượng Spirit of Ecstasy mạ vàng đã mang lại cho hãng vị trí số một. Kể từ đó, các phiên bản mạ vàng của Spirit of Ecstasy trở thành một trong những lựa chọn dành cho khách hàng.
* Lễ hội kỷ niệm 100 năm Spirit of Ecstasy |
Thế Hoàng