Chương trình tạo số VIN do tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ISO (International Standards Organization) khởi xướng vào năm 1980 nhằm tiêu chuẩn hóa số serie của xe. Những loại xe sản xuất trước năm 1981 không theo tiêu chuẩn toàn cầu và chúng đòi hỏi phải có những thông tin đặc biệt từ phía hãng sản xuất để giải mã.
Vậy điều gì làm nên sự khác biệt đáng giá ở những chiếc xe thời ISO? Đơn giản vì ý tưởng của tổ chức này giúp một chiếc xe không bị làm giả thành chiếc khác. Nếu biết cách đọc, số VIN sẽ cung cấp cho khách hàng nhiều thông tin hơn những gì họ vốn muốn biết.
Theo tờ Driver Side, giải mã số VIN là cách dễ dàng để đảm bảo khách hàng không bị đánh lừa khi đi mua xe. Chẳng hiếm người trả tiền cho một chiếc Cobra phiên bản đặc biệt nhưng thực tế đó chỉ là chiếc Mustang làng nhàng, thậm chí phải vác về một đống sắt vụn đã được tân trang.
Bước 1: Tìm VIN
Những vị trí có thể tìm thấy số VIN. Ảnh: American classic cars. |
Phần lớn những loại xe mới đều có số VIN gắn chỗ cần gạt nước và rất dễ đọc dù có hơi nhỏ. Tùy thuộc vào năm và giá thành của chiếc xe mà khách hàng đang nhắm tới, những miếng thẻ ghi số VIN có thể làm bằng nhôm hoặc nhựa rẻ tiền và đều được tán chặt, vì thế việc tháo bỏ chúng không hề dễ dàng.
Thường số VIN được tìm thấy ở chỗ cần gạt nước, chắn bùn hoặc phần phía trước của động cơ. Ở những mẫu xe sản xuất hạn chế hay xe thể thao đắt tiền, số VIN có thể nằm ở ngay bậc cửa hoặc chắn bùn.
Bước 2: Chia phần
Số VIN được chia thành 6 phần, tương ứng với các màu. Ảnh: Serious Wheels. |
Nhà sản xuất/Mẫu mã: (ba chữ số đầu tiên).
Đặc tính xe: (chữ số từ 4 đến 8) giúp nhận dạng những đặc điểm riêng của mẫu xe như các trang bị hay tùy chọn đặc biệt...
Xác minh: (chữ số thứ 9) xác định thông qua một công thức toán học phức tạp về những mối liên quan tới các chữ số khác trong VIN, được sử dụng để nhận dạng chính số VIN này là thật hay giả.
Năm sản xuất: (chữ số thứ 10) hiển thị đời xe, không nên nhầm lẫn giữa năm sản xuất với năm chiếc xe được bán ra hay giao tới tay khách hàng.
Nhà máy lắp ráp: (chữ số thứ 11) một con số mang tính nội bộ cho biết nơi chiếc xe được lắp ráp.
Dãy số thứ tự của mẫu mã: (chữ số từ 12 đến 17) đây chính là số serie của xe.
Chú ý: số VIN không bao giờ chứa những chữ cái I, O hoặc Q bởi chúng trông giống số 1 và 0.
Bước 3: Giải mã nhà sản xuất
Ở đây, lấy ví dụ là số VIN trong hình trên: 1ZVHT82H485113456
Nhà sản xuất của chiếc xe hiển thị ở ba chữ số đầu tiên: 1ZV.
Trong đó, số đầu tiên luôn là quốc gia của hãng sản xuất. Có thể dựa vào danh sách sau để xác định cụ thể:
Mỹ: 1, 4 hoặc 5
Canada: 2
Mexico: 3
Nhật Bản: J
Hàn Quốc: K
Anh: S
Đức: W
Italy: Z
Thụy Điển: Y
Australia: 6
Pháp: V
Brazil: 9
Kiểm tra hai chữ số phía sau, có thể biết được hãng sản xuất. Chữ F là dành cho hãng Ford hoặc G là của GM. Ví dụ, 1GC có nghĩa xe tải Chevrolet của hãng General Motors, còn 1G1 dành cho xe dân dụng Chevrolet.
Với ba chữ số 1ZV ở ví dụ bên trên, đó là mã của AutoAlliance International, một liên minh sản xuất xuất xe Mazda và Ford. Điều đó có nghĩa chiếc xe trên là một sản phẩm của Ford hoặc Mazda.
Bước 4: Hình dung ra đặc điểm riêng của xe
Không chỉ cho biết mẫu xe, khu vực từ chữ số thứ 4 đến 8 thường miêu tả dạng động cơ và cấu trúc của xe. Những chữ số này được sử dụng ra sao còn do yêu cầu của quốc gia và hãng sản xuất, nhưng phần lớn các công ty bán xe tại Bắc Mỹ đều cùng chung một kiểu. Theo kết quả bên trên, chiếc xe trong ví dụ có thể là Ford hoặc Mazda, từ đó dễ dàng giải mã những chữ HT82H có nghĩa là gì.
Chữ đầu tiên, H, là mã an toàn. Nó chỉ ra rằng chiếc xe có túi khí trước và sau. Trong các số VIN khác, có thể đó là chữ B (có dây đai an toàn chủ động nhưng không túi khí), L, F hoặc K để thông tin về những thế hệ túi khí khác nhau.
Tiếp theo, T82 cho biết loại xe. Sử dụng danh sách hướng dẫn cầm tay của Ford về số VIN, tra được rằng T8 được dành cho loại Mustang coupe. Đó có thể là một chiếc Mustang Bullitt, coupe GT hoặc coupe Shelby GT.
Chiếc Ford Mustang Bullitt 2008. Ảnh: Dwaycar. |
Chữ số quan trọng nhất, đặc biệt khi muốn xác định rõ loại động cơ, đó là chữ số thứ 8. Trong trường hợp này, chữ H chỉ ra rằng đây là một chiếc xe mang động cơ V8 dung tích 4,6 lít của Ford. Nếu nó là chữ N, tức là loại V6.
Bước 5: Sử dụng chữ số kiểm tra
Phần lớn các hãng xe thường dùng số thứ 9 (luôn là một con số) để làm số kiểm tra. Sử dụng một phép tính phức tạp, khách hàng xác định được số VIN là thật hay không.
Bước 6: Xác định năm sản xuất
Kể từ năm 1980, các quốc gia sử dụng những chữ số khác nhau chút ít để hiển thị năm sản xuất. Nhưng vẫn có một công thức chung được dùng cho chữ số thứ 10. Nếu chiếc xe ra đời từ năm 2001-2009, những con số từ 0-9 sẽ xuất hiện ở vị trí này. Trong trường hợp trên, số 8 cho biết chiếc xe sản xuất vào năm 2008.
Nếu xe xuất xưởng từ năm 1980-2000, những chữ cái từ A đến Y sẽ được sử dụng, ngoại trừ I, O và Q. Ví dụ, xe sản xuất năm 1994 có mã là R, xe năm 2000 có mã Y.
Bắt đầu từ năm 2010, phần lớn các hãng xe sử dụng lại chữ A và những năm sau, những chữ cái tiếp theo sẽ được "tái bản".
Bước 7: Giải mã nơi chiếc xe ra đời
Đó là chữ số thứ 11. Tuy nhiên, không có mốc chuẩn cho điều này, vì thế khách hàng cần tra cứu danh sách các nhà máy của hãng sản xuất và mã VIN để biết cụ thể. Có thể biết được phần lớn thông tin qua trang Wikipedia. Ở đây lấy ví dụ với danh sách của Ford. Số 5 trong mã VIN khớp với nhà máy AutoAlliance tại Flat Rock (bang Michigan, Mỹ).
Bước 8: Số thứ tự của mẫu xe
Cụm số thứ 6 cho biết số serie của xe. Nhưng với phần lớn chủ xe, con số này không mang nhiều ý nghĩa.
Bước 9: So sánh với số VIN gắn trên xe
Số VIN trên xe Ford Mustang Bullitt 2008. Ảnh: Dwaycar. |
Từ những gì tra cứu được, số VIN trong ví dụ trên cho biết chiếc xe là Ford Mustang Bullitt đời 2008.
Mỹ Anh