Một ngày giữa tháng 3, phóng viên VnExpress.net cùng những khách hàng tiềm năng của Mercedes Việt Nam có dịp cầm lái siêu xe mới nhất của Mercedes và hãng độ xe trứ danh AMG. Địa điểm là đường đua Paul Ricard, nằm trên một ngọn đồi tuyệt đẹp vùng Le Castellet, ngoại ô thành phố cảng Marseille, Pháp.
Sau bài giới thiệu ngắn gọn, các kỹ sư của trường đào tạo AMG Driving Academy đưa khách tới khu vực đường pit. Hơn 10 chiếc SLS đã chờ ở đó. Rất nhanh chóng, hai người một chọn một xe, chuẩn bị cho bài tập làm quen.
Ngồi vào SLS, cảm giác khác hẳn với những siêu xe mang nặng tính "trường đua" như Lamborghini hay Ferrari. Mọi thứ vẫn bóng loáng, mượt mà như sedan. Tuy nhiên, ghế chỉ di chuyển lên và xuống, không chỉnh được độ cao. May mắn, tôi không phải "đệm" cái gì phía dưới.
Mercedes SLS AMG với thiết kế hoài cổ. Ảnh: Trọng Nghiệp. |
Mũi SLS dài nhưng kéo thẳng nên tầm nhìn tốt. Xe chỉ có 2 chỗ, ngay sau là khoang hành lý. Cửa mở lên trên nên dễ ra-vào và rất mới lạ khi ngắm từ ngoài. Nhưng tiếc là Mercedes không làm nút đóng tự động. Đã đeo dây an toàn, chuẩn bị nổ máy thì tôi mới nhớ ra nhiệm vụ đóng cửa. Lại phải tháo dây, nhổm người kéo xuống. Hơi bất tiện.
* Ảnh chi tiết Mercedes SLS AMG |
Bấm nút khởi động bên cạnh cần số, SLS vẫn im re. Phải 2-3 giây sau, động cơ mới rú lên. Khoảng thời gian trễ này rất thú vị, biến người lái thành ông chủ thực sự. Chỉ cần ra lệnh, mọi thứ đã có hệ thống của SLS lo.
Tiếng nổ khá hiền ở tốc độ thấp. Nhưng ở tốc độ cao thì như máy bay. Lúc vừa đến, tôi đã được thưởng thức khi bên kia pit là đoàn 4 chiếc SLS chạy với tốc độ 200 km/h. Cả đoạn đường như bị dồn dưới sức nén âm thanh.
Kỹ sư AMG cẩn thận dặn kỹ cách sử dụng cần số 7 cấp ly hợp kép. Ở vị trí cao nhất lại là số lùi (R), trong khi các xe khác là số đỗ (P). Số đỗ ở siêu xe này là nút bấm P. Ngay trong buổi tập, một khách hàng người Singapore đã lầm vị trí này, suýt đưa hai chiếc xe trị giá gần 177.000 euro (ở châu Âu) đâm nhau.
Người lái chiếc xe dẫn đoàn nói qua bộ đàm "Các bạn đã sẵn sàng?". Khi cả đoàn "Ok!", buổi lái thử bắt đầu.
Nhấc chân phanh, SLS vẫn còn gằn gừ không đi ngay như các loại xe thông dụng. Phải nhồi một chút ga mới di chuyển. Độ đàn hồi không nhiều như dòng sedan nên chân ga không mềm, nhưng đáp ứng rất nhanh.
Vừa rời pit, xe dẫn đường ra lệnh "Đi". Nhấn ga sâu hơn, SLS bắt đầu vọt lên, tiếng động cơ u u đầy phấn khích. Vòng đầu tiên, xe dẫn đoàn đi chậm để làm quen phương pháp chạy "cắt cua" và hình dạng đường. Có hai đoạn tăng tốc và 12 khúc cua. Vẫn chưa có cơ hội đạp hết ga.
Thân thấp, mũi dài là điểm nhấn độc đáo. |
Vòng thứ hai, xe dẫn đoàn thoải mái hơn. Vừa vào đoạn tăng tốc đầu tiên, hướng dẫn viên nói: "Hết ga". Tôi làm theo, SLS rú lên. Lưng dính chặt ghế, tay giữ chắc vô-lăng và tai nghe âm thanh của động cơ V8, 571 mã lực làm việc hết công suất là ấn tượng không thể quên. Đến điểm giảm tốc, bộ đàm vang tiếng "Phanh!". Tôi chỉ kịp nhìn đồng hồ khi kim vừa đi qua con số 180 km/h.
Vô-lăng SLS có tay cầm vừa vặn, chắc nịch và nặng khi vào cua. Ra cua, nó sẽ trở lại bình thường. AMG chọn cung đường phía Đông Nam của Paul Ricard nên ít những khúc cua hiểm. Nhưng với những người ít có cơ hội lái thử ở tốc độ cao, điều đó cũng đã quá ấn tượng.
Đoạn tăng tốc thứ hai dài hơn nên tốc độ tối đa lên tới 200 km/h. Để ghìm từ tốc độ này, AMG sử dụng bộ phanh composite đường kính 390 mm, dày 36 mm cho bánh trước và loại 360 mm, dày 26 mm cho bánh sau. Nếu muốn khách hàng có thể chọn loại gốm-carbon dưới dạng option.
Bài tập thứ hai là ngồi cạnh tay đua chuyên nghiệp Bernd Schneider. Lần này, để an toàn, AMG yêu cầu khách tham gia đội mũ bảo hiểm.
Vừa ra khỏi pit, Schneider đã đạp hết ga. Xe lao đến khúc cua thứ nhất. Tôi bị đẩy ngay vào trạng thái lâng lâng của gia tốc. Vừa phanh tay đua này vừa giật giật tay lái để cắt cua. Đoạn nào anh cũng lắc liên tục vô-lăng. Sau đó tôi mới biết đó là kỹ thuật vào cua tốc độ cao.
Nội thất vẫn đầy đủ trang thiết bị. |
Lắc vô-lăng liên tục giúp xe giữ cân bằng tốt. Với những chiếc trang bị cân bằng điện tử ESP, thao tác này còn ngăn hiện tượng hệ thống tự phanh quá lâu ở một bánh nào đó, khiến xe có thể bị văng.
Tốc độ trung bình trên xe Schneider cỡ 100 km/h. Người ngồi cạnh bị đẩy hết từ bên này sang bên kia, nhưng không có nỗi sợ xe sẽ lật. Ở những đoạn cua góc rộng, đường nghiêng, hành khách như "lướt" trên mặt đường với tốc độ chóng mặt.
Xuống xe, hai vai và đùi mỏi nhừ vì bị bộ ghế thể thao va đập.
Sau khi luyện tiếp tay lái ở các chế độ thể thao (Sport), thể thao hơn (Sport+) và bán tự động (Manual), khách hàng được tham gia bài có tên "hot lap". Vẫn có xe dẫn đoàn nhưng tốc độ được đẩy lên cao hơn và chạy lần lượt ở tất cả các chế độ. Ở trạng thái thể thao, SLS chuyển số ở vòng tua cao, hệ thống treo cứng nên xe bốc, động cơ gầm rú hơn. Chế độ bán tự động dường như không nhạy lắm khi thỉnh thoảng người lái phải nhìn vào bảng đồng hồ xem đã chuyển số hay chưa.
Những khách hàng Việt Nam miệt mài thử và đến lần chạy thứ 5 (mỗi lần 3 vòng) mới dừng lại, dù tiêu chuẩn chỉ là 3, do trời tối. Nếu thời gian dài hơn, có lẽ chúng tôi vẫn còn tiếp tục lái bởi chưa thực sự thỏa mãn. Vẫn còn những điều chưa khám phá hết ở SLS.
SLS là một trong những sản phẩm Mercedes làm tốn giấy mực nhất của giới truyền thông, từ khi còn là bản vẽ tới lúc có mặt trên đường công cộng. Nguyên nhân chỉ đơn giản là sự đặc biệt. Siêu xe này là sản phẩm đầu tay sau khi mối tình giữa Mercedes và McLaren kết thúc. Hãng xe hạng sang Đức đã chọn con đường đi cho riêng mình bằng cách thiết kế theo kiểu hoài cổ. Vóc dáng SLS gợi nhớ tới chiếc 300SL Gullwing đời 1950, sáng tạo nổi bật nhất của Mercedes với cửa hất lên cao kiểu cánh chim. So với những bức ảnh từ studio, SLS tạo nhiều cảm xúc hơn bởi đặt giữa những chiếc xe bình thường, đôi cánh mới thực sự nổi bật. Thân xe thấp, đầm nhưng cửa lại vươn cao. Riêng về điểm này, SLS đã làm tốt nhiệm vụ "thời trang" của mình. |
Trọng Nghiệp