Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô cần những yếu tố cơ bản sau:
(1) Chính sách ưu tiên và định hướng phát triển của Nhà nước.
(2) Nguồn nhân lực có chất lượng cao bao gồm các nhà khoa học, nhà quản trị, kỹ sư, công nhân.
(3) Ngành công nghiệp phụ trợ trên nền tảng công nghiệp hóa chung của đất nước.
(4) Thị trường tiêu thụ được kích cầu.
(5) Thành ý hay còn gọi là "tâm sáng" của các hãng liên doanh có muốn Viết Nam phát triển công nghiệp ô tô và phụ trợ hay chỉ muốn khai thác thị trường.
(6) Chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp sản xuất ôtô nội địa.
(7) Thực lực tài chính và khả năng thu hút nguồn vốn xã hội, nguồn đầu tư của các doanh nghiệp ôtô. Năng lực quản trị khoa học của các doanh nghiệp liên quan đến ôtô theo xu thế cạch tranh toàn cầu.
(8) Người tiêu dùng Việt bỏ tâm lý sính ngoại, thích thương hiệu. Ngoài ra còn rất, rất nhiều những yếu tố liên quan không kém phần quan trọng khác nữa.
Nếu phân tích kỹ tám yếu tố cơ bản trên cấu thành nên thị trường và nền công nghiệp ôtô thì sẽ thấy hiện tại và trong tương lai gần cả tám yếu tố này đều chưa đáp ứng được. Chỉ cần hai trong tám yếu tố này chưa sắn sàng, chứ đừng nói gì tới cả tám yếu tố chưa sẵn sàng, thậm chí nhiều yếu tố mâu thuẫn lẫn nhau thì đừng mong có ngành công nghiệp ôtô đúng nghĩa!
Ảnh minh họa |
Năm 2018 là mốc thời gian quyết định có hay không nền công nghiệp ôtô Việt Nam (thời điểm Việt Nam cam kết AFTA, biểu thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam bằng 0%). Từ đầu năm 2011 Bộ Công Thương chủ trì hội thảo bàn về Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Nhiều doanh nghiệp cho rằng hội thảo này "quá muộn".
Thời gian còn lại không đủ để nghiên cứu ban hành chính sách. Đấy là chưa nói đến chuyện cần không ít thời giản để chính sách đó đi vào cuộc sống. Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng qui hoạch phát triển công nghiệp ôtô trước đó, cụ thể là đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020 được xem là thất bại khi mà các mục tiêu đã đề ra không đạt được.
Nhưng cũng có một tin vui, tỷ lệ nội địa hóa với xe tải và xe bus khá thành công trong thời gian qua. Một tin hơi ngỡ ngàng với nhiều người, năm 2010 Việt Nam xuất khẩu hơn 1,57 tỷ đô la tiền linh kiện ô tô, chủ yếu sang Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 871 triệu đô la. Số linh kiện nói trên được các liên doanh nước ngoài lắp đặt dây chuyền sản xuất theo đơn đặt hàng của các hãng sản xuất ôtô lớn trên toàn cầu, theo tiêu chuẩn Quốc tế và không tiêu thụ nội địa. Các hãng lắp ráp ôtô trong nước phải nhập ngược lại từ nước ngoài về, nếu có nhu cầu.
Những con số mở ra hướng đi mới cho chiến liệt phát triển công nghiệp ôtô nước nhà. Có nhất thiết phải là ôtô "Made in Viet Nam" hay Việt Nam tham gia "chuỗi giá trị toàn cầu" với nền công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh mẽ dựa trên nền tảng công nghiệp hóa (dự định đến năm 2020, VN mới cơ bản là nước CN hóa). Hiện tại, các hãng ôtô lớn trên thế giới và các ngành công nghệ cao khác đều tham gia "chuỗi giá trị toàn cầu" mà rất ít hãng tự phát triển sản phẩm từ đầu đến cuối.
Tư duy cũ cách đâu không lâu của ta là có nền công nghiệp phụ trợ, chất lượng chuẩn men Quốc tế; Có 90 triệu dân hơi bị thông minh và cần cù; Có nguồn tài nguyên phong phú, dồi dào như niêu cơm Thạch Sanh, vơi đi lại đầy. Địa lý lý tưởng, cửa ngõ của ASEAN với Đông Bắc Á, châu Á - Thái Bình dương, với Trung Quốc và EU. Nơi giao thương hàng không và hàng hải quan trọng; Nhân công trẻ khỏe, giá lại bèo; Chính trị xã hội tương đối ổn định, thị trường ôtô rất tiềm năng...thì nền công nghiệp ôtô, sản phẩm ôtô "Made in Viet Nam" là trong tầm tay!
Tôi ngồi họp dự thảo nghe tham luận của các bác thứ trưởng các bộ liên quan; Chủ tịch hiệp hội ôtô vận tải; Chủ tịch các nhà liên doanh sản xuất lắp ráp ô tô; Chủ tịch hiệp hội kỹ sư ô tô; Vụ trưởng KHCN; Vụ cơ khí luyện kim; Chủ tịch, Tổng Giám đốc các nhà sản xuất lắp ráp ôtô nội địa...nghe các bác toàn nói về vấn đề "siêu vĩ mô" trong phát triển nền công nghiệp ôtô nước nhà. Công nhận các bác nói rất hay, hùng biện rất dõng dạc. Tôi phải vỗ tay mấy lần...
Nhưng thực chất cứ ù ù cạc cạc. Chỉ thấy nhõn điều là tám yếu tố cấu thành thị trường và nền công nghiệp ôtô đưa ra ở phần đầu thì các bác chưa đề cập nhiều. Mâu thuẫn rõ ràng nhất, càng phát triển ôtô thì càng tắc đường, ô nhiễm... Mà tắc đường thì phải giảm ôtô song song với phát triển hạ tầng. Người dân có nhu cầu rất hồn nhiên phấn đấu để có ôtô (phương tiện cá nhân văn minh nhất của nhân loại).
Chính sách hạn chế lưu hành phương tiện, tăng thuế, phí...như gáo nước lạnh hắt vào mặt những người có thu nhập trung bình, ky cóp bao năm ước mơ sở hữu ôtô! Nay ít có cơ hội hoặc chi phí sở hữu quá cao quay ra "chửi đổng" chính sách và tắc đường cũng bị chính những người có phương tiện ôtô lẫn không có "chửi đổng".
Vậy là mâu thuẫn giữa phát triển và thực tế. Các bác giải bài toán này thế nào nếu không xuất được ôtô nguyên chiếc lắp ráp từ Việt Nam đi châu Phi?! Nơi mà Trung Quốc án ngữ như kiểu "Gà mái ngáng cửa chuồng". Lào và Campuchia dùng hàng xịn không dùng hàng "lô" như Việt Nam đâu nhé. Không có thị trưởng thì công nghiệp ôtô phát triển bằng "niềm tin"!
Các hãng có giá trị thương hiệu lớn, kể cả những thương hiệu biểu tượng quốc gia khi đầu tư sản xuất lắp ráp tại Việt Nam thì đều cần doanh số, lợi nhuận là số 1, sẵn sàng gây sức ép bằng nhiều hình thức, kể cả gây sức ép lên Chính phủ của nước họ để đòi hỏi môi trường kinh doanh có lợi nhất cho họ.
Vì vậy sự can thiệp của "chính quốc" đôi khi cũng làm lung lay chính sách của ta. Hạn chế phương tiện, chính sách hay thay đổi, thuế phí tăng quá cao cùng với khủng hoảng kinh tế trong nước và toàn cầu làm ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ ôtô. Trực tiếp ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, công ăn việc làm của hàng trăm vạn lao động và gia đình họ, gây mối quan ngại về sức ép XH tiềm tàng, nhà đầu tư nước ngoài nản chí, bất an, thoái vốn, rút lui, ... nguy cơ đổ vỡ ngành ôtô Việt Nam hiện hữu.
Các liên doanh nước ngoài cũng hay "quên" lắm! Đã có thời gian dài hưởng lợi từ chính sách, song chưa thực sự thành tâm, vẫn đưa vào các dây chuyền, máy móc công nghệ đã lạc hậu, hoặc phiên bản cũ. Đào tạo và sắp xếp nhân lực là người Việt chưa tương xứng, dừng lại ở các vị trí chưa mấy quan trọng, không ảnh hưởng tới "hòa bình Thế giới". Mà các kỹ sư Việt Nam, nhiều người thừa sức đảm đương được các vị trí quan trọng hơn...Vẫn áp dụng những tiêu chuẩn thấp nhất so với tiêu chuẩn của phần còn lại, của thế giới với Việt Nam. Vẫn rất tiểu xảo, vòng vo trong việc sử dụng linh kiện, phụ tùng mà phần trên là một ví dụ.
Tóm lại, họ chỉ muốn khai thác tối đa thị trường, thu lợi nhuận càng nhiều càng tốt và chỉ thơn thớt. Chính vì áp dụng tiêu chuẩn thấp nhất toàn cầu nên sản phẩm ôtô nguyên chiếc lắp ráp tại Việt Nam không thể xuất khẩu đi được, chỉ tiêu thụ được nội địa. Mà còn xuất khẩu đi đâu được nữa. Chỗ nào xuất được thì họ (hãng mẹ) đã đặt nhà máy đầu tư trực tiếp tại đó rồi! Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam còn xa vời lắm. Tốt nhất tham gia vào "chuỗi giá trị toàn cầu" đang là xu hướng, xem ra còn khả thi hơn là tự mình mù mịt từ A đến Z.
Nguyễn Phúc Tâm