Sử dụng xe lâu ngày, động cơ thường bị bụi bẩn nên nhiều chủ nhân tìm đến dịch vụ rửa máy. “Tắm gội” mang lại sự sạch sẽ, đồng thời cũng góp phần nhỏ giúp quá trình làm mát tốt hơn vì bụi bám trên thân máy, dàn tản nhiệt ngăn cản quá trình trao nhiệt.
Tuy nhiên nếu người thực hiện sơ suất, vệ sinh không đúng cách có thể gây ra hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều trường hợp đã không thể đề nổ sau khi rửa động cơ.
Kết cấu ngoài động cơ khá phức tạp, nhiều điểm lồi lõm. Dây dẫn điện, ống thủy lực đan xen nhau khi dính nước rất lau khô. Khu vực nước đọng lại làm tăng nguy cơ oxy hóa các bộ phần làm từ sắt.
Hệ thồng cấp điện bu-gi thường nằm sâu bên trong. Khi dính nước rất khó làm khô. Tia lửa điện có thể phóng ra ngoài hoặc đánh thủng dây cao cáp. Ảnh: Thế Hoàng. |
Anh Trần Nam Phương, nhân viên kỹ thuật của Audi Việt Nam cho biết hư hỏng thường gặp nhất là ở hệ thống đánh lửa. Nước ngấm vào ngách nhỏ rất khó để làm khô. Một số tình huống xe không hỏng ngay mà gặp vấn đề sau một vài ngày sử dụng. Động cơ làm việc không ổn định, không khởi động được hoặc một số đèn cảnh báo sáng. Nếu tài xế đi cố có thể làm hệ thống điện gặp hư hỏng nặng.
Anh Phương phân tích thực tế động cơ và những chi tiết dưới nắp ca-pô đã che chắn tốt, khả năng chịu nước không cao, đặc biệt là dòng nước có áp suất lớn. Áp lực nước có thể làm hỏng cảm biến do chập điện. Trên một số dòng xe bố trí hệ thống ECU bên trong ca-pô, khi gặp nước dễ sinh ra chập cháy. Đây là chi tiết tinh vi, giá thành cao lên tới hàng chục triệu đồng.
Không chỉ có ECU, cảm biến hay hệ thống đánh lửa cũng có thể bị chập. Điện trên xe nói chung thường sử dụng đấu mát thân xe. Dây dẫn thường là dây dương, có chênh lệch hiệu điện thế với thân. Vỏ dây điện bị ẩm đặt gần động cơ nóng rất nhanh bị ải, phát sinh nhiều vết nứt. Dây hở điện dính nước hoặc dung dịch kiềm có thể phát sinh dòng diện chạy ra thân xe.
Bên cạnh đó nước áp lực cao và các hóa chất tẩy rửa có thể lọt vào trong động cơ qua các khe hở, vết nứt, lỗ thông hơi gây nên những hư hại nặng khi động cơ làm việc.
Anh Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc xưởng Kia Giải Phóng khuyến cáo, chỉ nên dùng vải và khí nén xì khô để làm sạch. Người thực hiện cần hiểu kết cấu xe để tránh những khu vực "nhạy cảm" như: ECU, hệ thống đánh lửa, cảm biến, hộp cầu chì, ắc-quy...và không nên dùng nước có áp lực cao.
Thế Hoàng