Phim chống nóng thường gọi là “phim cách nhiệt” xuất hiện nhiều năm trở lại đây, với những công dụng hữu ích, chống nóng, ngăn cản tia tử ngoại. Phim nhuộm màu đầu tiên cấu tạo chỉ có một lớp Polyeste có độ dày từ 0,051- 0,179 mm, được nhuộm màu, một mặt chứa lớp có khả năng kết dính với áp lực nhỏ hoặc khi có nước, bề mặt còn lại được xử lý để tăng cường khả năng chống xước.
Ảnh minh họa |
Thường được dán phía trong, phim ngăn cản nhiệt lượng truyền qua kính nhờ hấp thụ một phần ánh sáng chiếu tới. Năng lượng làm nóng kính được phân tán ra ngoài tỷ lệ tốc độ chuyển động của không khí.
Giả sử rằng bạn chạy với tốc độ 60 km/h, không khí di chuyển tương đối với xe cũng ở mức đó, trong khi tốc độ khí trong ca-bin vào khoảng 0,224 m/s. Nhiệt lượng mà kính hấp thụ sẽ được phân tán ra hai bên “ngoài: trong” theo tỷ lệ 74: 1, rõ ràng nhiệt độ tản ra ngoài nhiều hơn vào trong.
Phim nhuộm màu giữ lại một phần bức xạ không nhìn thấy, cách này chống nhiệt xâm nhập không thực sự hiệu quả do đó nhà sản xuất tiếp tục tìm cách nâng cao khả năng chống nóng lên.
Đầu tiên, họ bổ sung thêm lớp có khả năng chống lại tia tử ngoại (UV) ở trước lớp nhuộm màu. Tấm hai lớp đã khắc phục hiện tượng nhạt màu do tác động của ánh sáng mặt trời, khả năng loại bỏ nhiệt cũng được cải thiện, tuy vậy còn một vài điểm lo ngại về lỗi chất kết dính làm bong phim, bọt khí, gợn sóng.
Phim lai gồm lớp: lớp mạ kim loại, lớp nhuộm màu |
Sau đó, nhà sản xuất tiếp tục bổ sung lớp kim loại mỏng trước tấm phim nhuộm màu và sau lớp chống tia UV. Khả năng loại bỏ nhiệt vượt trội theo nguyên lý phản xạ ánh sáng lên 40%, giảm các lỗi trên phim 2 lớp, kéo dài tuổi thọ của phim, nhưng xuất hiện nhược điểm khả năng truyền sáng giảm.
Một nỗ lực mang tính cách mạng trong công nghệ làm phim chống nóng. Nhà sản xuất đang cố gắng làm những tấm phim trở nên trong suốt. Để làm được điều này, họ cần biết chúng ta cảm nhận cái gọi là "nhiệt" từ ba nguồn tín hiệu chính: 38% bức xạ nhìn thấy (ánh sáng), 5% bức xạ tử ngoại (tia tử ngoại), 56% bức xạ hồng ngoại (tia hồng ngoại). Phim nhuộm màu cản hầu hết ánh sáng, sau đó là tia tử ngoại, lớp kim loại "khóa" một phần hồng ngoại. Nhà sản xuất nhận ra rằng cần "khóa" hoàn toàn tia hồng ngoại và để cho ánh sáng truyền qua nhiều hơn.
Họ bắt đầu kiểm tra các lớp làm bằng vật liệu gốm và carbon và đã tìm ra được loại phim mong muốn: phim chọn lọc quang phổ. Những tấm phim được thiết kế để "khóa" 70% - 90% bức xạ hồng ngoại, trong khi chỉ khóa 10% - 30% ánh sáng. Chúng là những tấm phim trong suốt, khả năng khóa được từ 40% tới 65% nhiệt sẽ truyền qua kính.
Có sự khác biệt giữa phim chống nóng dùng trên ôtô và trên cửa kính. Phim chống nóng được thiết kế để an toàn cho ôtô nhưng lại không tốt cho cửa sổ bởi phim dùng trên ôtô cần hấp thụ nhiệt nhiều hơn là phản xạ nhiệt. Phim dùng cho cửa sổ lại ngược lại, phản xạ nhiệt nhiều hơn hấp thụ. Một nguyên nhân khác còn do yêu cầu truyền sáng của phim cao để lái xe quan sát đường.
Thế Hoàng