Bộ Khoa học Công nghệ đã phát hiện một mẫu xăng có chứa tới 15,3% metanol tại Cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, thuộc Công ty cổ phẩn sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm, km 9 Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Dựa trên kết quả này, VnExpress xin trích đăng tài liệu khoa học của tác giả David A. Kingston, người có kinh nghiệm 42 năm trong tập đoàn ExxonMobile (Mỹ) về việc hạn chế sử dụng metanol trong xăng. Tài liệu công bố năm 2010.
Metanol xếp vào loại chất rượu hữu cơ cùng với ethanol. Ethanol rất phổ biến do có thể uống và thường gọi tắt bằng cái tên chung là "rượu". Trong khi metanol lại cực độc.
Chất này không màu, bay hơi tốt và khả năng cháy cao, phù hợp để làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong. Hai hướng sử dụng chính là dùng trực tiếp hoặc pha vào xăng. Tuy nhiên, việc dùng metanol làm nhiên liệu ngày càng giảm. Chỉ các xe đua đặc biệt mới sử dụng như nhiên liệu sơ cấp hoặc một số vùng ở Trung Quốc (với động cơ có thể được thiết kế lại). Sơn Tây (Trung Quốc) cho phép xăng pha 15% metanol.
Trung Quốc sản xuất khoảng 87.000 thùng metanol mỗi ngày và pha 4 triệu tấn mỗi năm vào xăng, chiếm 4,5% tổng lượng xăng tiêu thụ trên cả nước. Như vậy Trung Quốc là nước sử dụng metanol pha vào xăng nhiều nhất thế giới.
Ở Mỹ, metanol không được sử dụng làm nhiên liệu cho xe đua cũng như cho vào nhiên liệu. Bang California còn cấm pha metanol vào xăng. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA cho phép nồng độ metanol pha xăng chỉ là 2,75%. Tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu tái sinh (Renewable Fuel Standard) ở Mỹ dù ủng hộ sử dụng ethanol nhưng lại không mặn mà với metanol.
Phản ứng ăn mòn nhôm của metanol. |
Dù đều là chất nâng cao khả năng chống kích nổ (chỉ số octan) nhưng metanol có những hạn chế điển hình như độc hại, mức độ ăn mòn cao và bị các hãng sản xuất xe hơi không khuyến khích. Tính độc hại của metanol rất cao. Chỉ với 10 ml nếu đi vào cơ quan tiêu hóa có thể làm mù mắt. Với 1-2 ml trên mỗi kg trọng lượng cơ thể có thể dẫn tới tử vong.
Ngoài yếu tố là dung môi cực mạnh, hòa tan các chất hữu cơ thì metanol là chất ăn mòn mạnh, đặc biệt là nhôm. Dù tính axit yếu nhưng metanol có thể tấn công vào lớp nhôm oxit tạo thành muối nhôm và nước. Khi hết lớp oxit bảo vệ, metanol sẽ ăn mòn trực tiếp nhôm và sinh ra khí hydro.
Quá trình ăn mòn này tiếp diễn cho tới khi nhôm hết hoặc nồng độ metanol không đáng kể. Tính chất ăn mòn nhôm cao ảnh hưởng lớn tới những động cơ hiện đại do tỷ lệ nhôm rất cao.
Đồng, đồng thau, kẽm và sắt bị ăn mòn khi nồng độ metanol đạt 15%. Ethanol cũng là chất ăn mòn kim loại nhưng với quy mô thấp hơn rất nhiều.
Ngoài ra metanol còn gây ra những vấn đề với chất đàn hồi trong hệ thống cung cấp nhiên liệu cho động cơ. Những chất nhựa như polyurethane và Buna-N bị metanol tác động lớn. Chính vì tính chất ăn mòn kim loại cũng như ảnh hưởng tới chất đàn hồi của bộ cấp nhiên liệu mà các nhà sản xuất ôtô kháng cự lại việc sử dụng metanol.
Liên minh 12 hãng xe gồm BMW, Chrysler, Ford, General Motors, Jaguar, Land Rover, Mazda, Mercedes-Benz Mỹ, Mitsubishi, Porsche, Toyota, Volkswagen Mỹ và Volvo Bắc Mỹ đã ra bản tuyên bố trên toàn cầu về việc ngăn ngừa sử dụng metanol trong nhiên liệu.
Trọng Nghiệp lược dịch