Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc phát đi thông điệp này ngày 26/6. Ủy ban cải cách và phát triển NDRC thì cho rằng đối tác Sichuan Tengzhong Heavy Industrial Machinery có quá ít kinh nghiệm trong việc quản lý Hummer.
Trong khi đó Tengzhong khẳng định chưa đạt được những thỏa thuận cuối cùng với GM, hãng mẹ Hummer. Theo luật, với giá trị hợp đồng trên 100 triệu USD, Tengzhong phải có sự đồng ý của chính quyền trước khi tiến hành mua bán.
Hummer H2, một trong những mẫu xe đồ sộ và ăn xăng nhất thế giới. Ảnh: Topspeed. |
"Một vài người có quan điểm và suy đoán riêng. Nhưng chúng tôi tin rằng chính phủ có cách xử lý đúng đắn trong trường hợp này. Dù chưa ngã ngũ nhưng Tengzhong có những bước tiến mới trong đàm phán với GM, Hummer và tiếp tục theo đuổi mục đích bằng phương pháp thích hợp", thông cáo báo chí của Tengzhong viết.
AP đã liên lạc với NDRC nhưng không có câu trả lời. Tengzhong là công ty tư nhân nên ít chịu kiểm soát từ chính phủ. Nhưng trong hợp đồng mua bán với nước ngoài, công ty này vẫn phải tuân thủ theo luật.
Ngày 3/6, GM đạt được thỏa thuận ban đầu với Tengzhong về việc bán thương hiệu Hummer cùng 153 đại lý và khoảng 3.000 nhân công. Trị giá không được tiết lộ nhưng các chuyên gia ước đoán GM nhận được dưới 500 triệu USD.
Các thủ tục chuyển giao dự kiến hoàn tất vào cuối quý III.
GM sẽ giữ quyền sản xuất Hummer H3 đang trong thời gian xây dựng nhà máy ở Shreveport, Los Angeles, ít nhất là tới 2010. Người chủ mới cũng đang có dự tính chuyển bớt khối lượng sản xuất H3 từ một nhà máy tại Nam Phi về Shreveport.
Tengzhong là công ty tư nhân, chuyên về các thiết bị cầu đường và bảo dưỡng máy móc.
Hummer từng bị coi là biểu tượng cho sự lạc lối của GM và ngành công nghiệp ôtô Mỹ vì to, cồng kềnh và uống xăng. Doanh số của Hummer đã sụt 51% vào năm ngoái, mức sụt kỷ lục toàn ngành, và tiếp tục sụt 67% trong năm 2009.
Nguyễn Nghĩa (theo AP)