Liên minh châu Âu cũng như nhiều cơ quan kiểm soát an toàn trên thế giới muốn xe hơi ngày càng an toàn hơn nữa. Ví dụ, bắt đầu từ 2018, tất cả các xe sản xuất và bán tại châu Âu phải trang bị công nghệ eCall, hệ thống điện thoại cấp cứu tự động.
Trên lý thuyết, hầu hết các công nghệ trợ giúp an toàn trên xe đều sử dụng cảm biến, radar để truyền tải thông tin, đọc, phân tích và đưa ra phản ứng. Nhưng mới đây, một thử nghiệm tại Đức đã cho thấy, các công nghệ này không hoạt động như những gì mà các hãng vẫn quảng cáo.
Mercedes C-class đâm thẳng vào người đi bộ. >> Xem video |
Các thử nghiệm do Auto Motor und Sport tiến hành khá đơn giản. Một hình nộm người đi bộ được kéo băng ngang đường trên hệ thống thanh ray đặt sát đất, chắn ngang dòng xe cộ. Các mẫu xe thử nghiệm đều thuộc phiên bản mới, kết quả đáng ngạc nhiên nhất là ngay cả Mercedes C-class cũng không có phản ứng gì.
Nếu theo lý thuyết, các xe phải tự động kích hoạt phanh, dừng xe để không xảy ra va chạm với người đi bộ, vì đây là những xe đều tích hợp công nghệ tránh tai nạn với người đi bộ. Tuy nhiên, không có gì xảy ra.
Thử nghiệm cho thấy Volkswagen Up! và Nissan Qashqai có giảm tốc, nhưng không thể tránh đối tượng. Hệ thống của Up! chỉ hoạt động khi tốc độ tới 30 km/h.
Chiếc xe duy nhất vượt qua bài thử nghiệm là Subaru Outback khi dừng trước khi đâm vào người đi bộ. Tuy nhiên, đây là dòng xe không phổ biến ở châu Âu, hơn nữa hãng xe Nhật vừa triệu hồi nhiều xe để sữa chữa gói an toàn EyeSight.
Vậy lý do vì đâu những xe đắt tiền như Mercedes hay Mini lại trượt bài thử nghiệm? Theo autoevolution, bởi lẽ, những hệ thống và công nghệ này đều là những sản phẩm đặt hàng bên ngoài, cung cấp bởi các hãng khác, ví dụ như Bosch. Những lỗi này, một phần đến từ hãng cung cấp, phần khác bởi hãng xe không thử nghiệm công nghệ chính xác hoặc phớt lờ.
>> Video thử nghiệm công nghệ tự động dừng xe khi gặp người đi bộ
Minh Hy