Tháng 2/2002, Magnus Classic 2.0 lần đầu tiên được Vidamco (tiền thân của GM Việt Nam) giới thiệu tại thị trường Việt Nam. Với kiểu dáng bóng bẩy, mới mẻ, Magnus tạo nên làn sóng khác lạ cho thị trường khi là xe hàn quốc duy nhất cạnh tranh với các tên tuổi cùng phân khúc Toyota Camry và Ford Mondeo.
Để tạo lợi thế cạnh tranh, Vidamco trang bị trang bị nhiều tiện ích của xe hạng sang mà các đối thủ không có như cảm biến tự động khóa cửa theo tốc độ, ghế lái điều khiển điện tám hướng, gương chỉnh và gập điện, gương chống chói và gương tự động chiếu xuống khi lùi.
Thậm chí, xe còn có nút bấm sấy kính sau kèm luôn cả sấy gương, đèn pha tự động. Những chi tiết rất hữu dụng ở khu vực nhiệt đới có mưa nhiều như Việt Nam. Đặc biệt, xe sử dụng hệ thống chống bó cứng phanh ABS công nghệ khá mới mẻ lúc bấy giờ.
Xe dài 4.770 mm, rộng 1.816mm và cao 1.440 mm chiều dài cơ sở 2.770 mm. |
Đầu năm 2004, Vidamco tiếp tục cho ra đời hai phiên bản cải tiến của Magnus gồm Magnus L6 2.5 và Magnus Eagle 2.0 với tham vọng chiếm lĩnh phân khúc sedan cỡ lớn.
Trang bị động cơ 6 xi-lanh thẳng hàng với giá bán 32.900 USD, Magnus L6 trang bị động cơ cam kép DOHC công suất 157 mã lực ở mức 5.800 vòng/phút và môn-men xoắn cực đại 245 Nm ở 4.000 vòng/phút. Tốc độ tối đa của xe đạt 210 km/h.
Xe lắp hộp số tự động 4 cấp. Các bánh trước và sau xe đều lắp phanh đĩa tản nhiệt. Hệ thống treo trước là kiểu McPherson, còn ở phía sau xe là kiểu thanh đa liên kết. Nội thất xe không quá cầu kỳ nhưng rộng rãi và thân thiện với ghế da và nhiều chi tiết ốp gỗ. Điều hoà có chức năng lọc khí, giữ cho không khí trong xe luôn được sạch sẽ.
Magnus Eagle có cùng kích thước như L6. Thực chất có thể coi đây là phiên bản khác của chiếc L6, nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thị trường. Bản Eagle có giá 28.700 USD công suất 130 mã lực ở mức 5.400 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 184 Nm tại 4.000 vòng/phút. Hộp số tay 5 cấp là trang bị tiêu chuẩn trên xe. Nội thất xe bọc nỉ và không có hệ thống khử mùi.
Nội thất xe không quá cầu kỳ nhưng rộng rãi và thân thiện với nhiều chi tiết được ốp gỗ. |
Sau một năm trình làng, doanh số của bản L6 gấp 3,5 lần Eagle. Năm tiếp theo, dù bán chậm chạp, L6 vẫn chạy hơn người em song sinh hơn 2 lần. Tổng số xe Magnus L6 bán ra tính đến hết 2006 là 580 chiếc, còn Magnus Eagle là 189 xe.
Bên cạnh những thế mạnh, người tiêu dùng cũng nhanh chóng nhận ra nhưng bất cập như hay hỏng vặt, thường xuyên cảnh báo “check engine”, lỗi hệ thống phanh ABS và nhiều trường hợp ghi nhận con số trung bình tiêu thụ xăng là 17 lít xăng/100 km nội thành.
Tuy nhiên, những bất cấp trên không phải là tất cả, lỗi lớn của Magnus là "đứa con xinh đẹp" được đầu tư nhất mực trong một gia đình xe không có tên tuổi tại Việt Nam. Magnus hay Mondeo là những dẫn chứng cho thấy một đặc điểm khá thú vị của thị trường ôtô trong nước. Nổi lên như cồn khi mới ra đời với khá nhiều điểm mạnh nhưng lại chìm xuống nhanh chóng theo thị hiếu chỉ ưa chuộng Toyota quen thuộc của người tiêu dùng Việt.
Magnus chỉ giữ vị thế là xe cỡ lớn của thương hiệu nhỏ một thời gian ngắn và nhanh chóng kết thúc sản xuất vào năm 2006. Những năm cuối vòng đời mẫu xe này luôn nằm trong danh sách những xe bán ế nhất thị trường.
Hiện, Magnus được rao bán giá 150 - 300 triệu cho các đời từ 2004 đến 2006. Anh Hà Minh, một chủ salon xe đã qua sử dụng tại Hà Nội chia sẻ: "Vẫn có khách tìm mua mẫu xe này chủ yếu là mang về tỉnh. Sau hơn 10 năm, nhiều xe vẫn còn khá tốt, rộng rãi, nhiều tính năng vẫn là ưu điểm nhưng nhược điểm lớn là tốn xăng".
Ngọc Điệp