Thử nghiệm va chạm là công đoạn bắt buộc trong việc phát triển sản phẩm của mỗi hãng xe. Mức độ hư hại, rủi ro cho xe và người trên xe sau khi va chạm thực tế là căn cứ để các hãng chế tạo hệ thống khung gầm cũng như các công nghệ an toàn hỗ trợ, giảm thiểu tối đa rủi ro.
Phòng thí nghiệm va chạm của các hãng thường thiết kế để tạo ra nhiều vụ va chạm từ những tình huống khác nhau, có thể là đâm trực diện, đâm chéo góc 45 độ, 30 độ, 60 độ hay đâm nối đuôi, đâm vào tường cũng như nhiều trường hợp khác.
CR-V và Fit đâm trực diện. >> Xem video |
Xe tham gia thí nghiệm va chạm là mẫu xe lắp gần như hoàn chỉnh giống với bản thương mại, chỉ lược bỏ một số chi tiết như hệ thống giải trí, option để giảm chi phí, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm. Đại diện Honda cho biết, tại trung tâm nghiên cứu của hãng tại Nhật, những xe sau khi thử va chạm sẽ bỏ hoàn toàn, không tận dụng bất cứ bộ phận nào cho dù còn nguyên vẹn để lắp cho xe mới.
Trong loạt video này, hai mẫu tham gia là Honda CR-V và Honda Fit. Tình huống va chạm đâm trực diện, với độ lệch khoảng 50% mui xe. Chiếc CR-V nặng 1.700 kg và Fit nặng 1.300 kg, mỗi xe có 2 người nộm cấu trúc giống người thật, tốc độ mỗi xe 50 km/h. Đây là tình huống thường gặp nhất ở những vụ va chạm đối đầu nhau trên đường công cộng.
Sau vụ va chạm, cả hai xe đều hư hại phần đầu, hệ thống túi khí đầu, rèm đều bật tung nhằm bảo vệ người ngồi trên xe. Với những xe có hệ thống khung gầm chắc chắn, các kỹ sư cho biết xe chỉ hư hại két nước và một số bộ phận sát phía trước, động cơ có thể không ảnh hưởng.
Cũng trong tình huống này, kính chắn gió của chiếc xe nhỏ hơn là Fit bị rạn toàn bộ, gần như sắp nứt toác. Chuyên gia của hãng cho biết, nếu người trên xe không thắt dây an toàn, chắc chắn sẽ bị lao đầu vào kính lái theo lực quán tính, khi đó dù túi khí có nổ cũng vẫn nguy hiểm.
>> Video thử nghiệm va chạm ở tốc độ 50 km/h
Đức Huy