Phân khúc suv đang có tương lai tươi sáng ở Đông Nam Á nên tất cả các hãng ra sức thay đổi chiến lược sản phẩm. Toyota làm mới fortuner , Mitsubishi nâng cấp Pajero Sport. Ford cũng không ngoại lệ khi đẩy everest lên cấp độ mới với những thay đổi còn hơn cả cuộc cách mạng.
Thiết kế Everest xây dựng trên nền tảng bán tải Ranger, dù Ford có những mục đích và giải thích thế nào đi chăng nữa. Nhưng thật may mắn, Ranger lại là chiếc pick-up ăn khách nhất ở Việt Nam, nên Everest hẳn sẽ có những lợi thế về hình dáng, độ tin cậy cũng như tính năng vận hành.
Vóc dáng Everest giờ đây không còn mỏng manh của xe tải mà đầy chất Mỹ với đèn pha cỡ lớn, hình khối mập mạp. Lưới tản nhiệt mang những chỉ dấu về sức mạnh động cơ. Toàn thân xe toát lên vẻ mạnh mẽ nhưng không cơ bắp mà vẫn mềm mại với cụm đèn hậu sử dụng công nghệ LED thanh thoát. Cảm giác đồ sộ còn được tôn lên nhờ bộ vành 5 chấu kép.
So với các đối thủ Nhật, Everest thể hiện quan điểm rõ ràng hơn, hướng tới khách hàng thích công nghệ, đam mê cảm giác lái và khám phá. Nội thất sang trọng hơn hẳn thế hệ cũ. Với những hình khối và chất liệu cao cấp, phiên bản Titanium cho cảm giác thân thuộc và bắt mắt không thua bất cứ chiếc sedan nào.
Bên cạnh đó, Ford cải tiến Everest giống như trên smartphone thay vì xe hơi. Đầu tiên là màn hình cảm ứng với giao diện người-máy hiển thị đa thông tin. Bảng đồng hồ chính hiển thị cơ còn lại là hai vùng hiển thị số. Chương trình điều khiển bằng giọng nói SYNC 2 thế hệ mới nhất, các câu lệnh đơn giản hơn. Chỉ cần nói "I'm hungry - tôi đói", xe sẽ đề xuất các cửa hàng gần nhất. Dĩ nhiên, để có chức năng này thì cần kết nối với bản đồ chi tiết và GPS.
Hệ thống điều khiển giọng nói của Ford có ưu điểm tự điều chỉnh theo đặc trưng phát âm, nhằm thích nghi với cách nói tiếng Anh ở nhiều vùng khác nhau. Trên SYNC 2, mọi công việc từ gọi, nghe điện, mở bài hát, tìm đường đều có thể thực hiện khi vẫn đang lái xe tốc độ cao.
Tiếp đến là công nghệ điều khiển hành trình chủ động. Ngoài việc cài đặt tốc độ, hệ thống mới còn giúp tài xế cài đặt khoảng cách với xe phía trước, từ thấp nhất 25 m đến xa nhất 60 m. Khi có xe đi gần hơn khoảng cách đã định, xe sẽ tự động phanh để giảm tốc độ, nhằm đạt trạng thái an toàn. Sau đó sẽ tự động ga về tốc độ ban đầu.
Trong trường hợp có xe tạt đầu đột ngột, cảm biến xung quanh xe sẽ phát hiện và kích hoạt hệ thống phanh khẩn cấp để tranh va chạm. Dự kiến tính năng điều khiển hành trình chủ động sẽ có trên phiên bản cao cấp nhất bán tại Việt Nam.
Ngoài ra, Everest còn có có thể hỗ trợ đổ đèo. Khi dốc đủ lớn và chọn chức năng này, xe tự động phanh để giữ tốc độ cố định. Tài xế chỉ việc đánh lái, bỏ hẳn chân ra khỏi phanh và ga. Chức năng này kích hoạt ở nơi có đủ độ dốc cần hỗ trợ. Khi muốn tăng tốc, chỉ cần nhấn nút chỉnh trên vô-lăng.
Những công nghệ gia tăng này đi kèm các tính năng an toàn cơ bản khác như chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, cân bằng điện tử ESP. Đèn pha tự động, điều hòa tự động hai vùng độc lập có cửa gió sau. Ford còn cung cấp hai ổ điện 230V dành cho tủ lạnh hay các thiết bị của dân phượt.
Một trong những điểm mới mà giới chơi xe địa hình hứng thú có lẽ là hệ thống kiểm soát đa địa hình với núm xoay chọn các chế độ chạy như bình thường, đường bùn, đường tuyết và đường sỏi. Ở mỗi chế độ, động cơ, hộp số sẽ điều chỉnh sao xe vượt qua dễ dàng nhất. Ford trang bị khóa vi sai cầu sau thay vì khóa trung tâm bởi hệ thống 4 bánh toàn thời gian làm việc hiệu quả. Khi cần thiết chỉ khóa cầu sau là đủ vượt địa hình.
Tất cả những trang bị mới nhất này chưa thể mang lại cho Everest lợi thế. Bởi đó chỉ là vỏ ngoài, mang tính hỗ trợ. Tính năng lái mới là thứ gây nghiện, là tính cách, là cơ sở thuyết phục khách hàng. May mắn là Ford đã theo đuổi con đường "phục vụ cảm xúc lái" từ rất lâu. Và Everest có thể làm ngạc nhiên cho người khó tính nhất về cảm giác vô-lăng.
Ford đưa giải pháp điều chỉnh góc lái chủ động để đề phòng tài xế đánh lái quá nhiều hoặc quá ít, nhằm giữ cân bằng cho xe khi vào cua. Thứ quan trọng hơn là sự chính xác và cảm nhận lực xoay vô-lăng rất thật. Vào cua ở những cung đường núi vòng vòng ở Chiềng-rai (Thái Lan), Everest di chuyển ngọt gọn như một chiếc gầm thấp.
Vận hành của vô-lăng kết hợp với độ thật chân ga, phanh tạo cho Everest vị thế khác hẳn. Một chiếc xe lực lưỡng, tầm nhìn cao đi cùng bộ điều khiển tốt bỗng trở nên đơn giản, dễ điều khiển. Muốn đặt bánh xe ở đâu, vào góc lái bao nhiêu, xe có thể hoàn thành ngay từ cú xoay vô-lăng đầu tiên.
Dẫu vậy, động cơ dầu làm giảm mất một phần hưng phấn. Tiếng vọng vào ca-bin cho từng cú đạp ga và phản ứng trễ làm tài xế cảm thấy thiêu thiếu. Giả sử Ford tung ra bản máy xăng thì đó thực sự mẫu đa dụng hoàn hảo.
Bù lại, động cơ dầu tương thích với nhiệm vụ vượt địa hình hơn. Ford trang bị hai phiên bản 2.2TDCi và 3.2TDCi. Trong đó 3.2 Dura Torque VG Turbo cho công suất 200 mã lực ở vòng tua máy 3.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 470 Nm tại vòng tua máy từ 1.750-2.500 vòng/phút.
Bản 2.2TDCi có sức mạnh 160 mã lực ở vòng tua máy 3.200 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 385 Nm ở dải vòng tua máy từ 1.600-2.500 vòng/phút. Cả hai trang bị hộp số tự động 6 cấp nhưng không phải loại PowerShift ly hợp kép.
Những thông số này cho phép Everest hoạt động thoải mái ở những địa hình thông thường. Không có bất cứ vất vả nào cho những dốc đất 10 độ ở đường mòn tỉnh Chiềng-rai. Kết cấu khung gầm có thể giúp lội sâu 800 mm.
Ford Việt Nam xác nhận sẽ đưa Everest về nhưng biết theo dạng nhập hay lắp ráp. Trước mắt, chiếc SUV này sẽ xuất hiện tại triển lãm Việt Nam Motor Show diễn ra vào tháng 10 tới.
Tại thái lan , Everest bán ra với 5 màu lựa chọn và có giá từ 39.000 USD cho bản 2.2 Titanium 4x2, bản 3.2 Titanium 4x4 giá 44.900 USD và bản cao cấp nhất 3.2 Titanium Plus 4x4 có giá 49.000 USD
Trọng Nghiệp