Cả hai đều có đường lượn sắc nét. Nhưng Fiesta nhấn mạnh về tính động học mà Ford sử dụng trên các sản phẩm tại châu Âu dưới sự chỉ đạo thiết kế của Martin Smith. Còn Mazda2 lại muốn thể hiện sự pha trộn ít góc cạnh hơn, như giám đốc thiết kế Ikuo Maeda gọi đó là "sự tương tác nhịp nhàng giữa bề mặt mịn và những đường viền sắc nét".
Ford Fiesta 2011 phiên bản cho thị trường Mỹ. |
Cả Fiesta và Mazda2 đều được điều chỉnh cho phù hợp tới thị trường Mỹ. Mazda2 ra mắt năm 2007 tại Nhật - thị trường mà nó được gọi là Demio - và bán ra tại châu Âu, Australia và một số quốc gia châu Á vào năm 2008. Fiesta khởi nghiệp tại châu Âu cùng năm đó.
Tại Michigan (Mỹ), Kevin George là Giám đốc thiết kế của phiên bản Fiesta Bắc Mỹ. Ông tạo lại đường nét mũi xe giúp nó thích ứng với các tiêu chuẩn của thị trường, nhưng chủ yếu vẫn giữ lại thiết kế cơ bản. "Tôi mất khoảng 2 năm để làm nó trông như không có thay đổi nào hết", ông cho biết.
Mazda 2 2011 cũng của thị trường Mỹ. |
Trong khi đó, Derek Jenkins, Giám đốc thiết kế của Mazda Bắc Mỹ, nói rằng Ikuo Maeda tạo ra đường lượn viền ôm phía trên bánh xe của Mazda2 gợi nhớ tới mẫu thể thao RX-8, cũng do ông thiết kế. Phía đuôi xe lại thể hiện rõ mục tiêu là đối tượng khách hàng nữ ở những khu vực nội thị đông đúc. Nhưng Maeda cũng không muốn mẫu xe này bị phân biệt đối xử, vì thế các nhà thiết kế đã cố gắng mang lại cho nó vẻ chắc chắn và thể thao để thu hút cả khách hàng nam giới.
Ngược lại, Ford lại tìm cách làm nổi bật chiều dài của Fiesta trước người Mỹ, những khách hàng muốn có cảm giác có được hơn một chiếc xe với số tiền họ bỏ ra.
"Bộ mặt" của Fiesta khá ngầu, với phiên bản lưới tản nhiệt kiểu hình thang võng tìm thấy trên các mẫu xe Ford châu Âu. Còn phiên bản Mỹ lại có lưới tản nhiệt cổ điển hơn với ba thanh ngang, bắt chước trên các mẫu lớn hơn là Fusion và Edge.
Còn Mazda lại gắn trên phiên bản Mỹ của mình kiểu lưới tản nhiệt hình mặt cười thay cho kiểu phẳng trên các mẫu bán ra tại châu Á và châu Âu.
Minh Thủy (theo NYT)