Theo thông tin của Tiền Phong, năm 2008, một bản báo cáo mật bằng tiếng Anh của Ford Việt Nam do Tổng GĐ Michael Pease, GĐ Tài chính Bruce Bell và GĐ Kỹ thuật Balasundaram ký gửi lên cấp trên. Bản báo cáo cho biết có 48 bộ linh kiện (không phải linh kiện rời), bao gồm 20 bộ của Escape 3.0 (nhập khẩu tháng 6-2006), 20 bộ của xe Focus số tự động 1.8 và 2.0 (nhập khẩu tháng 12-2005) và 8 bộ của xe Mondeo (nhập khẩu tháng 2-2007).
Các bộ linh kiện này nằm ở dạng tồn kho, chưa qua sử dụng. Vì thế lãnh đạo hãng đề xuất với cấp trên xử lý bằng cách tháo ra bán rời cho các đại lý để phục vụ nhu cầu phụ tùng sửa chữa. Phần nào không đảm bảo chất lượng sẽ được tiêu hủy.
Ford Focus đời 2005. Ảnh: A.T |
Ngày 26/9, trả lời về các thông tin trên, Ford Việt Nam khẳng định tuân thủ quy trình tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng và an toàn cho các sản phẩm xe hơi và phụ tùng. Các quy trình này áp dụng cả cho những phụ tùng chưa qua sử dụng, phù hợp với pháp luật Việt Nam, cụ thể là thông tư 04/2007/TT-BTM ngày 4/4/2007 của Bộ Thương Mại.
Theo thông tư, việc thanh lý, tiêu hủy linh kiện nhập khẩu do doanh nghiệp tự quyết định, không phải xin phép các cơ quan chức năng và không được hoàn thuế nhập khẩu trong trường hợp tiêu hủy.
Trao đổi với VnExpress.net ngày 27/9, một chuyên gia cho biết mỗi hãng có những quy trình quản trị khác nhau và không có quy định nào trong việc thanh lý linh kiện. Một số nhà sản xuất ôtô không cho phép bán linh kiện lưu kho của khu vực sản xuất sang khu vực dịch vụ để làm phụ tùng vì có thể ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng. Linh kiện tồn kho dùng cho sản xuất, lắp ráp, thường bị hủy.
"Ở trường hợp Ford Việt Nam, công ty này nhập bộ linh kiện sớm nhất từ tháng 12/2005. Đến 2008 bán thanh lý. Thời hạn 2 năm trong lưu kho không phải là vấn đề. Vì thế chất lượng có thể đảm bảo. Trước khi lắp ráp đã phải kiểm tra thì bán ra ngoài họ phải có quy trình kỹ hơn", chuyên gia này nói.
Vấn đề chính ở đây là nếu đại lý không thông báo, khách hàng khó biết đó là phụ tùng thanh lý. Chưa kể đại lý có thể mua giá rẻ, rồi bán lại với giá đắt. Điều này gây tổn hại đến uy tín trong trường hợp nhà sản xuất không kiểm soát những linh kiện đã bán ra. Vì lợi ích trước mắt, họ có thể tổn hại lâu dài về hình ảnh thương hiệu. Bởi khách hàng sẽ có tâm lý nghi ngờ phụ tùng thay thế cho xe của mình là "đồ thanh lý".
Ford Việt Nam một lần nữa khẳng định cũng như bất cứ công ty Ford nào, đều tuân thủ các quy trình về chăm sóc khách hàng và quản lý phụ tùng được phát triển trên toàn cầu bởi tập đoàn Ford Motor. Bản chất ở đây là Ford Việt Nam chỉ bán các phụ tùng chưa qua sử dụng, ở tình trạng tốt cho các đại lý. Những phụ tùng này được bảo hành.
Liên doanh Mỹ cho biết chỉ khoảng 30% trong số các linh kiện được xem xét đề nghị bán và chưa đến 10% các phụ tùng này được bán ra.
Trọng Nghiệp