Chính phủ của Tổng thống Barack Obama sẽ sở hữu 60,8% "New GM". Chính phủ Canada và bang Ontario sở hữu 11,7%. Nghiệp đoàn ôtô nắm 17,5%. "GM cũ" sở hữu 10% còn lại. Thời gian xin bảo vệ phá sản của GM chỉ là 40 ngày, quá ngắn so với khoảng 60-90 ngày như dự kiến. Ngay cả giới lãnh đạo hàng này cũng bất ngờ. Các tài sản đã được bán rất nhanh.
Fritz Henderson, Tổng giám đốc kiêm giám đốc điều hành "New GM" nhấn mạnh đây là thời điểm quan trọng, một khởi đầu mới. "Rút khỏi tình trạng phá sản cho phép từng công nhân, và cả tôi, được kinh doanh trở lại. Chúng tôi tiếp tục thiết kế, sản xuất, bán ôtô và làm hài lòng khách hàng của mình", Henderson nói.
Fritz Henderson, Giám đốc điều hành và là người được kỳ vọng vực dậy gã khổng lồ 100 năm tuổi General Motors. Ảnh: AP. |
Sau thời gian dài rơi vào trì trệ, vị giám đốc điều hành mới khẳng định tập đoàn này sẽ chú tâm nghe khách hàng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu của họ và nắm bắt xu hướng của thị trường. Mục tiêu sẽ là sản xuất nhiều xe hơi, xe bán tải, xe crossover, những thứ mà khách hàng cần. Chứ không phải là loại GM thích.
"New GM" sẽ sở hữu 4 thượng hiệu gồm Chevrolet, Cadillac, Buick và GMC. Các thương hiệu khác như Pontiac, Saab, Saturn đã được bán hoặc khai tử.
Số lượng đại lý cũng được tinh giảm từ 6.000 xuống còn 3.600 vào 2010.
Nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới trong gần một thế kỷ tuyên bố xin bảo hộ phá sản vào ngày 1/6/2009.
Theo Bankruptcydata.com, vụ phá sản GM là vụ lớn thứ tư trong lịch sử tại Mỹ, sau ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, quỹ tiết kiệm Washington Mutual và hãng truyền thông Worldcom.
GM báo cáo tổng tài sản của tập đoàn là 82,3 tỷ USD và tổng nợ là 172,8 tỷ USD. Khoản viện trợ 19,4 tỷ USD từ chính phủ cũng không thể giúp GM vượt qua số phận của mình. Sau khi thủ tục phá sản hoàn tất, chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục rót thêm 30 tỷ USD cho GM duy trì hoạt động và bù đắp thiệt hại do phá sản gây ra trong thời gian tái cơ cấu. Cùng với đó là viện trợ từ chính phủ Canada cho GM Canada trị giá 9,5 tỷ USD.
Trọng Nghiệp (theo Detroit Free News)