Tăng từ xe “cỏ” đến xe sang
Bản kiến nghị không chỉ được gửi tới Bộ Tài chính theo yêu cầu, các nhà nhập khẩu còn gửi bản kiến nghị tới một loạt các cơ quan có thẩm quyền cao hơn. Bản kiến nghị lần lượt gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Công Thương và Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội.
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, giá tính thuế TTĐB hiện chưa bảo đảm công bằng với hàng sản xuất trong nước. VAMA đã đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi giá tính thuế TTĐB theo hướng tăng thêm chi phí bán hàng trong nước, lãi của cơ sở kinh doanh nhập khẩu.
Trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ, Bộ Tài chính cũng thừa nhận: Cách tính hiện tại đã được áp dụng ổn định nhiều năm qua và thực tế không phát sinh vướng mắc. Tuy nhiên, do lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô đến 2018 (về 0%) theo cam kết các hiệp định quốc tế, duy trì cách tính hiện nay thì giá xe nhập sẽ cạnh tranh về giá hơn xe sản xuất, lắp ráp trong nước. “Vì vậy cần sửa đổi cách tính để bảo hộ sản xuất trong nước”, tờ trình của Bộ Tài chính phân tích.
Các nhà nhập khẩu đưa ra nhiều cơ sở để bảo lưu cách tính thuế TTĐB hiện nay. Đầu tiên, họ cho rằng có sự nhầm lẫn vị thế doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng và các doanh nghiệp lắp ráp ô tô nội trong chuỗi cung ứng xe đến người tiêu dùng. Chưa hết, các nhà nhập khẩu cho rằng, việc thiếu kiểm soát hoạt động mua bán linh phụ kiện của các doanh nghiệp lắp ráp sẽ dẫn tới nguy cơ Việt Nam bị thất thu thuế (do chuyển giá ra nước ngoài).
Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công cho rằng, mục đích chính của thay đổi này là tiếp tục bảo hộ các đơn vị sản xuất và lắp ráp xe. “Điều chúng tôi mong muốn thị trường sẽ ngày càng minh bạch, công bằng hơn, cũng như mang lại giá trị tốt nhất cho người tiêu dùng”, ông Lê Ngọc Đức mong muốn.
Ngoài ra, cũng theo các nhà nhập khẩu ô tô, khi làm chính sách cần cân nhắc bởi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới. Nếu bảo hộ sản xuất trong nước để thay đổi cách tính các hàng hóa nhập khẩu, các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh khác của Việt Nam sẽ bị “trả đũa” ở các thị trường nước ngoài. “Khi đó, hậu quả cho nền kinh tế Việt Nam còn nghiêm trọng hơn rất nhiều”, bản góp ý của các nhà nhập khẩu xe nhận định.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cách tính thuế TTĐB mới sẽ gây ra nhiều hậu quả. Thứ nhất, chính sách, nếu được thông qua, sẽ vô hình hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Vị chuyên gia này còn cho rằng, cách tính thuế TTĐB mới sẽ tạo cơ hội cho các nhà lắp ráp ô tô trong nước càng ngày càng “chây ì” không chịu cắt giảm chi phí, giảm giá bán và người dân tiếp tục phải mua xe với giá cao.
Theo Tuấn Đức (Báo Tiền phong)