Trao đổi với VnExpress chiều 7/7, một quan chức của Cục Hải quan Hải Phòng vẫn không khỏi bất ngờ về chuyện cả 96 động cơ ôtô bỏ quên tại cảng hai năm trời mà nhà nhập khẩu không biết.
"Đây là chuyện hy hữu trong lịch sử ngành ôtô mà tôi biết, nhất là khi đó lại là động cơ ôtô Innova, loại xe được coi là bán chạy nhất trong thời gian qua", ông nói.
Vị quan chức này cho biết phía cơ quan hải quan cũng sẽ tìm hiểu sự việc để làm rõ đằng sau vụ bỏ quên là gì. Đây là lỗi tắc trách của nhân viên cảng hay do hãng đã quên hàng và không khai báo về cảng. Hiện tại, ông vẫn chưa rõ lô hàng trên từng nằm ở đâu, do đơn vị nào phụ trách.
Toyota Innova, mẫu xe ăn khách nhất Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo quy định xuất nhập khẩu, một lô hàng cập cảng trước khi dỡ xuống khỏi tàu sẽ phải làm thủ tục khai báo tại cảng. Chủ tàu sẽ phải điền vào tờ khai về số container, ngày tàu cập cảng, mã hàng và cả phiếu niêm phong trước khi mở tờ khai.
Những dữ liệu này sẽ được đơn vị quản lý cảng nhập vào hệ thống để theo dõi. Trong vòng 15 ngày không thấy chủ hàng đến nhận, nhân viên cảng sẽ có nhiệm vụ thông báo với chủ tàu, chủ tàu cũng sẽ có hình thức "thúc" đơn vị nhập khẩu đến nhận hàng. Đồng thời, họ sẽ tính tiền lưu vào khoảng 7-12 USD mỗi ngày.
Nếu hàng được dỡ xuống thì phải đăng ký với cảng để đưa vào kho ngoại quan đồng thời làm thủ tục khai báo. Trong khi đó, lô hàng của Toyota để quên từ 2006 đến 2008, qua 2 lần tổng kết cuối năm là điều khó xảy ra.
Ngạc nhiên không kém là những nhà chuyên nhập khẩu xe nguyên chiếc. Bỏ qua quy trình quản lý nghiêm ngặt của Toyota thì với một công ty bình thường, việc để quên trong suốt một thời gian dài như vậy là không thể lý giải.
"Không bao giờ có chuyện đó vì chỉ cần chậm vài ngày, chủ tàu đã đốc thúc tới nhận hàng. Họ có trách nhiệm tới khi lô hàng được thông quan, với tư cách là đơn vị chuyển từ người gửi sang người nhận", giám đốc doanh nghiệp nhập khẩu ôtô có tiếng tại Hải Phòng nói.
Theo bà, việc để quên của Toyota có thể là do số lượng hàng quá nhiều. Tuy nhiên, thời gian chỉ có thể khoảng một hai tháng chứ không thể kéo dài đến 24 tháng. Ngoài ra, 96 bộ động cơ có thể phải chứa trong 2-4 container nên việc "quên" một cách bình thường là khó hiểu. "Chắc chắn có gì bí ẩn phía sau. Ngay một đơn vị nhập khẩu nhỏ, không cần có hệ thống quản lý chặt chẽ như Toyota, cũng không bao giờ xảy ra chuyện như thế".
Theo tìm hiểu của VnExpress, khi xảy ra sự việc các quan chức người Nhật ở Toyota Việt Nam cũng cảm thấy sửng sốt vì suốt 2 năm qua, ban lãnh đạo không hề được cấp dưới báo cáo về chuyện này. Thậm chí cả việc đưa những động cơ này vào lắp ráp và bán cho khách cũng nằm ngoài tầm kiểm soát.
Đầu năm 2006, một container chứa động cơ của mẫu Innova và Hiace sau 2-3 tuần rời nơi sản xuất (Indonesia) đến cảng Hải Phòng và nằm tới tận tháng 2/2008 mà không có người nhận. Lô hàng gồm 90 động cơ Innova (trong đó một chiếc được đưa về Indonesia để thử nghiệm) và 6 động cơ Hiace.
Thời điểm này trùng với việc Toyota trình làng Innova tháng 1/2006 nên đây được coi là một trong những lô hàng đầu tiên. Kể từ khi ra mắt, Toyota Việt Nam đã bán gần 30.000 chiếc Innova, một kỷ lục chưa từng có trên thị trường ôtô.
Hồng Anh - Trọng Nghiệp